Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà nói về quỹ tiền mặt 200 tỷ: "Khi chi phí logistics tăng gấp 10 lần, chúng tôi phải lựa chọn xuất khẩu thì không có lãi nhưng không xuất khẩu sẽ bị hụt dòng tiền"
"Tâm lý kinh doanh xuất khẩu không mang lại nhiều lợi nhuận dẫn tới việc doanh nghiệp chần chừ không muốn làm, khi quyết định xuất khẩu mạnh mẽ để cân bằng dòng tiền của hệ thống thì có thể chúng tôi sẽ chiếm được nhiều thị phần", ông Lê Vĩnh Sơn chia sẻ
Tại hội thảo "CEO Exchange – lãnh đạo vượt khủng hoảng" do Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức, Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà ông Lê Vĩnh Sơn đã chia sẻ về quá trình Sơn Hà chuyển đổi số, thích ứng để vượt bão trong 2 năm qua.
Theo Chủ tịch Sơn Hà, các doanh nghiệp FDI đã cảnh báo có nhiều đơn hàng đã được chuyển ra nước ngoài. Có 7 doanh nghiệp dệt may tại Tiền Giang đã gửi đơn lên Thủ tướng về khả năng phá sản vì mất toàn bộ đơn hàng năm 2021 và 2022 do không sản xuất được. Đặc thù ngành dệt may để trúng thầu phải sản xuất mẫu, các đơn hàng phải chuẩn bị trước 1 năm, nếu mất đơn hàng 2022, doanh nghiệp không có việc làm trong 1 năm sẽ phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành vì các doanh nghiệp sẽ có trạng thái giống nhau, di chứng rất lớn.
Trong khi đó, ông Sơn cho rằng ở góc độ tích cực, các doanh nghiệp lớn chuẩn bị quay trở lại đầu tư sản xuất sẽ tạo cú hích cho các doanh nghiệp phụ trợ tiến bước. "Các doanh nghiệp lớn có kế hoạch đầu tư rất mạnh mẽ. Giống như nén lò xo, chúng ta chờ một cú bật khi dịch bệnh được khống chế, Việt Nam chống được dịch và duy trì trạng thái sống chung với Covid".
Theo Chủ tịch Sơn Hà, thị trường Việt Nam được đánh giá vẫn hấp dẫn với các doanh nghiệp FDI, khi các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì Việt Nam vẫn là điểm sáng của các NĐT. Hiện tại có khó khăn bởi tác động của quá trình giãn cách và đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng nếu nhìn trung và dài hạn thì Việt Nam vẫn nổi lên là quốc gia tăng trưởng tốt.
Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn
Với tình hình Sơn Hà, theo ông Sơn, thực tế không thể nói không có thiệt hại nhưng Tập đoàn có nhiều giải pháp để vượt qua giai đoạn vừa rồi.
"Cuối năm 2019 ngay khi nghe một số thông tin phía Trung Quốc có căn bệnh lạ, bản thân ban lãnh đạo Sơn Hà đã có sự chú ý và theo dõi. Tháng 4/2020, Hà Nội xuất hiện ca đầu tiên, khi đó mình chưa hiểu tác động của dịch bệnh đến đâu nhưng vẫn phải đưa ra đối sách và đặt ra các kịch bản kiểm soát rủi ro.
Đầu tiên là tiền mặt. Tôi yêu cầu mọi yếu tố phải giữ bằng được tiền mặt, anh em phải làm việc với các nhà cung cấp và đối tác thu bằng được và không chi ra nữa. Khi quỹ tiền mặt lên 200 tỷ đồng - đạt mục tiêu tiền mặt tạm chấp nhận được nếu có dịch bệnh vẫn còn tiền để nuôi người lao động và duy trì hoạt động của tập đoàn, khi đó mới cho dòng tiền thu chi cân bằng. Điều này để thấy rằng Sơn Hà đã chọn đối sách phù hợp nhất là nên làm gì. Sau khi lựa chọn ngủ đông hay không ngủ đông, chúng tôi phân rã xuống tình huống xấu nhất đến đâu để đưa ra chính sách nhất quán. Có lúc phải cắt giảm nhân sự để chuyển anh em làm on off. Sơn Hà hiện tại làm online là chính, văn phòng rất ít người, chúng tôi xây các cụm để khu vực này nếu có phong toả thì vẫn có cụm khác làm việc… ", ông Lê Vĩnh Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho biết, Tập đoàn Sơn Hà đang bị phong toả 2 nhà máy tại Bình Dương và Cần Thơ, nhà máy tại Nghệ An và Bắc Ninh đã từng bị phong toả, Hà Nội cũng có 1 nhà máy đã làm 3 tại chỗ một thời gian: "Tất cả những việc này chúng tôi đã trải qua, có cái phong toả do Covid có cái chủ động để điều tiết. Nhưng việc có kinh nghiệm xử lý thì đều có giải pháp và sau đó đều quay trở lại hoạt động. Cho đến nay với chính sách bình tĩnh giải quyết thì nhà máy đều giữ được nhân sự".
Theo Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, thị trường trong nước của Sơn Hà do dịch bệnh đã giảm khoảng 30%, chỉ đáp ứng 70%, để bù cho tổng doanh thu không bị giảm nhiều thì có đối sách xuất khẩu. Kết quả này là nhờ trước đây Tập đoàn mạnh dạn đầu tư và có nhiều năm làm thị trường. Vì lúc thế giới bị ảnh hưởng, suy giảm kinh tế thì Sơn Hà tập trung tiêu thụ cho nội địa nhiều, khi Việt Nam bùng phát dịch thì thế giới đã phục hồi, kể cả thị trường Ấn Độ, Tây Âu, Nam Mỹ…
"Chúng tôi đang nợ đơn hàng nhiều và gặp vấn đề khác chính là chi phí logistic tăng gấp 10 lần, đặt ra bài toán xuất hay không xuất. Nếu xuất thì phía logistics hưởng hết và chúng tôi không có lợi nhuận, nếu không xuất thì hụt dòng tiền. Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi theo những dự báo được đưa ra mà phải đặt ra kịch bản xấu hơn. Do đó, chúng tôi chấp nhận tăng xuất khẩu rất mạnh mặc dù chi phí cho logistics quá lớn. Cái giá phải trả là chúng tôi không có lợi nhuận mà chỉ có dòng tiền, điều này có thể bất lợi ở thời điểm hiện tại nhưng về lâu dài có thể sẽ có những cái kết quả khác bù đắp.
Tâm lý kinh doanh xuất khẩu không mang lại nhiều lợi nhuận dẫn tới việc doanh nghiệp chần chừ không muốn làm, khi quyết định xuất khẩu mạnh mẽ để cân bằng dòng tiền của hệ thống thì có thể chúng tôi sẽ chiếm được nhiều thị phần", ông Lê Vĩnh Sơn chia sẻ về quyết định đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sơn Hà đẩy mạnh việc tái cấu trúc tập đoàn. Hai năm trở lại đây Sơn Hà lập dự án tái cấu trúc toàn diện, có những dự án lớn như chiến dịch triển khai hệ thống ERP, dự án khung năng lực, chiến dịch "Tôi thay đổi" bắt buộc phải thay đổi từ trên xuống dưới, điều này khiến nhiều nhân sự ra đi vì mọi người đã quen mọi việc đang tốt tại sao phải thay đổi.
"Sau cuộc chiến Covid này có thể thành Sơn Hà hoàn toàn khác", ông Lê Vĩnh Sơn nhận định. Dự án chuyển đổi số kỳ vọng sẽ mang lại thành công. "Bản thân tôi ngày xưa còn nhàn, giờ họp từ 9h sáng đến 9h đêm, khi ta quá bận để tập trung giải quyết công việc thì quên đi vấn đề ta cảm nhận về Covid. Trong lúc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì chúng ta tập trung xây dựng hệ thống, để đủ sức chống chọi với mọi biến cố dịch bệnh, đề cao cảnh giác và có phương pháp phù hợp".
Doanh Nghiệp Tiếp Thị