Chưa có chủ đầu tư điện mặt trời, điện gió nào gửi hồ sơ đàm phán giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết vẫn chưa có nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp gửi hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện.
- 17-03-2023EVN giải thích việc dừng mua 172 MW điện mặt trời của Trung Nam
- 16-03-2023TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù cho 5.000 MW điện mặt trời áp mái
- 15-03-2023Nhà đầu tư điện gió và điện mặt trời cùng lo phá sản, Bộ Công Thương lên tiếng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 18-3 cho biết thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực về việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển tiếp, ngày 9-3 vừa qua, Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đã có văn bản gửi tới 85 chủ đầu tư các dự án điện tái tạo chuyển tiếp.
Qua đó, EPTC đề nghị các chủ đầu tư rà soát các hồ sơ pháp lý của dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và có ý kiến của đơn vị vận hành hệ thống điện về khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án.
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vẫn chưa có nhà đầu tư điện tái tạo nào gửi hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện. Ảnh: NLĐO
Cùng với đó, xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31-12-2020 của Bộ Công Thương; cung cấp các hồ sơ tài liệu của dự án theo danh mục.
Tuy nhiên, theo thông tin cập nhật của EPTC, đến ngày 18-3 vẫn chưa có chủ đầu tư nào trong số 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp gửi hồ sơ theo các đề nghị nêu trên.
Để có cơ sở triển khai đàm phán theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền, EVN/EPTC mong muốn sớm nhận được hồ sơ tài liệu từ các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp để có cơ sở tiến hành các bước tiếp theo theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó, 36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng trước đó, các nhà đầu tư cho rằng việc ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 về khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (Quyết định 21) của Bộ Công Thương còn "quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng...".
Các nhà đầu tư cũng cho rằng các quy định liên quan đến giá điện của các dự án chuyển tiếp khiến họ vô cùng lo lắng và quan ngại sâu sắc do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, làm cho các doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.
Phúc đáp vấn đề này, Cục Điều tiết điện lực khẳng định việc dự thảo và ban hành Quyết định số 21 hoàn toàn đảm bảo trình tự và thủ tục theo quy định. Bộ Công Thương cũng đã thành lập Hội đồng tư vấn độc lập để lấy ý kiến về khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp với 9 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực điện, giá, tài chính, quản lý nhà nước về năng lượng.
Về phương pháp và kết quả tính toán để đưa ra khung giá, Cục Điều tiết điện lực cho biết căn cứ nhiều yếu tố, tham vấn ý kiến của các tổ chức tư vấn quốc tế. Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh cơ chế giá bán điện ưu đãi FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định.
Trong khi đó, khung giá phát điện cho các nhà máy diện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được tính toán trên cơ sở chi phí thực tế quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của các nhà máy đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực.
Người lao động