Chủ vũ trường, quán bar ủng hộ đóng cửa phòng dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch toàn cầu Covid-19, TPHCM đã đề nghị tạm đóng cửa quán bar, vũ trường, karaoke... trên địa bàn để phòng tránh dịch.
Dọc nhiều tuyến đường tập trung quán bar, karaoke tại TPHCM như Trần Quang Khải (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), Phạm Ngọc Thạch (Q.3), Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận)… trước đây tấp nập, sôi động bao nhiêu thì giờ vắng vẻ, đìu hiu bấy nhiêu. Ngày 13/3, chúng tôi ghé vào bar L. đường Trần Quang Khải (Q.1), nhân viên ở đây nói: “Gần cả tháng nay ế kinh khủng, có hôm quán chỉ có 1-2 khách. Quản lý bar phải cho nghỉ bớt nhân viên phục vụ, vì cứ đà này sớm muộn gì quán cũng đóng cửa”.
Beer Club trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1) vắng như “chùa bà Đanh”. Sau khi mua vé 300.000 đồng/người, tôi cùng 2 người bạn trở thành khách VIP. Khu vực lấy thức ăn tự chọn ê hề đồ mà không có khách. 23h là “giờ vàng” của quán vậy mà giờ đây hầu như không có ai.
Anh Trần Minh Thanh, quản lý một vũ trường ở Q.1 than thở: “Nghị định 100 cấm người uống rượu bia lái xe vừa áp dụng, khách có giảm nhưng không đáng kể. Khi Covid-19 bùng lên, ai cũng sợ nơi đông người nên quán ế luôn từ đó”.
Các quán karaoke cũng tiếp nối chuỗi ngày thê thảm. Những quán lớn như Nice, King, Avata… trước đây khách phải đặt trước mới có phòng. Còn giờ đây, khách đến lúc nào có phòng lúc ấy, kể cả phòng VIP. Chị Thường Như, chủ quán karaoke Biển Xanh (gần khu vực chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh) thở dài: “Tôi thuê căn nhà 5 tầng mở karaoke được 3 năm, giá bình dân. Phục vụ học sinh sinh viên là chủ yếu. Từ khi dịch bùng lên, có khi cả tuần quán không có một khách”.
Cần được hỗ trợ
TPHCM đã đề nghị tạm đóng cửa quán bar, vũ trường, karaoke... trên địa bàn để phòng tránh dịch. Chia sẻ về đề xuất này, DJ Kaity (28 tuổi) cho biết: “Tôi nghĩ quán tạm đóng cửa thời điểm này là hợp lý. Môi trường bar, club... nhiều người lui tới, kể cả người nước ngoài. Những DJ như tôi không thể nào đeo khẩu trang để chơi nhạc. Khách thì càng khó để đeo khẩu trang để vui chơi. Lúc này, vấn đề sức khỏe của dân và ngăn dịch lây lan rất quan trọng”.
Người quản lý một vũ trường ở Q.1 tỏ ra băn khoăn: “Phải đóng cửa quán bar, vũ trường để chống dịch, tôi chấp hành, nhưng sau đó Nhà nước có hỗ trợ thuế, phí trong thời gian quán nghỉ do dịch không?
Đồng quan điểm, anh Andy Đặng, quản lý Karaoke Phan Tom (Q.Tân Bình) cho biết: “Tạm dừng hoạt động sẽ góp phần phòng chống dịch bệnh nhưng chúng tôi rất cần thành phố hỗ trợ, tránh tình trạng sau tạm nghỉ thì doanh nghiệp phá sản”.
TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, quán bar, vũ trường, quán karaoke tại TPHCM đóng góp nguồn thu không nhỏ cho thành phố. Nếu đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
“Đóng cửa hay không cần phải xem xét nhiều yếu tố. Đa số các tụ điểm trên, chúng ta không thể biết được thông tin khách hàng, nhất là nhiều khách nước ngoài. Nhiều nơi không tuân thủ các quy định phòng dịch của Bộ Y tế như xịt khử khuẩn, vệ sinh phòng bằng CloraminB, đo nhiệt độ cho khách, không mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên… Do đó với những quán bar, karaoke chấp hành quy định của ngành chức năng thì cũng nên tạo điều kiện cho họ hoạt động”, ông Tín chia sẻ.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thành ủy, UBND TPHCM với các quận ủy, huyện ủy chiều 12/3, Bí thư quận ủy quận 1 Trần Kim Yến đề xuất thành phố nên cho tạm ngưng hoạt động vũ trường, karaoke, quán bar. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần khảo sát thực tế các địa điểm này trước khi đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động.
Tiền phong