MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chú trọng thu hút FDI chất lượng cao

Hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua của Việt Nam còn nhiều bất cập như: Nhiều dự án FDI tác động xấu tới môi trường, công nghệ thấp, chuyển giá trốn thuế...Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giai đoạn tới, Chính phủ cho rằng, cần chú trọng thu hút FDI chất lượng cao, khuyến khích kinh tế tư nhân và doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyển biến tích cực cả về lượng và chất

Giai đoạn 2016-2020, cơ cấu lại khu vực đầu tư nước ngoài bước đầu được cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Trước hết, lượng vốn đầu tư nước ngoài tăng cao. Giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký ước đạt 174 tỷ USD; tăng 79% so với giai đoạn 2011-2015. Dự kiến, vốn đầu tư thực hiện cả giai đoạn 2016-2020 ước đạt xấp xỉ 93 tỷ USD, tăng 63,4% so với giai đoạn 2011-2015.

Những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, khu vực FDI phải đối mặt nhiều khó khăn, song theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới); Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn thêm 1.386 tỷ USD.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, việc cơ cấu FDI bước đầu được điều chỉnh hợp lý hơn, tỷ trọng thu hút phát triển công nghiệp ngày càng tăng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất trong các ngành kinh tế.

Một số tập đoàn công nghệ lớn đã lựa chọn đầu tư, hợp tác đầu tư ở Việt Nam và đóng góp đáng kể cho tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2016-2019 nói chung. Điển hình như dự án Samsung Display Việt Nam với tổng mức đầu tư 6,5 tỷ USD; Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa với tổng mức đầu tư là 9,8 tỷ USD...

Chỉ thu hút FDI chất lượng cao

Mặc dù đạt được một số kết quả trên, song Chính phủ vẫn thừa nhận, đóng góp của khu vực FDI vào thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn hạn chế, tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực trong nước chưa cao.

Thực tế, một số dự án được cấp phép nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, sử dụng nguồn tài nguyên không hiệu quả. Một số doanh nghiệp (DN) chưa tự giác tuân thủ pháp luật, chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động, ít quan tâm đến việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa; vẫn còn những trường hợp doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi chính sách thu hút FDI thực hiện hành vi chuyển giá gây thất thoát cho nền kinh tế.

Một thực trạng được Chính phủ chỉ ra là tính độc lập, tự chủ của ngành công nghiệp trong nước còn hạn chế. Việc quá phụ thuộc vào các DN FDI trở thành một thách thức lớn, bởi về dài hạn, các DN FDI sẽ rất dễ dàng rời sang quốc gia khác nếu các điều kiện cho sản xuất và tiếp cận thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn.

Các ngành công nghiệp xuất khẩu hiện nay hầu hết do các DN FDI nắm giữ. Chẳng hạn, đối với ngành điện tử, đến 95% hàng hóa xuất khẩu là của các DN FDI.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), việc ưu đãi thuế và phi thuế (đất đai...) để thu hút FDI đã khiến ngân sách nhà nước bị hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng/năm.

Do đó, để thu hút FDI hiệu quả, theo bà Thu, Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, khung pháp lý minh bạch, chất lượng lao động, cải thiện chất lượng hạ tầng, mật độ đường sá chất lượng tốt…

Trong báo cáo gửi Chính phủ để trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần khắc phục sự phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI cả ở cấp độ địa phương, ngành và toàn nền kinh tế. Bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI có chất lượng cao, cần tạo điều kiện tối đa cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn so với hiện nay. 

Theo Tuấn Nguyễn

Theo Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên