Chủ tịch Siam Brothers: "Tôi biết nói tiếng Việt, cưới cô gái Việt và Việt Nam đã cho tôi rất nhiều điều"
Để nói tiếng Việt thành thạo, kết hôn với người vợ Việt và đưa công ty đến mức doanh thu 600 tỷ đồng/năm sau gần 30 năm ở Việt Nam, ông Veerapong Sawatyanon - Chủ tịch HĐQT Siam Brothers Việt Nam, đã trải qua những khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp ở một quốc gia khác, rồi cuộc khủng hoảng năm 1998 khiến ông cạn kiệt năng lượng.
Doanh nhân người Thái Lan Veerapong Sawatyanon, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam, chuyên về sản xuất dây thừng, lưới phục vụ ngành đánh bắt thủy sản, vận tải biển, công nghiệp, nông nghiệp. Ông đã có những chia sẻ về những ngày đặt chân đến Việt Nam khởi nghiệp và cả những lần khủng hoảng của công ty, cũng như chính bản thân ông trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công mới đây.
Từng nghĩ sẽ cả đời gắn bó với Thái Lan nhưng Việt Nam đã thay đổi cuộc đời
Ông Veerapong sinh ra trong một gia đình Thái Lan và nghĩ rằng cả cuộc đời sẽ gắn bó với xứ Chùa Vàng. Nhưng rồi, năm 1994, ông được cử sang Việt Nam để phát triển kinh doanh.
"Trước khi sang Việt Nam, tôi nghĩ đây là đất nước lạc hậu, cũng giống như Thái Lan mấy năm về trước. Tôi khá tự tin và coi nhẹ chuyến đi này", ông Veerapong kể.
Tuy nhiên, thực tế khác xa suy nghĩ của ông. Thị trường Việt Nam vô cùng rộng lớn và đầy thách thức. Không ít doanh nghiệp đồng hương của ông đã thất bại tại đất nước hình chữ S này.
Lúc đó, ông Veerapong thấy rằng, bài toán khó đặt ra là đó là thâm nhập thị trường, tạo uy tín với khách hàng.
"Khát khao chinh phục, năm 1995, tôi lập công ty tại Việt Nam với các sản phẩm lưới cụ theo truyền thống gia đình và tham vọng sẽ là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhận giấy phép kinh doanh, tôi bắt đầu lên chiến lược. Mục tiêu của tôi là đột phá doanh thu trong 5 năm đầu tiên", doanh nhân người Thái kể.
Công ty mẹ ở Thái Lan lao đao, khó khăn bủa vây Siam Brothers Việt Nam khiến doanh nghiệp này "lọt" top những công ty lỗ nặng nhất năm 2000
Tuy nhiên, kinh doanh luôn có những rủi ro khó lường. "Mọi thứ đang đi đúng quỹ đạo thì năm 1998, khủng hoảng kinh tế thế giới ập xuống. Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề", ông Veerapong nhớ lại. Trong khi đó tại thị trường Việt Nam, Siam Brothers đang trên đà chuẩn hóa. Doanh thu chưa ổn định trong khi vẫn phải chi các khoản như nhân sự, nhà máy, tự động hóa…
Trước tình hình đó, để doanh nghiệp ổn định bộ máy, ông Veerapong phải vay ngân hàng và dồn lực cho vấn đề nội bộ dang dở, xây dựng quy chế cho công ty. Tình hình khó khăn, năm 2000, Siam Brothers Việt Nam "lọt" top những doanh nghiệp lỗ nặng nhất Việt Nam.
"Tôi bắt đầu ra soát lại các chiến lược, nhìn lại tình hình. Người đồng hương của tôi chưa hiểu thị trường Việt Nam nên đưa ra các chiến lược không trúng đích. Càng đi sâu vào số liệu, chúng tôi vay ngân hàng với lãi suất cao trong khủng hoảng. Các đối tác của chúng tôi đa phần là doanh nghiệp lớn, thay vì mở rộng thị trường, họ cạnh tranh lẫn nhau tạo nên sự rối loạn thị trường", doanh nhân người Thái cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều bên còn đòi chiết khấu cao. Cùng lúc đó, hàng Trung Quốc, hàng Malaysia vào phá giá thị trường.
"Rối tung rối mù" cả vấn đề nội bộ, áp lực tài chính và cạnh tranh, ông Veerapong "cạn kiệt năng lượng" và không đủ tự tin để đưa ra các quyết định cho mình.
Giải quyết nội bộ, chia lại thị phần, không cạnh tranh về giá đã giúp Siam Brothers lấy lại vị trí và đến nay có mức doanh thu 600 tỷ đồng/năm
"Một thời gian dài, tôi không biết làm gì trước và sau. Tôi không tự tin để làm gì hết. Tuy nhiên, tôi tự nhủ, đã đến lúc phải đối mặt với thực tại. Nhìn lại quãng đường đã qua, tôi thấy mỗi bước đi của mình đều là nỗ lực nhưng chưa bao giờ nản chí", doanh nhân người Thái tự sự.
Trong bối cảnh đó, ông nhớ lại những câu này của Việt Nam:
"Dựa nào núi, núi lở
Dựa vào sông , nước chảy đi
Dựa vào người, người đi mất
Dựa vào mình, vững trăm năm"
Ông Veerapong lần lượt giải quyết các vấn đề, đầu tiên là nội bộ. Bên cạnh đó, thay vì gặp riêng đối tác, ông gặp toàn bộ đối tác để trình bày, nói rõ về thị trường, thị phần, công khai chiết khấu và quyền lợi đi kèm. "Mặc dù ban đầu có nhiều ý kiến phản đối nhưng sự rõ ràng, minh bạch hóa thông tin, kiểm soát mức giá đã giúp công ty đi dần vào ổn định", ông Veerapong nhớ lại.
Với các đối thủ, thay vì cạnh tranh về giá, Siam Brothers tập trung vào nâng cao chất lượng, truyền thông đến người tiêu dùng. Và những hoạt động tích cực này đã giúp doanh thu của doanh nghiệp tốt hơn và cắt được lỗ.
Năm 2002, công ty chính thức báo lãi. Năm 2017, Siam Brothers Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ lên sàn chứng khoán. Hiện nay, năng suất công ty lên tới 12.000 tấn/năm và doanh thu 500 đến 600 tỷ đồng/năm.
Ông Veerapong chia sẻ, ông tự hào vì là số ít doanh nghiệp Thái thành công tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Thái đến Việt Nam đầu tư đều hỏi ý kiến tôi. "Tôi biết nói tiếng Việt, cưới cô gái Việt và Việt Nam đã cho tôi rất nhiều điều", ông Veerapong chia sẻ.