MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể phát triển công nghệ phục vụ thành phố thông minh

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sáng nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói, thế giới đã chuyển sang kỷ nguyên 4.0, để giải quyết phát triển đô thị Hà Nội bắt buộc phải đổi mới và tìm giải pháp thông minh để giải quyết vấn đề hàng ngày.

Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, rút ngắn khoảng cách giữa người dân với các cấp chính quyền và xây dựng mối liên hệ làm việc trong nội các cơ quan thành phố, trong năm qua HN quan tâm chú trọng phát triển ứng dụng cung cấp dịch vụ trực tuyến. Nhờ đó, các dịch vụ công đã thuận tiện hơn, nhanh hơn tiết kiệm chi phí hơn. Hà Nội đang hướng tới mục tiêu ứng dụng số hoá thông qua điện thoại thông minh, các nền tảng công nghệ thông tin để làm dịch vụ đến với tất cả mọi ng ở bất cứ nơi đâu.

Hà Nội đã chuyển đổi đầu tư công sang thuê dịch vụ, phát triển phần mềm dịch vụ công, tích hợp liên thông trên toàn địa bàn thành phố, tích hợp khai thác cơ sở dữ liệu và xây dựng các chương trình phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế thành phố, ứng dụng văn bản điện tử thay các văn bản giấy…

2019 sẽ đưa vào vận hành hệ thống giao thông thông minh

Theo ông Nguyễn Đức Chung, thời gian qua Hà Nội đã tập trung chương trình khuyến khích người dân ứng dụng CNTT trên môi trường mạng. Và đây là kết quả sau 3 năm Hà Nội triển khai việc thực hiện thành phố thông minh.

Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong 63 tỉnh thành đã hoàn thành xong cơ sở dữ liệu dân cư cho 9 triệu người nhờ công nghệ của Viettel. Hoàn thành kết nối mạng LAN từ chính quyền thành phố cho cả hệ thống chính quyền cơ sở với 584 phường xã. Dịch vụ công trực tuyến được triển khai giúp 96% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.

Ông Chung cho biết, việc tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đạt 55,4% năm 2016 đến năm 2018 đã đạt 78%. Điều này đã giải quyết tình trạng phụ huynh phải chen chúc xếp hàng tại các trường mầm non hay trường cấp 1, cấp 2 vì hồ sơ hiện nay đều được thực hiện 86% trên môi trường mạng.

Thành phố đã ứng dụng hệ thống iparking có 176 điểm đỗ tại 13 công ty trên địa bàn với tổng số diện tích tương đương gần 60.000 m2, tương đương 5.000 chỗ đỗ ô tô, đóng góp cho ngân sách đạt 52 tỷ đồng tiền sử dụng phí lòng đường. Thành phố đã triển khai trung tâm điều hành giao thông thông minh, năm 2019 dự kiến đưa vào vận hành hệ thống giao thông thông minh…

Phát triển bằng công nghệ của doanh nghiệp việt Nam

Để đạt được kết quả trên, Hà Nội ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp Việt với chi phí thấp hơn rất nhiều sử dụng công nghệ quốc tế. Ông Chung đưa ra ví dụ, năm 2010 Hải Phòng dưới sự giúp đỡ của Hungary được tài trợ xây dựng cơ sở dữ liệu cho 300.000 dân cư với chi phí 10 triệu euro. Năm 2011, Nhật Bản giúp Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư cho 3 quận hết 100 tỷ đồng. Trong khi đó, với sự giúp đỡ của Viettel từ tháng 4/2014-2015, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho 7,9 triệu người dân, các chương trình quản lý hộ tịch hộ khẩu đến nay vận hành trơn tru.

Hà Nội hiện nay có 3.550 doanh nghiệp công nghệ thông tin, năm 2018 doanh thu của nhóm này đạt 244.260 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 103.000 ng lao động và nộp thuế cho nhà nước trên 21.000 tỷ đồng.

Do đó ông Chung cho rằng, Hà Nội đã thu hút nguồn lực của DN Việt và khẳng định các DN Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển công nghệ phục vụ thành phố thông minh. Hà Nội sẽ vào cuộc mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam để đẩy nhanh các mục tiêu phát triển thành phố thông minh.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phấn đấu Hà Nội sẽ vào danh sách đô thị thông thoáng trong đầu tư kinh doanh dẫn đầu cả nước. Thành phố sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chủ động bãi bỏ điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường hợp tác xây dựng tạo ra sự thay đổi căn bản về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.


Tâm An Ảnh: Tuấn Mark

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên