MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chưa bao giờ có tiền để tiêu hoang nên tới lúc đi làm, thấy tiết kiệm là việc cũng đơn giản, chẳng có gì to tát mà phải cố”

21-10-2024 - 18:58 PM | Sống

Phải chăng, từ bé chúng ta đã quen tiêu hoang rồi, nên bây giờ mới thấy tiết kiệm là việc khó?

Những ngày gần đây, chia sẻ của một cặp vợ chồng sống ở quê, đang nuôi con 13 tháng tuổi nhưng cả tháng chỉ tiêu hết 2 triệu tiền ăn, khiến nhiều người không thể không hoài nghi, tranh cãi. Có người cho rằng dù sống ở quê đi chăng nữa, thì 2 triệu tiền ăn cho 2 người lớn và 1 trẻ nhỏ cũng là mức ngân sách quá thấp, không thể đảm bảo dinh dưỡng cho con. Có người khẳng định chi tiêu như thế là tự làm khổ mình chứ tiết kiệm nỗi gì.

Dù chỉ là một bài chia sẻ vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng tới “chén cơm” nhà ai, nhưng vì quá nhiều chỉ trích mà người trong cuộc đã phải lên tiếng giải thích, rằng mức sống mỗi nhà mỗi khác, chưa kể, vì bản thân xuất thân trong gia đình làm nông, khó khăn thiếu thốn, phải nghỉ học từ sớm để đi làm kiếm tiền, nên giờ có gia đình riêng, cô mới ưu tiên tiết kiệm để sau này có tiền cho con đi học, cũng như phòng lúc ốm đau.

“Chưa bao giờ có tiền để tiêu hoang nên tới lúc đi làm, thấy tiết kiệm là việc cũng đơn giản, chẳng có gì to tát mà phải cố”- Ảnh 1.

Chia sẻ gây tranh cãi suốt 2 ngày hôm nay

“Chưa bao giờ có tiền để tiêu hoang nên tới lúc đi làm, thấy tiết kiệm là việc cũng đơn giản, chẳng có gì to tát mà phải cố”- Ảnh 2.

Không ít người đồng cảm với chia sẻ của bà mẹ từng phải bỏ học vì gia đình khó khăn, nên giờ biết cách chắt chiu, tiết kiệm

Vậy mới thấy, có lẽ, tiết kiệm không chỉ đơn giản là việc tháng này kiếm được bao nhiêu, tiêu hết chừng nào, tích lũy ra sao; mà còn là câu chuyện hồi bé, nhà mình dư dả, đủ ăn hay có phần khốn khó?

Thấy tiết kiệm là việc đơn giản vì 12 năm đi học chưa bao giờ được ăn sáng ở ngoài, tiền tiêu vặt là thứ hoang đường

Xuất thân từ gia đình có bố mẹ làm nông, cả Ngọc Lan (sinh năm 1996, quê Hà Giang) và Nguyễn Phương (sinh năm 1995, quê Thái Nguyên) đều cho biết bản thân chưa bao giờ cảm thấy việc tiết kiệm là thách thức, khó khăn đến mức phải vật vã mới làm làm được.

“Bố mẹ mình đều là nông dân, nhà mình còn có 3 anh em. Anh trai mình trước học Bách khoa, mình học Y, còn em gái mình đang học lớp 11. Mình cũng không biết mỗi tháng bố mẹ kiếm được bao nhiêu tiền từ việc đồng áng, nhưng cả 3 anh em mình đều được đi học đầy đủ nên chắc bố mẹ cũng không dư dả gì.

Suốt 12 năm học, chúng mình chưa bao giờ được bố mẹ cho tiền ăn sáng hay tiền tiêu vặt. Ở quê chỗ mình, đó là việc bình thường, kiểu nhà nào cũng làm nông, xong lại đông con nên sáng cả nhà ăn cơm hoặc ăn mì tôm, mì gạo, chứ lấy đâu ra tiền mà cho con tiền tiêu vặt hay tiền ăn sáng. Mãi đến lúc ra Hà Nội học Đại học, mình mới lần đầu tiên được ăn bánh mì pate, cũng mới biết các bạn ở thành phố được cho tiền tiêu vặt với tiền ăn sáng” - Ngọc Lan chia sẻ.

“Chưa bao giờ có tiền để tiêu hoang nên tới lúc đi làm, thấy tiết kiệm là việc cũng đơn giản, chẳng có gì to tát mà phải cố”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Dù gia đình có phần dư dả hơn, nhưng Nguyễn Phương cũng cho biết tuổi thơ của cô không khác Ngọc Lan là mấy.

“Mẹ mình làm nông, còn bố mình đi lái máy cày thuê, nói chung đều là những công việc phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhà mình chỉ có 2 chị em thôi, nên bố mẹ cố thì vẫn cho 2 chị em mình học hết Đại học. Bố mẹ giao kèo luôn với chúng mình thế rồi, là bố mẹ chỉ nuôi hết 4 năm Đại học thôi, còn sau đấy muốn học cao lên nữa thì tự kiếm tiền mà học.

