Chủ tịch UBCK: "Chúng ta có một số điểm tích cực trong năm 2021, việc xem xét nâng hạng có những tiến triển thuận lợi"
Sang năm 2021, với việc đưa hệ thống giao dịch, hệ thống CNTT do Sở GDCK TP.HCM làm chủ đầu tư vào hoạt động thì chúng ta sẽ thực hiện được một số nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Thị trường vốn Asean (ACMF), chiều nay, Hội nghị Chủ tịch ACMF lần thứ 33 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Năm nay trong vai trò làm Chủ tịch diễn đàn ACMF, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ưu tiên thúc đẩy sáng kiến "Tài chính bền vững" là chủ đề xuyên suốt của năm 2020, gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam là "Asean gắn kết và chủ động thích ứng".
Chia sẻ tại buổi họp báo, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kỳ vọng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô
Theo ông Dũng, thị trường chứng khoán năm qua phát triển rất tốt cả về thanh khoản và chỉ số, từ tháng 7 đến nay VN-Index tăng 26-27% và tính từ đầu năm đã đạt mức tăng hơn 9%. Nhìn sang trung tâm dịch lớn nhất thế giới là Mỹ, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát mạnh bên cạnh cuộc bầu cử phức tạp chưa từng có trong lịch sử, TTCK Mỹ vẫn phát triển một cách thăng hoa. Với TTCK Việt Nam, thanh khoản của thị trường tăng vọt lên hơn 10.000 tỷ đồng/phiên và Vn-Index đã lấy lại được mốc 1.000 điểm cho dù có thời điểm chỉ số này đã giảm xuống 650 điểm vì Covid-19. Theo Chủ tịch UBCK, thị trường vững được trong năm qua là nhờ có nhiều yếu tố kỳ vọng từ chính sách của Chính phủ, tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam và kỳ vọng về khả năng chống chịu của DN Việt Nam trong thời gian vừa rồi.
Diễn biến chỉ số VN-Index
"VN là quốc gia rất may mắn vì dù có diễn biến dịch phức tạp, có làn sóng thứ 1,2 và lo ngại làn sóng thứ 3 song mức độ ảnh hưởng cho đến giờ phút này là không đáng kể. Chúng ta bị ảnh hưởng nhiều vì chuỗi cung ứng, vì khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu nhưng phải nói rằng chúng ta rất may mắn vì ảnh hưởng Covid không nhiều. Điều đó cho thấy những chính sách hợp lý của Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dich Covid đảm bảo an toàn cho nhân dân nhưng đồng thời không khoá chặt để làm ảnh hưởng quá nhiều đến phát triển kinh tế. Chúng tôi thấy rằng các khu du lịch mặc dù có ảnh hưởng nhưng khách du lịch nội địa khá đông và một số thời điểm đặt phòng tương đối khó. Chúng ta thấy xuất khẩu của Việt Nam tăng rất mạnh và chúng ta có thặng dư thương mại lớn. Kiều hối về nhiều nên dự trữ ngoại hối của chúng ta chưa bao giờ mạnh như bây giờ. Chúng ta vẫn giữ được vĩ mô tương đối ổn định từ tỷ giá, lạm phát. Mặc dù có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhưng thâm hụt ngân sách đến giờ phút này chưa phải quá lớn. Do đó, chúng ta kỳ vọng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Thứ hai là sức chống chịu của DN Việt Nam khá tốt. Với khối DN đại chúng quý mô lớn, mặc dù các ngành dịch vụ và hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng thống kê cho thấy 84% doanh nghiệp đang niêm yết và giao dịch trên sàn có lãi. Có thể số liệu khác nhau, một số báo cáo thì tình hình doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều. Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng lớn và chúng ta sẽ có nhiều chính sách để kịp thời hỗ trợ.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam và các nước tung ra rất nhiều gói hỗ trợ. Trong các chính sách hỗ trợ DN trực tiếp và gián tiếp thì các ngân hàng giảm lãi suất. Khi khó khăn thì phải tiết kiệm nên tiền nhận được từ hỗ trợ đi gửi tiết kiệm hoặc đầu tư. Thời điểm hiện tại tăng trưởng về tín dụng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tiền gửi dân cư và hệ thống NH. Thanh khoản của NH là khá dồi dào. Trong bối cảnh lãi suất giảm, một số nhà đầu tư thời điểm này tăng đầu tư TTCK. Tôi nghĩ điều này phù hợp với quy luật", ông Dũng lý giải về đà tăng của TTCK trong năm 2020.
HOSE đã "quen dần" với các phiên giao dịch 10.000 tỷ đồng
Việc xem xét nâng hạng thị trường có những tiến triển thuận lợi
Về nâng hạng thị trường, theo Chủ tịch UBCK, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho TTCK Việt Nam nâng hạng trước năm 2025. Trong các tổ chức xếp hạng có MSCI và FTSE Russel, FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi vài năm, kết quả mới nhất FTSE vẫn giữ Việt Nam trong danh sách nâng hạng đây là kết quả tương đối tích cực.
Chúng ta có một số điểm tích cực trong năm 2021. Luật Chứng khoán và Luật DN, Đầu tư cùng có hiệu lực 1/1/2021 tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và tốt hơn, đây là điểm cộng cho nền kinh tế VN.
Thứ hai, sang năm với việc đưa hệ thống giao dịch, hệ thống CNTT do Sở GDCK TP.HCM làm chủ đầu tư vào hoạt động thì chúng ta sẽ thực hiện được một số nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về.
"Trong năm 2020, với sự công nhận và thăng hạng của Kuwait thì tỷ trọng VN trong rổ Frontier market tăng lên rất nhiều (26%) thu hút được sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư quốc tế. Chúng ta nếu theo dõi tình hình giải ngân của các quỹ sẽ thấy khá lớn. Chúng ta thấy trong rổ chỉ số của MSCI và FTSE Russel thì các loại cổ phiếu của VN có vào có ra nhưng cơ bản là thêm vào. Với những động thái như vậy tôi tin tưởng việc xem xét VN nâng hạng là đang có những tiến triển thuận lợi và chúng ta có thể đạt mục tiêu nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo mục tiêu Chính phủ đề ra", ông Dũng nhận định về khả năng nâng hạng thị trường của TTCK Việt Nam.
UBCK đã làm việc tích cực với World Bank đặc biệt cập nhật thông tin với FTSE Russel và MSCI để ra được các giải pháp phù hợp với thị trường Việt nam và học hỏi thông tin của một số thị trường gần đây được nâng hạng. Ngày 17/12 UBCK sẽ có một cuộc họp trực tuyến với Fussi để cập nhật hoạt động về mặt chính sách liên quan đến các Luật, nghị định và tình hình thị trường VN, chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về FTSE Russel về thực tiễn của các thị trường nâng hạng. Chúng tôi quan tâm đến cách các thị trường đó làm, cách FTSE Russel dựa trên báo cáo của các NĐT vào thị trường đó chứ ko chỉ dựa trên ý kiến chủ quan của chuyên gia của FTSE Russel và MSCI. Đó là tiền đề của chúng tôi làm việc với MSCI để chia sẻ thực tiễn của MSCI trong bối cảnh Covid mà vẫn nâng hạng.
Năm 2021 sẽ đưa thêm chỉ số vào giao dịch phái sinh
Về thị trường phái sinh, mỗi thị trường có đặc thù, các kỹ thuật về giao dịch vẫn tuân theo chuẩn mực quốc tế. Các chuẩn mực chúng ta đang áp dụng có thay đổi nhỏ so với các nước để tốt hơn. Thời gian vừa rồi ở thời điểm đáo hạn có sự bất thường, UBCK cho rằng đến từ nhiều góc độ, một trong những nguyên nhân do thị trường phái sinh mới có chỉ số hợp đồng tương lai VN30 nên các hoạt động giao dịch, đặc biệt giao dịch của NĐT nước ngoài cũng tập trung vào các cổ phiếu trong rổ VN30 và các quỹ ETF lấy nền của VN30 rất nhiều. "Chúng ta thêm vào hợp đồng tương lai nên mức độ tập trung vào rổ VN20 khá nhiều nên có nhiều biến động. UBCK theo dõi rất chặt chẽ và nhận được sự phản ánh, sắp tới chúng tôi có kế hoạch và tập trung vào 2 điểm: thứ nhất là 2020 sẽ đưa thêm một hoặc một số chỉ số nữa vào giao dịch trên hợp đồng phái sinh, đây là mục tiêu ưu tiên vì giao dịch sẽ cân bằng hơn, thứ 2 là xem xét lại tất cả quy tắc về giao dịch, tính chỉ số và quy tắc tính toán tại ngày đáo hạn để thấy có những điểm còn bất cập thì sẽ xem xét chỉnh sửa phù hợp với tình hình mới", ông Dũng chia sẻ.