Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Kinh tế số là cơ hội để Việt Nam định vị lại mình trong nền kinh tế thế giới
Phát biểu tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra sáng nay, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, kinh tế số có khả năng đơn giản hoá thị trường toàn cầu, giống như chợ quê. Đây là một điều có ý nghĩa rất quan trọng trong nền thương mại thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
- 28-07-2020Sức hút lớn từ kinh tế đêm (*): Chưa được đầu tư đúng mức
- 28-07-2020'Cần đẩy mạnh việc dùng chung hạ tầng giữa các nhà mạng'
- 28-07-2020Hà Nội sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo
- 28-07-2020Nhiều doanh nghiệp "ăn theo" dịch Covid-19, cố tình chây ỳ nợ thuế
Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, các hành động cần triển khai để phát huy những lợi thế của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng thương mại điện tử đang là một trong những cứu cánh của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Ông khẳng định vấn đề chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu hàng hoá, rộng hơn là chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh quốc tế là một trong những chủ đề quan trọng bậc nhất trong thế giới hiện đại.
Theo Chủ tịch VCCI, thương mại điện tử trong các hoạt động xuất nhập khẩu là một cuộc cách mạng vĩ đại đối với kinh doanh quốc tế.
Trước đây, khi chưa có thương mại điện tử thì hoạt động xuất nhập khẩu là lãnh địa của các doanh nghiệp lớn. Do chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có điều kiện hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Trước đó, các doanh nghiệp lớn đã thống lĩnh trong nền thương mại toàn cầu.
Chỉ từ khi xuất hiện Internet và thương mại điện tử thì các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới có cơ hội kinh doanh để vươn ra thị trường thế giới và đang trở thành các chủ nhân bình đẳng trong nền doanh nghiệp toàn cầu.
Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cũng chỉ ra những ví dụ rằng thương mại điện tử tạo điều kiện cho nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk, với một cú nhấp chuột, có thể tiếp cận và bán hàng tại một quán cà phê ở New York.
Thị trường toàn cầu là cơ hội tuy nhiên cũng là thách thức đặt ra đối với tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doah nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ông giải thích: "Bởi lẽ bây giờ cạnh tranh đã vào sân nhà mình rồi, vào ngõ nhà mình, tiếp cận với chúng ta 24/24"
Sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, và đặc biệt giữa người tiêu dùng có thể đặt hàng với các nhà sản xuất, định hướng, dẫn dắt nền sản xuất theo C2B chứ không phải chỉ là B2C. Đây sẽ là xu hướng toàn cầu cùa nền sản xuất là thương mại trong những thế kỷ tới.
Trong nền thương mại này, không chỉ người tiêu dùng chọn sản phẩm, dịch vụ hàng hoá đã có của các nhà sản xuất để mua, mà còn có thể tương tác trực tiếp với các nhà sản xuất và đặt hàng cho các nhà sản xuất.
Ông Lộc nhấn mạnh: "Sự tương tác như vậy biến thị trường toàn cầu trở về trạng thái nguyên thuỷ của chợ quê. Điều này có nghĩa là người bán, người mua ra chợ không chỉ để mua hàng hoá mà còn là sự giao tiếp với nhau. Đây là một thành quả rất quan trọng và có ý nghĩa lớn của nền kinh tế và thương mại thế giới trong tương lai".
"Có thể nói rằng việc may đo sẽ dần thanh thế cho may sẵn, độc bản sự khác biệt và sự tinh tế sẽ lên ngôi", ông nói.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ song hành trong tương lai, dần thay thế các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất hàng loạt trên thị trường.
Trong tương lai, tiêu dùng trung lưu bùng nổ, người tiêu dùng sẽ kĩ tính hơn, muốn có sự khác biệt, muốn khẳng định bản thân. Do vậy trên thị trường sẽ không ai thích dùng hàng may sẵn, người ta muốn sản xuất gì đó mang dấu ấn của riêng mình.
Chủ tịch VCCI nói thêm: "Đây là một xu thế bắt buộc trong dòng chảy kinh tế toàn cầu, trong kỷ nguyên số".
Trong giai đoạn Covid-19, người dân đã trở nên phụ thuộc lớn vào thị trường trực tuyến, ví dụ như: làm việc trực tuyến, học trực tuyến, họp trực tuyến, mua hàng trực tuyến, yêu trực tuyến.
Covid-19 là một thử thách lớn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, phát triển hơn nhưng cũng phải nhân văn hơn, bao trùm hơn.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, và định hướng đến năm 2030. Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành một quốc gia số và đi đầu trong thử nghiệm mô hình và những công nghệ mới.
Ông Lộc cho biết, mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế quốc gia.
Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.
Về phần doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng trách nghiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông cũng khẳng định: "Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế".
Thời điểm này, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang thờ ơ đối với kỹ thuật số và nghĩ rằng chuyển đổi số chỉ là một phương tiện để phô diễn, không cho rằng đó là một khoản đầu tư hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Các Hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA lần đầu tiên có chương về thương mại điện tử, và trong đó nhấn mạnh đến những cam kết của Chính phủ đối với việc thực hiện những chính sách ưu đãi đối với chuyển đổi số, bao gồm việc không thu thuế đối với việc truyền dẫn số sang biên giới.
Các Hiệp định cũng yêu cầu về bảo vệ người tiêu dùng, để tránh những hành vi lừa đảo, gian lận trong không gian số, trong thương mại điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân trong các giao dịch điện tử.
Các Hiệp định cũng nhấn mạnh đến bảo đảm quyền tự dọ, tôn trọng các quyền tự do chủ thể trong giao dịch điện tử. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng những vấn đề thương mại điện tử trong tương lai sẽ là những vấn đề không thể thiếu trong các Hiệp định về thương mại tự do mới mà Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các quốc gia.
Chuyển đổi số là một hành trình gian nan, cần quyết tâm cao, và cần lòng dũng cảm. Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu: "Tôi muốn mượn mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay là: 'Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa'. Chỉ bẳng cách đó Việt Nam mới có thể vượt lên. Kinh tế số sẽ là cơ hội để Việt Nam định vị lại mình, thay đổi mình trong nền kinh tế thế giới".