Chú ý số 2 mùa kết quả kinh doanh quý 3: Vinaconex và những ngày miệt mài thoái vốn
Ngoài hoạt động kinh doanh chính, những khoản thoái vốn lớn có thể sẽ tác động đáng kể đến tình hình tài chính của Vinaconex trong quý 3 và thời gian tới.
Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex-mã chứng khoán VCG) đã thực hiện hàng loạt vụ thoái vốn trong quý 3 vừa qua. Điều này sẽ thể hiện đậm nét vào tình hình tài chính quý 3 sắp sửa tới đây bên cạnh kết quả kinh doanh từ hoạt động kinh doanh lõi là xây lắp công trình; kinh doanh bất động sản; tư vấn thiết kế và sản xuất công nghiệp.
Những thương vụ thoái vốn là những thương vụ dễ nhìn thấy nhất kết quả và ảnh hưởng đến tình hình tài chính trong kỳ quý 3 của công ty.
Thứ nhất: Vinaconex đã bán toàn bộ 36% vốn điều lệ công ty sở hữu tại Công ty Cổ phần Xây dựng số 7 (mã chứng khoán VC7). Toàn bộ 3,96 triệu cổ phiếu VC7 được Vinaconex bán vào ngày 4/8/2017 với mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu tương ứng số tiền thu về gần 100 tỷ đồng. Dù mức sở hữu chỉ 36% vốn nhưng VC7 là công ty con của Vinaconex do Vinaconex vẫn nắm quyền kiểm soát do chiếm đa số thành viên trong HĐQT và chi phối các chính sách tài chính và hoạt động nên nhiều khả năng, phần chênh lệch giữa tiền bỏ ra đầu tư và tiền bán cổ phần thu được từ thương vụ “bán con” này sẽ được ghi thẳng vào lợi nhuận chưa phân phối.
Thứ hai: Thực hiện chủ trương tái cấu trúc, Vinaconex cũng đã thông qua việc bán 30,36% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần xây dựng số 11 (mã chứng khoán V11).
Liên tục thua lỗ khiến giá cổ phiếu V11 hiện đang giao dịch trên UpCOM với giá chỉ 500 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, Vinaconex chưa công bố kết quả bán vốn nhưng nhiều khả năng với tình hình kinh doanh hiện tại thì giá trị thu về chẳng đáng là bao. Vinaconex cũng đã trích lập dự phòng gần như toàn bộ khoản đầu tư này trong những năm qua.
Thứ ba: Chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Quốc tế liên doanh Vinaconex-Taisei. Vinaconex hiện đang nắm giữ 29% vốn điều lệ tại liên doanh Vinaconex-Taisei và cuối tháng 7 vừa qua, công ty có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư tại doanh nghiệp này.
Thứ tư: Vinaconex công bố chủ trương thoái 35,39% vốn tại Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico). Do Viglafico là doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nên khá ít thông tin. Hiện, Vinaconex chưa công bố kết quả việc bán vốn này cũng như mức lãi lỗ từ khoản đầu tư vào công ty liên doanh Viglafico nhưng tổng giá trị ghi sổ cho khoản đầu tư này vào cuối tháng 6/2017 là 12,7 tỷ đồng.
Thứ năm: Vinaconex nắm giữ 51,4% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Vimeco (mã chứng khoán VMC) và hồi tháng 5, công ty có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư vào công ty con này nhưng bất thành. Khoản đầu tư này hiện công ty vẫn chưa có công bố gì khác.
Ngoài hoạt động kinh doanh chính, những khoản thoái vốn lớn kể trên có thể sẽ tác động đáng kể đến tình hình tài chính của công ty trong quý 3 và thời gian tới. Việc thoái vốn kiểu “bán con” có thể tác động chủ yếu đến bản cân đối kế toán, dòng tiền của công ty thay vì báo cáo kết quả kinh doanh với doanh thu, lợi nhuận mà nhà đầu tư quen thuộc hơn. Tuy nhiên, tác động của việc thoái vốn chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể tình trạng tài chính của Vinaconex mà nhà đầu tư không thể bỏ qua.
Trí Thức Trẻ