Ngày xưa chị em mình cũng không được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, chỉ thi thoảng sang nhà bà ngoại, mè nheo bà thì bà cho mỗi đứa 5 nghìn mua mấy gói bim bim. Mình nhớ hồi cấp 1, cấp 2 là mình đã biết tiết kiệm tiền để mua truyện về đọc rồi. Tiền lì xì thì bố mẹ thu hết, chỉ có tiền bà ngoại thi thoảng cho là mình giấu bố mẹ nên mới được giữ, lâu dần cũng được gần 200k. Hồi đấy, 200k là số tiền cũng lớn lắm, mua được 3 quyển tiểu thuyết” - Nguyễn Phương kể.

Từ bé đến lớn, cả Nguyễn Phương và Ngọc Lan đều không có trong đầu khái niệm tiêu hoang (vì làm gì có tiền), bản thân cũng thấy bố mẹ sống rất chắt chiu, tiết kiệm nên tới lúc ra Hà Nội đi học, và giờ là đi làm, đã tự kiếm được tiền, tự lo được cuộc sống, cả 2 cũng không có nhu cầu tiêu hoang, ngược lại, còn rất thích tiết kiệm.

“Từ hồi năm 2 Đại học, mình đi dạy gia sư, có tiền là mình đã tự lo được cuộc sống sinh viên rồi, chỉ xin thêm bố mẹ vài trăm ngàn hoặc 1 triệu bù vào nếu thiếu thôi, chứ không có chuyện mỗi tháng bố mẹ khoán cho mình 3-4 triệu để tiêu đâu. Mình học Y, nên giờ vẫn vừa đi làm vừa đi học, cũng bận, chẳng có nhu cầu lẫn thời gian để tiêu tiền, phần lớn thu nhập của mình, mình đều dùng để tiết kiệm cho việc đi học. Học Y mà, phải học cả đời” - Ngọc Lan thủ thỉ.

“Chưa bao giờ có tiền để tiêu hoang nên tới lúc đi làm, thấy tiết kiệm là việc cũng đơn giản, chẳng có gì to tát mà phải cố”- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Còn với Nguyễn Phương, mục tiêu tiết kiệm của cô không là gì khác ngoài lấy chồng, sinh con.

“Nhà có con gái, người ta hay bảo là bố mẹ phải chuẩn bị của hồi môn cho con lấy chồng ấy. Nhưng mình nghĩ nhà mình khó khăn, bố mẹ nuôi 2 chị em ăn học 16 năm chắc cũng oải lắm rồi, nên mình tiết kiệm tiền để tự tổ chức đám cưới, đỡ bố mẹ được khoản nào, hay khoản ấy” - Nguyễn Phương khẳng định.

Biết ơn bố mẹ vì đã dạy mình “Có thế nào, sống thế ấy”

Đồng tình rằng tiết kiệm là việc hiển nhiên, gần như đã “ăn vào máu” nên chẳng cần cố cũng làm được, nhưng cả Nguyễn Phương và Ngọc Lan lại cho biết bố mẹ chưa bao giờ trực tiếp răn dạy hay nhắc nhở họ phải tiết kiệm, không được tiêu hoang.

Thay vào đó, bài học mà 2 cô gái này thấy thấm thía, thấy biết ơn vì bố mẹ đã dạy cho mình lại là “có thế nào, sống thế ấy”.

“Mình nghĩ không phải ai xuất thân từ gia đình làm nông thì sau này cũng biết sống tiết kiệm dâu. Ở quê mình cũng có mấy người mà bố mẹ còn đang ở nhà cấp 4, gia đình chưa có bồn cầu tự hoại nhưng trên mạng, các bạn ấy hay khoe đồ hiệu, khoe lái ô tô đi chỗ này chỗ kia. Cũng có mấy trường hợp, bố mẹ ở quê phải đi vay tiền để trả nợ cho con vì con ra thành phố học xong ăn chơi, phá phách rồi.

Bố mẹ mình thì không dạy mình tiết kiệm, mà luôn nhắc là mình có bao nhiêu tiền thì mình sống với số tiền mình có là được, vì cuộc đời này không gì đáng sợ bằng nợ nần” - Ngọc Lan chia sẻ.

Trong khi ấy, Nguyễn Phương lại nhớ nhất lời dạy “không ăn cắp ăn trộm, không lừa lọc ai thì không có gì phải xấu hổ”.

“Hồi bé, có lần mình đi khai giảng xong về nhà khóc um lên vì đôi dép mà mẹ mới mua cho mình chẳng đẹp như của các bạn khác. Xong mẹ chẳng dỗ mà còn mắng mình là có dép mới để đi khai giảng là tốt rồi, không ăn cắp ăn trộm, không lừa lọc ai thì có gì mà phải xấu hổ, phải khóc. Năm ấy hình như mình học lớp 4. Lúc đó, mình còn nhỏ nên chẳng nghĩ được gì sâu sắc, sau này lớn rồi, càng ngẫm mới thấy mẹ mình nói chất thật” - Nguyễn Phương kể.

PV

Phụ nữ mới

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên