MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp: Bất thường hay bình thường?

20-12-2023 - 07:49 AM | Xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận 53,19% tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp để rồi phải đối diện với hệ quả là xin từ chức hoặc bị bỏ phiếu tín nhiệm đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Vậy nên nhìn nhận đánh giá kết quả này như thế nào?

Có bất thường không?

Như Tiền Phong đã đưa tin, trong đợt lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh là trường hợp duy nhất trong 28 chức danh bị quá nửa số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Theo quy định, ông Thành sẽ phải đối diện một trong hai hệ quả là: xin từ chức hoặc sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp: Bất thường hay bình thường? - Ảnh 1.

Đại biểu HĐND Vĩnh Phúc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 28 chức danh

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Lê Duy Thành đã gây ra nhiều ngạc nhiên không chỉ ở HĐND tỉnh Vĩnh Phúc mà dư luận cả nước. Vậy nên, theo một lãnh đạo tỉnh này, ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu (ngày 13/12), hai cơ quan nội chính của tỉnh Vĩnh Phúc đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xem xét lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm vì cho rằng có nhiều dấu hiệu bất thường.

Chia sẻ với một tờ báo, ông Lê Duy Thành cho biết, số phiếu tín nhiệm thấp ông nhận được là “bất thường” so với những lần lấy phiếu trước đây. Theo ông Thành, những lần lấy phiếu trước đây, ông đều đạt tín nhiệm cao, “nên kết quả tín nhiệm thấp lần này rất bất thường”. Vì vậy, các cơ quan đang xem xét đề nghị phúc tra lại kết quả lấy phiếu. Cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc làm rõ vấn đề bất thường về kết quả tín nhiệm thấp của ông.

Trao đổi với Tiền Phong về kết quả trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, tính đến thời điểm này, ông Thành là chủ tịch tỉnh duy nhất trong cả nước bị quá nửa số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp.

Vì thế, khi kết quả được công bố đã gây ra nhiều ngạc nhiên cho dư luận, nhất là gắn trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội của Vĩnh Phúc thời gian qua tiếp tục phát triển, và cũng không nổi lên những vấn đề “nóng”, phức tạp…Tuy vậy, ông Dĩnh cho rằng, việc đánh giá tín nhiệm như thế nào là quyền của đại biểu và đó chính là “sức nặng” của lá phiếu.

Sớm kiểm tra làm rõ

Tại Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nêu rõ quan điểm, nguyên tắc: “Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ”.

Bình luận về quy định trên, ông Dĩnh cho rằng, các nguyên tắc mà Quy định 96 đưa ra nhằm ngăn chặn các vi phạm có thể xảy ra như bàn bạc, thống nhất, mua chuộc nhằm “hạ bệ” một ai đó thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm.

“Đến giờ này thì chưa thấy có dấu hiệu hoặc kết luận nào cho thấy việc lấy phiếu tín nhiệm ở Vĩnh Phúc không khách quan, thiếu minh bạch cả. Cho nên chúng ta phải tôn trọng lá phiếu của các đại biểu. Còn có bất thường hay vi phạm gì không thì các cơ quan chức năng của Trung ương cần vào cuộc, sớm kiểm tra, làm rõ.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp: Bất thường hay bình thường? - Ảnh 2.

Trước đó, tại phiên bế mạc kỳ họp, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. HĐND tỉnh đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách được HĐND tỉnh và nhân dân giao phó.

Ngoài chức danh Chủ tịch tỉnh, ông Thành còn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Do đó, theo quy định, ông Thành cũng nằm trong diện lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng.

Theo ông Dĩnh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua rất quan trọng, đặt ra nhiều vấn đề . Cho nên nếu có ý kiến cho rằng kết quả đó là “bất thường” thì cần sớm được xem xét và làm rõ. “Đây là vấn đề liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người cho nên cần có kết luận sớm”, ông Dĩnh nói.

Theo Văn Kiên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên