MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Sơn Kim tiết lộ kế hoạch đổ 100 triệu USD xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ trải dài khắp nước, muốn trở thành 'bá chủ' ngành F&B Việt Nam

20-05-2019 - 11:33 AM | Doanh nghiệp

Sơn Kim tin rằng, sau khi hoàn thành chuỗi cung ứng họ sẽ là một trong những đầu mối liên hệ đầu tiên khi có bất cứ công ty bán lẻ nước ngoài nào muốn đến làm ăn kinh doanh tại việt Nam.

Mặc dù không thần tượng Vingroup song ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch Sơn Kim Land và Retail rất khâm phục những gì mà doanh nghiệp này đã làm được cho tới thời điểm hiện tại.

Với hệ sinh thái đa dạng mà Vingroup đã xây dựng, trải dài mọi mặt đời sống của con người: từ y tế, thương mại, bất động sản, giáo dục, ô tô, điện thoại cho đến giao thông…; đến một lúc nào đó, thậm chí Vingroup tác động đến đời sống người Việt Nam sâu sắc đến nỗi, ông Tuấn dự báo, dù ai đó muốn gỡ ứng dụng của họ ra khỏi điện thoại thì cũng không thể.

"Tuy quy mô của chúng tôi không bằng Vingroup, song tầm nhìn của chúng tôi cũng rất rộng lớn. Chúng tôi muốn phát triển đa ngành, đồng thời có thể xây dựng nên hệ sinh thái riêng của bản thân.

Hiện chúng tôi có 3 mảng chính là bất động sản, bán lẻ và truyền thông, nhưng thật ra mảng truyền thông cũng để phục vụ mảng bán lẻ chứ không liên quan đến showbiz.

Trước đây, chúng tôi đưa ra mục tiêu cho ngành bất động sản là sẽ trở thành ‘cửa ngõ bất động sản Việt Nam’ cho những doanh nghiệp bất động sản muốn vào Việt Nam kinh doanh, lần này, mục tiêu ở mảng bán lẻ tất nhiên cũng không khác. Các nhà bán lẻ nước ngoài, khi bước vào thị trường Việt Nam, nếu không có hạ tầng bán lẻ thì họ không thể kinh doanh được", ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết.

Với nhìn nhận rằng, Apple không thể trở nên vĩ đại như ở thời điểm hiện tại nếu họ không có chuỗi cung ứng tốt nhất thế giới, hay H&M và Zara cũng sẽ lặn ngụp đâu đó nếu không có chuỗi cung ứng xuất sắc giúp tốc độ bán hàng và mẫu mã của họ đồng bộ trên khắp thế giới; nên Sơn Kim cũng sẽ bắt tay vào xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ, như cách đặt nền móng cho hạ tầng bán lẻ, phục vụ cho hệ sinh thái bán lẻ mà họ có sau này.

100 triệu USD xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ trải dài khắp Việt Nam

Theo kế hoạch mà ông Tuấn tiết lộ, thì họ sẽ đổ khoảng 100 triệu USD vào việc phát triển chuỗi cung ứng cho ngành bán lẻ trải dài khắp Việt Nam, như xây dựng kho bãi, hệ thống giao thông, đội vận tải, nhà máy, … Tất nhiên, Sơn Kim không thể một mình "bao sô, bao lô", mà có cái họ sẽ xây dựng, có cái họ sẽ hợp tác với các đơn vị khác. Hiện tại, kế hoạch này của Sơn Kim đang triển khai rầm rộ, chỉ là họ chưa truyền thông rộng rãi mà thôi.

Sau khi hoàn thành chuỗi cung ứng, cộng hệ thống bán hàng đa kênh và khả năng cung cấp 250 mặt bằng cửa hàng rải rác trên khắp cả nước của Sơn Kim Land cùng quan hệ thân thiết của doanh nghiệp với các trung tâm thương mại, Sơn Kim tin rằng, họ sẽ là một trong những đầu mối liên hệ đầu tiên khi có bất cứ công ty bán lẻ nước ngoài nào muốn đến làm ăn kinh doanh tại việt Nam. Bởi, với hạ tầng như thế, không phải công ty nào ở Việt Nam cũng có thể có được.

Chủ tịch Sơn Kim tiết lộ kế hoạch đổ 100 triệu USD xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ trải dài khắp nước, muốn trở thành bá chủ ngành F&B Việt Nam - Ảnh 1.

Cửa hàng GS2 vừa khai trương ở tòa nhà Sadora - Quận 2.

Hiện tại, trong mảng bán lẻ, Sơn Kim Retail đang kinh doanh 5 lĩnh vực: thời trang với các thương hiệu như Vera hay Jockey; đồ nội thất với thương hiệu S.B Furniture – Thái Lan; đồ gia dụng với kênh mua sắm online và trực tuyến VGS Shop; cửa hàng tiện lợi liên doanh cùng SG25 đến từ Hàn Quốc; gần nhất là mảng F&B, với 2 nhà hàng cao cấp phong cách Địa Trung Hải là Jardin Des Sens, Mama Sens thêm nhà hàng cao cấp phong cách Nhật Watami, sẽ ra mắt vào tháng 6 tới.

Nguồn vốn mở rộng GS25 rất lớn

Về cửa hàng tiện lợi GS25, dù ông Tuấn không chịu tiết lộ hiện tại, họ đã mở bao nhiêu cửa hàng ở Việt Nam, nhưng vị lãnh đạo này khẳng định, chuỗi cửa hàng tiện lợi này vẫn phát triển tốt, nhanh và mạnh. Thậm chí, Sơn Kim, thông qua GS25, còn cung cấp ngược lại cho các cửa hàng tiện lợi của thương hiệu này tại Hàn Quốc những thực phẩm khô của Việt Nam như bún, miến và trái cây tươi nhiệt đới.

"Việc Auchan phải ‘tháo chạy’ ở Việt Nam chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi cả, vì sự việc đang diễn ra đúng xu hướng. Không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, siêu thị đang thoái trào để nhường chỗ cho bán hàng online và cửa hàng tiện lợi. Tại Việt Nam, thị trường cửa hàng tiện lợi đang rất béo bở, nên nhiều thương hiệu cùng nhảy vào.

Do đó, lợi thế cạnh tranh bây giờ chính là quy mô đầu tư, anh phải có vốn lớn để triển khai mở rộng thật nhanh thì mới có cơ may chiến thắng. Mà trước khi vào cuộc chơi, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng cả nguồn vốn lẫn thương hiệu, khi thuyết phục được GS25 liên doanh với tỉ lệ góp vốn Sơn Kim 70% – SG25 30%. Còn việc thỉnh thoảng bạn nghe ai đó phải rời cuộc chơi như Shop&Go thì đơn giản là bởi họ đã bị ‘đuối’, còn thị trường vẫn tốt", ông Tuấn trả lời Cafebiz.

Một lợi thế cạnh tranh khác của GS25 là sau khi có chuỗi cung ứng, họ sẽ dễ dàng và thuận tiện trong việc cung cấp những thức ăn tươi – chỉ có thời gian sử dụng trong 16 đến 24 tiếng trên khắp toàn quốc.

Thống kê trên trang web của GS25 Việt Nam cho thấy, hiện họ đã mở được 35 cửa hàng tại TP. HCM (chưa kể cái ra mắt ở Sadora - Quận 2), sau gần một năm rưỡi ra mắt, trong khi mục tiêu mà họ đề ra đầu nằm 2018 là sẽ có 2.500 cửa hàng khắp Việt Nam sau 10 năm, tức là tính trung bình mỗi năm họ sẽ phải mở 250 cửa hàng. Nhìn vào danh mục hàng hóa của GS25, chúng ta có thể thấy yếu tố Hàng Quốc hết sức nổi trội, ngay cả những món ăn liền, nếu không phải là đặc trưng Hàn Quốc ví dụ như mì ramen, bán gạo, cơm trộn… thì cũng được trang trí và chế biến theo phong cách Hàn Quốc.

Muốn trở thành 'bá chủ' ngành F&B Việt Nam thông qua sự hợp tác với tập đoàn Watami

Về thương hiệu ẩm thực mới Watami, liên doanh giữa Sơn Kim và tập đoàn Watami đến từ Nhật Bản – Watami Việt Nam, sẽ ra mắt nhà hàng hạng sang mang thương hiệu Kyo Watami Grill & Sushi trên tầng thượng tòa nhà Serenity Sky Villas của Sơn Kim Land vào tháng 6/2018. Đây chỉ là một một dự án nhỏ trong chiến lược hợp tác dài hơi giữa hai tập đoàn này.

Theo chia sẻ từ Chủ tịch Sơn Kim Retail, Watami là một tập đoàn ẩm thực hàng đầu Nhật Bản, khi có tới 17 concept nhà hàng, 500 cửa hàng tại khắp châu Á trong đó có gần 450 là tại Nhật Bản. Sở dĩ Sơn Kim chọn concept sang trọng nhất là Kyo Watami Grill & Sushi để làm thương hiệu, sau đó tùy thuộc vào tình hình thị trường, họ sẽ lựa chọn những concept khác để triển khai ở thị trường Việt Nam. Trong 10 năm tới, mục tiêu của Sơn Kim là phát triển 30 nhà hàng theo nhiều concept của Watami.

Chủ tịch Sơn Kim tiết lộ kế hoạch đổ 100 triệu USD xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ trải dài khắp nước, muốn trở thành bá chủ ngành F&B Việt Nam - Ảnh 2.

Đại diện Sơn Kim và Watami đang giới thiệu liên doanh Watami Việt Nam.

Các nhà hàng Nhật Bản đang nở rộ tại Việt Nam do người Việt rất thích đồ ăn Nhật, tuy nhiên trong khi nhiều nhà hàng khác hoạt động theo hình thức nhượng quyền, còn Kyo Watami Grill & Sushi thì được phát triển bởi cả Sơn Kim lẫn Watami cùng giá cả cạnh tranh, nên ông Trung nghĩ là nó sẽ không bị lép vế.

Trong thời gian đầu tiên, 70% đến 80% thực phẩm mà Kyo Watami Grill & Sushi sử dụng sẽ được nhập khẩu từ các nhà cung cấp của Watami ở khu vực châu Á, phần còn lại lấy từ nhà cung cấp địa phương đã được Watami thẩm định. Trong tương lai, khi hệ thống F&B và cửa hàng tiện lợi phát triển, Sơn Kim có thể nghĩ tới việc tổ chức vùng nguyên liệu riêng cho bản thân.

Mặt khác, cả hai sẽ hợp tác với nhau để xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Khu công nghiệp Cát Lái – Quận 2, ngoài phục vụ cho các cửa hàng tiện lợi GS25 cũng như hệ thống nhà hàng của họ, nhà máy này còn đóng vai trò nhà cung cấp cho tập đoàn Watami, xuất khẩu thực phẩm đông lạnh lại cho các nhà hàng trong hệ thống của doanh nghiệp này tại châu Á cũng như Nhật Bản.

Theo ông Tuấn, thường trong các liên doanh, Sơn Kim thích chiếm phần hơn, họ luôn góp 70 còn đối tác 30 (như với GS25), trong thực phẩm Sơn Kim còn muốn hơn, thích 85% - đối tác 25%; tuy nhiên ở thương vụ này, họ đồng ý góp 50-50 và nhà máy sẽ sản xuất - hoạt động theo tiêu chuẩn Nhật.

Mục tiêu dài hơi của Sơn Kim Retail là muốn trở thành doanh nghiệp F&B lớn nhất Việt Nam.

Với tất cả những gì ông Trung chia sẻ ở trên, hẳn chúng ta đã phần nào hình dung ra hệ sinh thái bán lẻ của Sơn Kim . Do đó, trong tương lai, nếu bạn thấy Sơn Kim nhảy qua lĩnh vực bán lẻ nông nghiệp hay dược phẩm thì cũng đừng ngạc nhiên.

Theo Quỳnh Như

Trí thức trẻ

Trở lên trên