Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Cổ phiếu "rác" tăng là hoàn toàn bình thường do cầu tăng mạnh, bất thường hay không phải nhờ cơ quan chức năng kiểm tra
Tiến sĩ Cấn Văn Lực lại nhắc đến "bất thường" xuất phát từ tâm lý đám đông, khi một số doanh nghiệp mặc dù kết quả kinh doanh không tốt song giá cổ phiếu vẫn tăng giá "ầm ầm", kèm theo đó là phát hành nhiều đợt trái phiếu.
Bất chấp việc kinh tế tăng trưởng âm trong quý 3 hay hàng trăm nghìn doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng hoạt động kể cả những doanh nghiệp quy mô lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục cả về điểm số và thanh khoản, kèm theo đó là hàng loạt những kỷ lục và sự kiện nổi bật được ghi nhận. Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh điểm "bình thường" và "bất thường" được vẽ lên trên bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021.
Điều được cho là "bất thường" thực chất là hoàn toàn "bình thường"
Trao đổi trong buổi Hội thảo "10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021", ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI cho rằng những điều được nhà đầu tư hay các chuyên gia cho rằng là "bất thường" trên thị trường chứng khoán trong năm qua chưa hẳn là thực sự bất thường, mà ngược lại là rất "bình thường".
"Phải chăng những gì xảy ra không theo đúng ý chúng ta thường nghĩ thì sẽ lập tức được coi là bất thường?", ông Hưng đặt ra câu hỏi tu từ nhằm chỉ ra rằng về mặt bản chất, không nên đánh giá vấn đề nào là xấu hay tốt bởi lẽ bản thân thị trường chứng khoán sinh ra đã cần phải chấp nhận sự khác biệt đến từ nhận thức, định nghĩa, cung cầu,..
Việc thanh khoản tăng kỷ lục lên mức tỷ đô là điều nhà đầu tư đã mơ ước từ lâu hay số lượng tài khoản mở mới lên mức hàng triệu tài khoản cũng ít ai ngờ tới. Dòng tiền chảy từ kênh tiết kiệm sang đầu tư tài chính mà cụ thể hơn là chứng khoán cũng đã trở thành hiện thực. Tất cả những điều này theo vị Chủ tịch SSI đều hoàn toàn bình thường chứ không bất thường như nhiều người đang lo lắng.
"Hai chức năng chính đề ra khi Uỷ ban Chứng khoán ra đời gồm xây dựng thị trường và kiểm soát thị trường. Quãng thời gian 21 năm vừa qua, việc xây dựng thị trường cơ bản đã thu về kết quả tốt, với sự bứt phá của thị trường chứng khoán trong năm 2021 là minh chứng. Và hiện tại chức năng kiểm soát thị trường nên bắt đầu được tập trung hơn", ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.
Nhận định về tình trạng hàng loạt mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng từ 100-400% chỉ trong 1 tháng, trong khi hiệu quả hoạt động kinh doanh không có gì nổi trội, ông Hưng cho rằng nếu chỉ nhìn trên góc độ thị trường thì đà tăng của những cổ phiếu "rác" này là bình thường khi được thúc đẩy mạnh bởi lực cầu. Thị trường luôn luôn đúng, chỉ có cầu thì giá mới được đẩy cao lên, và không hề bất thường hay bình thường. Có chăng, sự bất thường sẽ phải đến từ những kiểm tra, đánh giá bởi cơ quan chức năng để tìm ra những hành vi thao túng giá, vi phạm công bố thông tin, tạo lập giá cổ phiếu…
Chủ tịch SSI chỉ ra thêm vấn đề được cho là "bất thường" trên thị trường năm qua chính là hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp không được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí đã xuất hiện hiện tượng chào bán trái phiếu trên mạng xã hội hay theo hình thức đa cấp.
Ba "bình thường" và ba "bất thường" của thị trường chứng khoán năm 2021
Cũng trong Hội thảo, xoay quanh cùng chủ đề trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia chỉ ra ba điểm "bình thường" và ba điểm "bất thường" trên thị trường chứng khoán năm 2021.
Cụ thể, theo quan điểm riêng, điểm bình thường thứ nhất là việc thị trường chứng khoán tăng trong bối cảnh dòng vốn rẻ là phổ biến. Dòng tiền này có thể xuất phát từ những nguồn như hỗ trợ Chính phủ; tiền gửi tiết kiệm chảy sang hay mức lãi suất thấp giúp các hoạt động cho vay kinh doanh chứng khoán, margin tăng trưởng tích cực tốt.
Điểm bình thường thứ hai đến từ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế được phản ánh vào chứng khoán. Bất chấp đại dịch, đa số lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết đều tăng 20-23%, nhờ đó hệ số P/E hiện vào khoảng 17 lần chứ không phải 25-23 lần như những lần lập đỉnh trong quá khứ.
Điểm bình thường thứ ba là lực cầu đầu tư chứng khoán tăng mạnh trong năm khi đây là kênh đầu tư hấp dẫn hơn hẳn các kênh đầu tư đại chúng khác như tiết kiệm hay bất động sản.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia
Ngược lại, Tiến sĩ Cấn Văn Lực điểm tới những "bất thường" gồm việc thị trường chứng khoán đang có vẻ tăng hơi "quá nóng" và lệch pha với tình hình thực tế. Dễ dàng so sánh để thấy mặc dù GDP chỉ tăng khoảng 2-3% song VN-Index đã đạt mức tăng tới 35% chỉ trong năm 2021, đồng thời chỉ số chứng khoán cũng đang tỏ ra bớt nhạy cảm hơn với tin nóng.
Thứ hai, ông Lực nhắc đến "bất thường" xuất phát từ tâm lý đám đông, khi một số doanh nghiệp mặc dù kết quả kinh doanh không tốt song giá cổ phiếu vẫn tăng giá "ầm ầm", kèm theo đó là phát hành nhiều đợt trái phiếu.
Cuối cùng, vị Chuyên gia chỉ ra việc thị trường chứng khoán chỉ đang tập trung xoay quanh 6 nhóm ngành chính gồm ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, tài nguyên cơ bản, xây dựng và dịch vụ tài chính. Điều này có thể gây ra rủi ro vì chỉ cần 1 nhóm cổ phiếu diễn biến tiêu cực cũng sẽ khiến thị trường dễ dàng điêu đứng.