Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nói gì việc cổ phiếu vào diện theo dõi đặc biệt?
Trong tình hình ngành xây dựng, bất động sản bị tác động bởi nhiều biến cố bất lợi, Tập đoàn Hòa Bình đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khủng hoảng và đưa cổ phiếu thoát khỏi diện kiểm soát.
- 07-07-2023Tập đoàn Hòa Bình nói gì khi lợi nhuận giảm hơn 1.400 tỷ đồng sau kiểm toán?
- 17-05-2023Diễn biến mới về 'cuộc chiến vương quyền' tại Tập đoàn Hòa Bình
- 17-02-2023Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Lê Viết Hải: "Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về giải cứu BĐS...Tôi mong chính phủ tìm được giải pháp giúp chúng ta vượt qua nguy cơ đổ vỡ ngành BĐS và hệ sinh thái"
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) - vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) giải trình biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và hạn chế giao dịch; giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Theo ông Hải, vào ngày 10/5, Tập đoàn Hòa Bình nhận được quyết định của HoSE về việc chuyển cổ phiếu của công ty từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến 18/5, Hòa Bình nhận được quyết định đưa cổ phiếu từ diện kiểm soát lên diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Giải trình về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và hạn chế giao dịch, ông Hải khẳng định, thời gian qua, Tập đoàn Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để hoàn thành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 vào ngày 30/6. Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về công bố thông tin theo đúng thời hạn.
Ngày 10/7, Hòa Bình nhận được quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 là số âm.
Ông Hải cho rằng, trong tình hình ngành xây dựng, bất động sản bị tác động bởi nhiều biến cố bất lợi, Hòa Bình đã và đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khủng hoảng.
Cụ thể, tăng vốn bằng hình thức phát hành cổ phiếu với số lượng phát hành tối đa 274 triệu đơn vị, giá phát hành 12.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 3.288 tỷ đồng. Trong đó, phát hành 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ, trị giá 648 tỷ đồng để hoán đổi công nợ với các nhà cung cấp, thầu phụ. Phát hành 220 triệu cổ phiếu, giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 2.640 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2023 - 2024.
Tập đoàn cũng có định hướng mở rộng thị trường xây dựng các công trình công nghiệp, cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội và thị trường nước ngoài. Theo ông Hải, giai đoạn 2023 - 2024 dự báo là cao điểm của giải ngân đầu tư công nên Hòa Bình sẽ tham gia dự thầu các dự án tiềm năng, tăng tỷ trọng doanh thu trong mảng hạ tầng.
Với mảng xây dựng công nghiệp, Hoà Bình tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giá trị trong thị trường công nghiệp chế biến, chế tạo theo làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Ở mảng xây dựng dân dụng, do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Hòa Bình định hướng chọn khách hàng phải có uy tín và tiềm lực tài chính tốt, chủ yếu đấu thầu xây dựng các công trình có chủ đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI .
Đồng thời, Hòa Bình sẽ huy động nguồn nhân lực tối đa phục vụ cho công tác thu hồi nợ tồn đọng. Sử dụng nhiều giải pháp hiệu quả để thu hồi nợ, gồm giải quyết tranh chấp công nợ qua tòa án kinh tế hoặc trọng tài quốc tế.
“Chúng tôi tin tưởng sẽ thành công trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện đã đề ra. Mục tiêu của Hòa Bình là đảm bảo cân đối dòng tiền trong ngắn hạn để duy trì hoạt động liên tục và khôi phục tốc độ tăng trưởng từ 30% - 40% doanh thu trong 5 năm tới”, ông Hải nói.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Hoà Bình đạt doanh thu thuần 1.893 tỷ đồng (giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái), lỗ sau thuế 170 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi hơn 5 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 168 tỷ đồng, trong khi quý III/2022 lãi 6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hoà Bình ghi nhận doanh thu thuần giảm 51% về mức 5.356 tỷ đồng và lỗ sau thuế 884 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của HBC tính tới 30/9 là 2.980 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 352 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn này mới đạt 43% chỉ tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.
Tại thời điểm 30/9, quy mô tài sản của Hoà Bình là 13.697 tỷ đồng, giảm 12% so với hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản phải thu ngắn hạn với giá trị 8.857 tỷ đồng, giảm hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm. HBC phải trích lập dự phòng 2.505 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi.
Tổng nợ vay của Hòa Bình tại ngày 30/9 là 5.150 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là từ các ngân hàng. Tổng chi phí lãi vay 9 tháng là 419 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 17/10, ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HBC cho biết, khả năng để doanh nghiệp đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của tập đoàn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.
Tiền phong