Chủ tịch UBND TP HCM thị sát dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Tổng giá trị xây lắp dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng tại TP HCM hiện đạt 78%, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay, với điều kiện mặt bằng có trong tháng 6.
- 14-05-2019Tân Chủ tịch HĐND TPHCM kiểm tra dự án chống ngập 10.000 tỷ
- 12-03-2019Bí thư Thành ủy TP HCM khảo sát, chỉ đạo liên quan dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
- 03-02-2019Những lần dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ‘mắc cạn’ và cam kết của TP.HCM trong năm 2019
Sáng 23-5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng đoàn công tác của lãnh đạo TP đã trực tiếp khảo sát thực tế dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 - nhà đầu tư, cho biết tổng khối lượng thi công xây lắp của dự án hiện đạt 78%, trong đó với những hạng mục khó nhất là thi công dưới nước đã hoàn thành, hiện chủ yếu lắp đặt thiết bị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (bìa phải) nghe nhà đầu tư báo cáo tiến độ dự án sáng 23-5
Trong đó, tại cống Cây Khô (huyện Nhà Bè), đạt 66%, đang thi công kè, thảm đá, nhà quản lý... Còn tại khu vực cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), đã hoàn thành các trụ pin, tháp van và dầm van, đang thi công kè mang cống, công trình phụ trợ... Nhưng tại khu vực này vẫn còn 18/62 hộ dân chưa bàn giao để thi công.
Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư cho biết hiện đã chuyển tiền đền bù đối với những hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cho các địa phương thực hiện. "Và nếu mặt bằng được bàn giao vào đầu tháng 6 như kế hoạch của các quận, huyện thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay" - ông Nguyễn Tâm Tiến cam kết.
Cống ngăn triều Cây Khô (huyện Nhà Bè) đạt 66%, đang thi công kè, thảm đá, nhà quản lý...
Đáng lo ngại là hiện nay, tại khu vực huyện Nhà Bè, một công trình quy mô lớn, thuộc Công ty CP Kho cảng Xăng dầu Hàng không Miền Nam, xây dựng chồng lấn lên dự án chống ngập. Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, qua kiểm tra cho thấy công trình nêu trên xây dựng không phép và hiện có nhiều hạng mục lấn sông Sài Gòn. Vì vậy, chính quyền địa phương đang phối hợp cùng Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra cụ thể và nếu sai phạm thì sẽ xử lý.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Tâm Tiến, việc xây dựng công trình nêu trên gây ra sự chồng lấn với hệ thống kè tại dự án chống ngập, ảnh hưởng đến tuyến kè khi thực hiện thi công nạo vét. Đồng thời, tại khu vực đó cũng phải sắp xếp lại các hoạt động để bảo vệ công trình kè.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khảo sát các cống ngăn triều sáng 23-5
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định một dự án lớn như vậy nhưng xây dựng không phép, và thậm chí xâm lấn sông Sài Gòn là không thể chấp nhận được. Ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo chính quyền địa phương và các sở - ngành liên quan phải kiểm tra, có biên bản rõ ràng và sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
"Các dự án liên quan đến sông Sài Gòn đều đang gắn với quy hoạch và phải kiểm soát chặt chẽ. Việc xâm lấn đến dòng sông là không thể chấp nhận được, đó là quan điểm rất rõ ràng của TP. Vì vậy, phải lập tức kiểm tra, xử lý nghiêm bởi càng là công ty nhà nước thì càng phải chấp hành tốt" - ông Phong nhấn mạnh và yêu cầu rà soát, kiểm tra công trình này, báo cáo kết quả cho UBND TP trước ngày 5-6.
Công nhân thi công tại cống ngăn triều Tân Thuận (quận 7)
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá dự án chống ngập do triều là công trình trọng điểm, được chính quyền và người dân TP đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, dự án bị một số vướng mắc làm chậm tiến độ, nhưng nhà đầu tư đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các khó khăn.
Trước vấn đề mặt bằng tại một số khu vực còn vướng mắc, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ, phương án ưu tiên là thực hiện vận động, thuyết phục người dân bàn giao rồi sau đó mới tính đến các biện pháp mạnh như cưỡng chế.
"Đây là một trong những dự án trọng điểm, có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc chống ngập cho TP, nên người dân cũng phải chia sẻ với TP. Nếu chỉ vì một số cá nhân nhưng ảnh hưởng đến toàn bộ dự án thì không thể chấp nhận được" - ông Phong nói.
Tại buổi khảo sát, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cũng đánh giá dự án ngoài mục tiêu chống ngập cho TP còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, dự án đang được chính quyền và người dân TP hết sức quan tâm, kỳ vọng.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) tổng kinh phí hơn 9.926 tỉ đồng, do Tập đoàn Trung Nam là nhà đầu tư.
Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.
Người lao động