Chưa có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng thép hiện nay
Trung Quốc đã cam kết cắt giảm sản lượng nhưng nước này vẫn là một yếu tố bất thường rất khó dự đoán.
- 14-04-2016Thế giới đang "bội thực" thép Trung Quốc
- 03-04-2016Có thể mất 40.000 việc làm vì thép Trung Quốc, Anh kêu gọi hợp tác
- 31-03-2016"Ủ bệnh" 40 năm, ngành thép ở Anh khủng hoảng trầm trọng vì thép Trung Quốc
Cuộc họp của các nước sản xuất thép lớn trên thế giới vào ngày 18/4 tại Brussels đã không đạt được sự nhất trí về các biện pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng thép hiện nay. Trung Quốc cam kết cắt giảm sản lượng song nước này vẫn là một yếu tố bất thường khó dự đoán trên thị trường.
Đại diện 34 nước sản xuất thép trên thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Thép Thế giới và khu vực tư nhân đã tham dự cuộc họp do OCED tổ chức tại Brussels vào ngày 18/4 để thảo luận cách thức các chính phủ có thể hỗ trợ quá trình cơ cấu ngành công nghiệp thép và nhất trí về các biện pháp giảm bớt những chính sách bóp méo sự cạnh tranh.
Bộ trưởng Thương mại Anh Sajid Javid cho biết đã không có giải pháp nào đạt được để tháo gỡ vấn đề khủng hoảng thép hiện nay. Song ông Javid kỳ vọng rằng cam kết cắt giảm sản lượng thép mà Trung Quốc đưa ra lần này sẽ góp sẽ góp phần tạo ra sự khác biệt cho thị trường đang suy yếu.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhang Ji đã phản bác lời cáo buộc Bắc Kinh trợ cấp cho các nhà xuất khẩu thép. Trung Quốc lý giải nguyên nhân chính dẫn tới công suất quá tải là do nhu cầu sụt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và đây cũng là vấn đề của tất cả các nước. Ông Zang Ji cho biết Trung Quốc đã cắt giảm công suất 90 triệu tấn và đặt kế hoạch cắt giảm thêm 100 - 150 triệu tấn, xuống còn chừng 1,13 tỉ tấn vào năm 2020.
Ông Gareth Stace, Giám đốc của Công ty Thép Anh nói: "Chúng ta dường như chưa tiến sát hơn đến việc tìm ra hành động quốc tế để đưa các giải pháp vào thực tiễn. Đây là một vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu nhằm tháo gỡ tình trạng công suất quá tải hiện nay và thời gian là điều xa sỉ chúng ta không có”. Đại diện thương mại EU Cecilia Malmstroem cũng cho rằng khôi phục ngành thép đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu lâu dài để dẫn đến cải cách có hiệu quả.
Cuộc họp này đã được đánh giá có ý nghĩa sống còn đối với nhiều công ty thép đang làm ăn thua lỗ. Tình trạng dư thừa khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Tata Steel, tập đoàn thép lớn của Ấn Độ và là hãng sản xuất thép lớn nhất tại Anh là một ví dụ. Giá thép Trung Quốc 'bèo bọt' trong khi chi phí năng lượng ở Anh đắt đỏ hơn so với các nước khác đã khiến Tata tiếp tục thua lỗ trong tháng qua. Do vậy, Tata đang lên kế hoạch rút khỏi Anh và khiến 15.000 việc làm tại đây bị đe dọa.
Theo bà Elzbieta Bienkowska, uỷ viên phụ trách công nghiệp và thị trường nội địa, EU cần cân nhắc cho phép các nước thành viên trợ cấp ngành thép của mình. Hiện nay, EU áp dụng hàng loạt các biện pháp chống phá giá đối với Trung Quốc, trong đó có một số biện pháp liên quan đến ngành thép, song các nhà phê bình cho rằng từng ấy vẫn chưa đủ.
Các hãng chế tạo thép châu Âu thúc giục EU noi gương Mỹ thực hiện trừng phạt Trung Quốc bằng việc áp các loại thuế mới song EU cho đến nay xem ra vẫn do dự về việc gây sức ép trực tiếp hơn đối với Trung Quốc về vấn đề này.
OECD cho biết sản lượng thép thế giới đạt 2,37 tỉ tấn trong năm 2015, giảm 70,9% so với năm 2014 song chỉ 67,5% trong đó được sử dụng.
Là nước đóng góp khoảng 1/2 sản lượng thép toàn cầu, Trung Quốc bị cáo buộc đã gây ra tình trạng ứ thừa thép trên thị trường thế giới do nguồn cung quá lớn được bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Điều này vi phạm các quy định thương mại toàn cầu.
Người Trung Quốc hứa vậy nhưng chưa chắc đã làm vậy. Bởi thực tế cho thấy, sản lượng thép Trung Quốc tăng trong tháng 3/2016 bất chấp cam kết cắt giảm công suất trước đó của nước này. Con số sản lượng thép 1,13 tỉ tấn dự kiến vẫn vượt xa so với mức cầu thực tế. Vì vậy, Trung Quốc vẫn là một yếu tố bất thường khó dự đoán trên thị trường.