MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch WEF: Ảnh hưởng của địa chính trị với tăng trưởng toàn cầu là mối quan ngại lớn nhất

22-01-2019 - 09:55 AM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende cảnh báo các cuộc xung đột địa chính trị có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng toàn cầu.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC trước khi khai mạc diễn đàn WEF 2019 tại Davos, Thụy Sĩ, ông Borge Brende bày tỏ quan ngại về tác động của tình hình địa chính trị với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo ông Brende, nếu không được xử lý đúng cách, những xung đột địa chính trị sẽ gây ra những tác động hết sức tiêu cực với tăng trưởng.

"Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng toàn cầu chậm lại bởi những tác động tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng tới mọi người trên toàn thế giới cũng như giảm tỷ lệ việc làm. Ví dụ ở châu Âu, rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 20%", ông Brende nhấn mạnh.

WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động mạnh bắt nguồn từ sự bất an liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa các nước cũng như thương mại toàn cầu. Trong 12 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đa đánh thuế hàng trăm tỷ USD nhằm vào nhau, Chính phủ Mỹ muốn xây bức rào ngăn cách với Mexico và Vương quốc Anh đang chìm trong hỗn loạn vì Brexit dù hạn chót đã tới gần. Trong khi đó, ở châu Âu, một loạt quốc gia đang phải chứng kiến sự lên ngôi của phong trào dân túy.

Về mặt kinh tế, triển vọng tăng trưởng toàn cầu cũng rất âm u. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 vì những lo ngại về chiến tranh thương mại. Theo dự báo mới của IMF, tăng trưởng toàn cầu chỉ có thể đạt 3,7% vào năm 2019. Tổ chức này sẽ đưa ra báo cáo mới về triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong ngày 21/1.

Chủ tịch WEF: Ảnh hưởng của địa chính trị với tăng trưởng toàn cầu là mối quan ngại lớn nhất - Ảnh 1.

Ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Theo ông Borge Brende, tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng với ổn định. "Chúng ta cần duy trì sự tăng trưởng này trong vài năm nữa để đạt được sự chuẩn bị cần thiết nhằm đối phó với một cuộc suy thoái mới. Hiện tại, chúng ta vẫn duy trì mức lãi suất gần như bằng 0 ở châu Âu và Nhật Bản và sử dụng sức mạnh cơ bắp tài chính, sau nhiều năm khích thích kinh tế thông qua ngân sách, đã khiến nhiều quốc gia không có đủ sự chuẩn bị. Vì vậy, tôi hy vọng địa chính trị sẽ không tác động tới kinh tế toàn cầu", ông Brende nói.

Tới dự Davos năm nay có Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, , Hoàng tử William, tân Tổng thống Brazil Jair Messias Bolsonaro, Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Tuy nhiên, WEF 2019 cũng thiếu vắng nhiều nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May, những người đang vất vả giải quyết những cuộc khủng hoảng trong nước.

Tuy nhiên, ông Brande cho rằng sự vắng mặt của ông Trump tại Davos lần này cho phép các cuộc họp tập trung vào các vấn đề then chốt, ảnh hưởng tới cả thế giới. "Chúng tôi rất mong muốn ông Trump tham dự nhưng sự vắng mặt của ông ấy cũng cho phép chúng ta tập trung vào những thách thức lớn như sự tăng trưởng toàn cầu chậm lại, Brexit và vấn đề môi trường".

Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc mới trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0". Về cơ bản, WEF cho biết họ mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra một cách tiếp cận toàn diện với toàn cầu hóa. Chủ đề được đưa ra trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy lên ngôi ở nhiều quốc gia, dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ với toàn cầu hóa.

"Tôi nghĩ chúng ta thực sự phải hiểu rằng tất cả chúng ta đều đang ngồi trên chung một con thuyền trong thế giới toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là điều không thể chối cãi và chúng ta cũng không thể ngăn chặn nó nhưng chúng ta có thể cải thiện nó. Một trong những chủ đề chúng tôi đưa ra trong Toàn cầu hóa 4.0 là chúng ta làm sao để đảo bảo rằng sự toàn cầu hóa mang lại công bằng, bao trùm và tạo ra nhiều việc làm hơn", ông Brende nói.

"Toàn cầu hóa cũng cần phải bền vững. Chúng ta chỉ có duy nhất một hành tinh để sống và hiện tại, chúng ta đang đối xử với nó như thể chúng ta có nơi nào đó để thay thế. Điều đó không phải một con đường bền vững".

Linh Anh

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên