MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch U80 của công ty có doanh thu nghìn tỷ: ‘Covid-19 không phải khó khăn nhất trong cuộc đời tôi’

21-11-2021 - 21:59 PM | Doanh nghiệp

Chủ tịch U80 của công ty có doanh thu nghìn tỷ: ‘Covid-19 không phải khó khăn nhất trong cuộc đời tôi’

20 năm làm Chủ tịch Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam, Covid-19 không phải thử thách lớn nhất mà bà Nguyễn Bạch Tuyết từng trải qua.

Liên lạc với bà Nguyễn Bạch Tuyết - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC; HoSE: VFG) vào một ngày đầu tuần, nữ doanh nhân gần 80 tuổi cho biết bà đã kín lịch làm việc từ thứ hai đến thứ bảy và hẹn tôi một buổi phỏng vấn vào chiều chủ nhật.

Khi tôi ngỏ ý sẽ nhắn tin trước một ngày để nhắc bà về cuộc hẹn, người đứng đầu VFC khẳng định chắc nịch "Bác đã hứa với cháu nhất định bác sẽ giữ lời".

Sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, bà Bạch Tuyết là kỹ sư nông nghiệp, giữ vị trí Chủ tịch VFC từ năm 2001 đến nay, trong đó từ năm 2001 đến 2009 bà đồng thời đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc.

VFC là một thành viên của Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), hiện kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là thuốc bảo vệ thực vật và khử trùng. Năm 2009, khi niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh thu của công ty là hơn 800 tỷ đồng. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên 2.100 tỷ đồng và theo kế hoạch năm 2021 là 2.250 tỷ đồng.

Buổi phỏng vấn của tôi và bà Nguyễn Bạch Tuyết diễn ra theo đúng kế hoạch. Nữ chủ tịch U80 có vẻ ngoài trẻ hơn tuổi, còn rất nhanh nhẹn và không hề e ngại bất kỳ câu hỏi nào.

Chủ tịch U80 thời Covid: Nâng cấp màn hình máy tính, điện thoại để luôn sẵn sàng kết nối

- Ở tuổi gần 80 khi hầu hết mọi người đã nghỉ hưu và quây quần cùng con cháu, bà có vẻ vẫn rất bận rộn với công việc?

- Nếu nói là tôi ham công tiếc việc thì không phải vì tôi tự tin là những nhân viên của mình đã làm tốt rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng việc dõi theo và đóng góp ý kiến cho mọi người sẽ là niềm vui của tôi và niềm tự hào của một người bà đã sống hết lòng vì công việc.

Mọi người đang thay tôi làm tất cả những gì tôi chờ đợi. Tôi theo dõi và mong chờ điều đó. Tôi nghĩ rằng khi các nhân viên VFC hiểu được điều này, mọi người cũng sẽ cố gắng hơn. Khi nào mệt thì thôi, nhưng nếu còn làm việc được thì tôi vẫn tiếp tục. Có thể không phải là chỗ dựa về sức mạnh nhưng tôi sẽ là chỗ dựa về tinh thần.

Khi bước chân vào ngành này, tôi có một ước mơ là "quân" của mình sẽ có nhà, có xe. Tuy hiện giờ con số đó chưa được nhiều lắm nhưng tôi vẫn mong sẽ có nhiều hơn trong tương lai gần. Đối với tôi, dù làm được gì, một phần dù to hay nhỏ cho các cháu thì tôi cũng thấy đó là niềm vui.

Chủ tịch U80 của công ty có doanh thu nghìn tỷ: ‘Covid-19 không phải khó khăn nhất trong cuộc đời tôi’ - Ảnh 1.

Ở tuổi gần 80, Chủ tịch VFC Nguyễn Bạch Tuyết vẫn dành phần lớn thời gian cho công việc. Ảnh: VFC

- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và nhiều hoạt động phải chuyển đổi sang hình thức online, bà có gặp khó khăn trong việc phải điều hành doanh nghiệp từ xa?

- Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ban điều hành phân công nhau làm việc ở nhà nhưng bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng kết nối, không để ngắt quãng thông tin. Bất kể lúc nào cần xử lý vấn đề gì đó, mọi người đều sẵn sàng.

Bên tôi có 3 bộ phận nòng cốt là sales, marketing và tài chính. Chúng tôi trao đổi thường xuyên với các bộ phận này để kịp thời phát hiện các vấn đề vướng mắc và tìm cách khắc phục. Tôi cũng đã thay màn hình máy tính của mình nhưng nhân viên vẫn nói rằng bà cần màn hình to hơn nữa để nhìn số cho rõ (cười).

Bên cạnh đó, tôi nói với các nhân viên rằng ngoài những báo cáo chung gửi cho mọi người thì gửi cho tôi những bản báo cáo nhanh và tóm tắt tình hình. Khi tôi cần thông tin gì các cháu đều cung cấp rất kịp thời, nhờ đó tôi luôn theo sát được thị trường và công việc của công ty.

- Còn việc áp dụng "3 tại chỗ" ở nhà máy của bà thì sao?

- Với nhà máy, bộ phận sản xuất áp dụng hình thức "3 tại chỗ" rất nghiêm túc. Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, nhân viên của VFC ở các trạm cũng ăn ngủ luôn tại nơi làm việc. Chúng tôi chia nhỏ hàng hóa về các chi nhánh, phòng trường hợp nếu nhà máy không an toàn, vẫn còn hàng để giao cho đại lý.

Nhìn chung, ngay khi có đại dịch, chúng tôi đã xây dựng các phương án để sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống, không để việc kinh doanh bị đứt quãng.

- Gắn bó hàng chục năm với ngành khử trùng, Covid-19 có phải có khó khăn nhất mà bà từng trải qua?

- Covid-19 không phải khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi nhớ thời chuyển từ làm kiểm dịch sang khử trùng, lúc đó có một tàu gạo sang Iraq và báo về là mọt không chết. Lúc đó tôi nghĩ nếu mọt không chết thì chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm vì không đạt yêu cầu như hợp đồng đã ký. Tôi không nhớ rõ số tiền bồi thường là bao nhiêu, chỉ biết nó rất lớn và chúng tôi có thể trắng tay vì vụ này.

Tôi cứ suy nghĩ mãi, nếu mình không sang bên đó thì sẽ không biết được sự thật và sự thật dù thế nào cũng sẽ là một bài học kinh nghiệm để mình làm tốt hơn. Nhưng đó thật sự là một hành trình rất gian truân vì lúc đó Iraq đang có chiến tranh.

Lúc đó ngoài 60 tuổi rồi, tôi vẫn quyết định đi cùng một anh kỹ thuật sang Iraq. Không có chuyến bay trực tiếp mà phải đến sân bay gần đó rồi đi ôtô sang, khi sang đến nơi cũng không có số điện thoại nào để liên lạc. Nhờ có sự giúp đỡ của lãnh sự quán Việt Nam tại Iraq, chúng tôi cũng đến được cảng.

Sau khi làm việc xong ở cảng thì điều đầu tiên tôi cảm thấy là rất nhẹ nhõm vì biết rằng mình sẽ không phải bồi thường. Khi sang đến nơi, chúng tôi thấy các bao gạo bị rách rồi để lộn xộn, rồi xảy ra tình trạng cướp gạo... Chúng tôi chụp lại những hình ảnh rồi gửi báo cáo cho các tổ chức liên quan. Đến giờ nhớ lại tôi vẫn thấy chuyến đi đó có phần may mắn.

"Bằng mọi cách phải nuôi được 1.300 lao động"

- Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19 nhưng cả doanh thu và lợi nhuận của VFC trong nửa đầu năm nay đều tăng so với cùng kỳ. Bà có hài lòng với kết quả này?

- Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm có thể nói là sự tích lũy, sự thành công của việc thay đổi. VFC có 2 lĩnh vực chính là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và khử trùng. Trong điều kiện hiện nay, những ngành này có nhiều thay đổi, vì vậy chúng tôi cũng có những thay đổi về khâu tổ chức, quản lý, cắt giảm những chi phí bất hợp lý, nhờ đó nâng cao được hiệu quả kinh doanh.

Theo cập nhật đến nay, khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2021 của VFC rất cao. Để đạt được kết quả đó là sự đóng góp của toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty và tôi thật sự thấy rất mừng.

- Nói thì đơn giản như vậy nhưng chắc chắn việc thay đổi và cắt giảm chi phí không phải điều dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào. VFC có phải sa thải nhân sự vì đại dịch?

- Tôi không nghĩ đến điều đó, tôi chỉ lo làm sao nuôi được 1.300 nhân sự này, phải kiếm việc ra mà làm và thu được kết quả để có tiền trả lương. Tôi tính từng tháng, kế hoạch tháng này phải đạt doanh số ra sao. Mục tiêu đó được triển khải đến toàn bộ cán bộ và những bộ phận liên quan, từng nhân viên họ bám lấy mục tiêu và tìm mọi cách để thực hiện.

Tôi nghĩ là sức mạnh và tài sản của VFC chính là con người. Đổi lại họ cũng mong muốn được thấu hiểu, tôn trọng, tin tưởng và có thu nhập ổn định.

Chủ tịch U80 của công ty có doanh thu nghìn tỷ: ‘Covid-19 không phải khó khăn nhất trong cuộc đời tôi’ - Ảnh 2.

Theo bà Nguyễn Bạch Tuyết, tài sản lớn nhất của VFC chính là con người. Ảnh: VFC

- Vậy bà đã làm gì để thúc đẩy động lực làm việc của người lao động?

- Tôi nói với họ rằng dịch bệnh là một thử thách nhưng nếu có ý chí quyết tâm thì sẽ vượt qua. Nếu chỉ nhìn vào khó khăn thì không biết bao giờ dịch bệnh sẽ hết. Nếu chúng ta chỉ ngồi chờ cơ hội thì cơ hội sẽ không bao giờ đến, cơ hội chỉ đến với ai chấp nhận vượt qua khó khăn.

Ban lãnh đạo đã cùng với mọi người ngồi lại, cùng nhau chia sẻ và thể hiện ý chí quyết tâm của toàn công ty. Chúng tôi cũng nhắc lại những ngày đầu thành lập doanh nghiệp - khi chỉ có vài chục nhân sự và phải trải qua rất nhiều khó khăn – nhưng hiện nay đã có lực lượng lao động hơn 1.300 người. Việc chúng tôi cần làm là giúp người lao động có công ăn việc làm và tin vào công ty.

Bên cạnh việc khơi gợi sự quyết tâm, chúng tôi kêu gọi mọi người tham gia thể hiện bản lĩnh của mình, các phong trào thi đua, cải tiến trong doanh nghiệp diễn ra rất sôi động. Đến giờ này, tôi nghĩ rằng VFC đã đi đúng hướng.

- Cụ thể các nhân viên của VFC đã hiện thực hóa lời kêu gọi của Chủ tịch như thế nào?

- Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực khử trùng, khi có dịch bệnh và các phòng ban báo cáo lên, ban điều hành rất lo lắng.

Năm đầu tiên diễn ra đại dịch là một vấn đề lớn, xuất khẩu bị hạn chế, sản xuất bị ngưng trệ. Khi các doanh nghiệp không bán được hàng thì họ đâu có yêu cầu mình làm các dịch vụ khử trùng. Nhưng trong cái khó mọi người đã nghĩ ra cách giải quyết rất tốt.

Ban đầu, nhân viên của tôi vẫn đến các trạm y tế hoặc những nơi cần bảo vệ môi trường để làm dịch vụ miễn phí. Bình thường những nơi du lịch phải diệt muỗi, kiến, gián nhưng khi đóng cửa thì họ không làm nữa vì sợ tốn tiền. Dù vậy, nhân viên VFC vẫn đến hỗ trợ. Sau đó, họ thấy rằng tuy không sản xuất hoặc đón khách nhưng những dịch vụ này vẫn cần thiết và phải làm thường xuyên. Cuối cùng, họ tiếp tục làm việc với chúng tôi.

Cuối năm 2020, bộ phận này đã hoàn thành kế hoạch và ước tính năm 2021 có thể vượt kế hoạch một chút. Tôi nghĩ rằng nếu không khơi dậy tinh thần của nhân viên thì không thể đạt được kết quả như vậy.

"Khó khăn đến mấy cũng không bỏ bà con nông dân"

- Dù không bán hàng trực tiếp đến nông dân, nhưng trong những năm qua bà và VFC luôn tìm mọi cách để hỗ trợ và giúp đỡ họ. Đâu là lý do khiến bà làm như vậy?

- Khi bước chân vào ngành này, chúng tôi đã có định hướng rõ ràng. Mình kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tức là phục vụ cho ông bà, cha mẹ và đời sống của mọi người. Vì vậy khi lựa chọn sản phẩm và đối tác, VFC rất cẩn trọng. Những sản phẩm mà VFC phân phối trong những năm qua đã góp phần cải thiện cho nền sản xuất Việt Nam, giảm sức lao động và góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, giúp cuộc sống của người nông dân được cải thiện.

Có một câu chuyện mà tôi cứ nhớ mãi về một lần đi dự hội thảo của bà con nông dân. Một ông nông dân nói rằng đã sử dụng các sản phẩm VFC phân phối nhiều năm qua và "nhờ đó mà thằng út nhà tôi vào được đại học".

Tôi cứ nhớ và tâm nguyện rằng giá không chỉ một thằng út, mà nhiều thằng út, con út – con của những người nông dân được vào đại học. Đó là niềm vui của VFC khi mang đến giá trị cho bà con nông dân. Nhiều con em nông dân cũng về làm việc và gắn bó lâu dài với VFC. Trước đây, tôi cứ nghĩ tâm nguyện của mình là điều quá xa vời nhưng giờ đây thấy mọi chuyện không còn xa vời nữa.

Chủ tịch U80 của công ty có doanh thu nghìn tỷ: ‘Covid-19 không phải khó khăn nhất trong cuộc đời tôi’ - Ảnh 3.

Dù không bán hàng trực tiếp đến nông dân, nhưng trong những năm qua VFC luôn tìm mọi cách để hỗ trợ và giúp đỡ họ. Ảnh: VFC

- Trong đại dịch, bà và nhân viên của mình đã hỗ trợ những người nông dân như thế nào?

- Trong đại dịch Covid-19, nông dân là một trong những đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Họ vẫn làm việc và có sản phẩm nhưng lại không tiêu thụ được vì vấn đề vận chuyển... Làm trong ngành này đã lâu, nhìn thấy họ buồn tôi cũng rất áy náy. Tôi và VFC cùng ngồi lại và tính toán xem mình có thể giúp gì được cho họ, phải đưa ra được lộ trình và biện pháp phù hợp.

Chúng tôi thấy rằng dù chịu nhiều ảnh hưởng nhưng có một điều may mắn là nông nghiệp vẫn là ngành cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống và trụ đỡ chắc chắn cho nền kinh tế. Vì vậy thông qua "lực lượng tiếp sức cùng nông dân", chúng tôi hỗ trợ họ về kiến thức, kỹ thuật, kết nối... Trong bối cảnh dịch bệnh không thể tập trung đông người, vì vậy chúng tôi chọn cách đánh "du kích", xé lẻ để hỗ trợ bà con từng nơi, xây dựng những mô hình và từ đó kết nối với nông dân xung quanh. Mô hình đó được gọi là cánh đồng hội nhập.

Và những người trực tiếp chia sẻ chính là "lực lượng tiếp sức cùng nông dân" của VFC. Bằng mọi cách, mọi lúc mọi nơi, có thể nói chuyện qua điện thoại như "Dạo này chú khỏe không, hôm nay cháu ghé thăm chú được không?...". Tôi nghĩ rằng việc thăm hỏi lúc này – khi những người nông dân cô đơn và khó khăn – là điều rất hợp lý và cần thiết.

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con khi họ cần, giúp họ an lòng. Khó khăn gì đi nữa VFC cũng không bỏ bà con nông dân và tôi nghĩ rằng bà con cũng cảm nhận được điều đó.

- Vậy còn với hệ thống đại lý thì sao?

- Chúng tôi không bán trực tiếp đến bà con nông dân mà bán qua các hệ thống đại lý - đây không phải của riêng VFC mà của nhiều công ty khác. Tôi vẫn hay nhắc với nhân viên rằng nếu thiết lập được hệ thống đại lý bền vững thì sẽ rất thuận lợi cho việc kinh doanh. Để làm được điều này thì họ phải thấu hiểu mình và mình cũng cần chia sẻ với họ những lúc khó khăn.

Trong tình hình hiện nay, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng có nhiều vấn đề như thuốc giả, một số công ty bán trực tiếp không thông qua đại lý hoặc một số công ty yêu cầu trả tiền mặt ngay mới giao hàng... Nhiều vấn đề như vậy có thể gây bất ổn cho các đại lý.

VFC bao giờ cũng nói với các đại lý là chính sách của chúng tôi rất rõ ràng, minh bạch. Nếu bán thu tiền mặt thì cũng đưa ra lý do rõ ràng, bình thường vẫn bán nợ 30 ngày, 60 ngày cho các đại lý, các cơ chế không thay đổi, chính điều đó làm cho họ yên tâm. Nhân viên của chúng tôi bám thị trường, đại lý có vấn đề gì sẽ nhanh chóng báo cáo để có phương án giải quyết.

Niềm tin của các đại lý đối với doanh nghiệp rất quan trọng, khi họ yên tâm và ủng hộ mình thì mọi thứ sẽ rất thuận lợi. Lúc họ khó khăn mình hiểu được và giúp giải quyết thì mối quan hệ mới lâu dài. Thật ra không chỉ đại lý mà các đối tác, nhà cung ứng cũng hiểu rõ cách làm của VFC.

Chúng tôi may mắn khi các nhà cung ứng có những sản phẩm, họ đưa cho tôi và tin rằng sẽ thành công. Quan điểm của tôi là cứ làm việc đàng hoàng, nguyên tắc trước sau thì sẽ giữ được các đối tác, đại lý.

"Đi cùng PAN giúp chúng tôi được tin tưởng hơn"

- Trở thành một thành viên của Tập đoàn PAN có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp do bà điều hành?

- Lúc đầu tôi cũng hơi lo lắng vì thấy trên thị trường có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, tại sao PAN lại chọn VFC. Nhưng sau khi hiểu được vấn đề thì tôi cũng thấy tự tin hơn. Tập đoàn PAN và ông Nguyễn Duy Hưng đã đặt niềm tin vào tôi và VFC. Họ hiểu rằng tôi là một người có ý chí và những điều tôi đã hứa tôi sẽ cố gắng làm.

Về phía VFC, chúng tôi thấy được tính xuyên suốt của PAN khi đầu tư vào ngành nông nghiệp. Khi tham gia vào lĩnh vực này, chúng tôi nghĩ đến 2 điều: lợi ích của bà con nông dân và môi trường. Nếu mình ý thức được điều đó thì cách làm việc cũng rõ ràng. PAN rất quan tâm đến nông nghiệp nên tôi nghĩ đó là một người đồng hành phù hợp với VFC.

Với bên ngoài, khi nói chuyện với tôi, họ cũng bày tỏ sự tin tưởng hơn khi tôi chọn PAN là đối tác lâu dài. Những người bán hàng sợ nhất khâu thanh toán, với tôi thanh toán không phải vấn đề vì tôi rất cân đối đến việc bán và thu. Họ thấy PAN là một tập đoàn lớn về nông nghiệp và thấy tự tin hơn khi hợp tác với tôi.

Các đối tác đưa cho VFC thêm nhiều sản phẩm, giúp bộ sản phẩm của chúng tôi ngày càng hoàn thiện. Đó cũng chính là ước mơ của tôi. Tôi thấy rất vui và có thêm động lực vì mình làm việc với ai mà được đối tác người ta tin cậy thì đó cũng là sự thuận lợi. Không những họ tin PAN mà tin cả VFC trong chặng đường phát triển sắp tới.

Chủ tịch U80 của công ty có doanh thu nghìn tỷ: ‘Covid-19 không phải khó khăn nhất trong cuộc đời tôi’ - Ảnh 4.

VFC rất lạc quan với kết quả kinh doanh của năm 2021. Ảnh: VFC

- Với kết quả kinh doanh tích cực của năm 2021, bà và doanh nghiệp đã có kế hoạch gì đặc biệt cho năm 2022?

- Nói là đặc biệt thì hơi quá tự tin nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ làm gì đó vì năm 2022 là sự tích lũy của những kết quả mà VFC đã nỗ lực trong những năm qua về tổ chức, hệ thống, con người, áp dụng các công nghệ mới... Vừa qua chúng tôi cũng bổ sung một số sản phẩm, tiếp tục theo định hướng phát triển lâu dài, bền vững.

Năm 2021, chúng tôi đã vượt qua những khó khăn để đạt kế hoạch thì không có lý do gì mà VFC không thể tạo ra những đột phá cho năm tới.

- Cảm ơn bà!


Theo Bài: Diệu Tuyết - Thiết kế: Bảo Linh

Người đồng hành

Trở lên trên