Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Phát triển bền vững không phải là một lựa chọn, đó là con đường duy nhất!
Tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017, sáng 10/10, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng kinh doanh bền vững không chỉ là nhu cầu đạo đức mà còn là cơ hội phát triển của doanh nghiệp.
17 mục tiêu phát triển bền vững đã được 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc thông qua. Mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) nhằm đạt được một tương lai tốt đẹp, không có ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời vạch ra một con đường trong 15 năm tiếp theo để kết thúc đói nghèo, đấu tranh với bất bình đẳng, bất đồng bằng, giữ gìn hòa bình và bảo vệ hành tinh.
Nhưng khi các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã chủ động tạo ra các bước chuyển đổi, thì doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa ý thức được vấn đề. Theo ông Vũ Tiến Lộc, điều cần làm lúc này là chia sẻ các mô hình phát triển bền vững thành công và nhân rộng chúng tới nhiều doanh nghiệp hơn nữa.
Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển bền vững và đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết, những nhãn hàng bền vững đều có tăng trưởng tốt hơn. Trong báo cáo tiến độ 6 năm triển khai “Kế hoạch phát triển bền vững” của Unilever, 18 Nhãn hàng Bền vững có mức tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các nhãn hàng còn lại và chiếm tới 60% tổng doanh số của tập đoàn. Từ kết quả này, ông Hoài nhấn mạnh rằng, không có sự đánh đổi giữa các Mục tiêu PTBV và tăng trưởng kinh doanh, ngược lại, hướng đến các Mục tiêu PTBV chính là động lực cho tăng trưởng.
Ông Leo Evers, Tổng Giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam đã chia sẻ rằng 98,9% phụ phẩm và phế liệu được công ty tái sử dụng và tái chế. Rơm được thu mua từ người nông dân và đưa quy trình đốt rơm không khí thải. Chất dinh dưỡng trong bã bia được dùng để sản xuất phân bón. Nước thải được tưới cây và nuôi cá. Đó là ví dụ thực tiễn của mô hình kinh tế tuần hoàn đang được công ty áp dụng tại các nhà máy trên lãnh thổ Việt Nam và nhiều nước khác, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Bà Dương Mai Hoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định cách tiếp cận của Vingroup luôn dựa trên cơ sở cân đối tất cả nguồn lực để phát triển kinh tế, với 3 trọng tâm: nhân sự bền vững, bảo vệ môi trường, thực thi trách nhiệm xã hội. Nêu ví dụ về VinEco (thuộc hệ sinh thái sản phẩm của Vingroup), bà Hoa cho biết nhiều mẫu đất đã được làm tươi trở lại để trồng rau. Tập đoàn không làm nông nghiệp theo cách truyền thống, mà phát triển nông nghiệp công nghệ cao để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng và tạo ra ít chất thải đối với môi trường.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng những mô hình kinh doanh mới, tiên tiến đã được chia sẻ cần được triển khai rộng hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan. Theo ông Lộc, trong thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Triển khai Nền kinh tế tuần hoàn (VCCE) sẽ được thành lập. Qua đó, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại Việt Nam.
“4,5 nghìn tỷ USD là cơ hội kinh doanh do kinh tế tuần hoàn mang lại. Phát triển bền vững không phải là một lựa chọn, đó là con đường duy nhất!” – ông Vũ Tiến Lộc nói.