MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa đầy 2 tuần, thế giới chứng kiến loạt thiên tai chưa từng thấy

18-09-2023 - 07:27 AM | Tài chính quốc tế

Chưa đầy 2 tuần, thế giới chứng kiến loạt thiên tai chưa từng thấy

Tháng 9 bắt đầu bằng cơn bão càn quét qua Hong Kong (Trung Quốc), làm bật gốc cây cối và khiến thành phố ngập lụt. Đây là sự kiện đầu tiên trong hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan đã tấn công 10 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong 12 ngày với thảm kịch kinh hoàng nhất là trận lụt ở Libya làm hơn 11.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người mất tích.

Các nhà khoa học cảnh báo những kiểu thời tiết cực đoan như vậy, ảnh hưởng đến tất cả quốc gia trên toàn thế giới, có lẽ sẽ ngày càng phổ biến khi cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn, buộc các chính phủ phải đứng trước sức ép sẵn sàng chuẩn bị.

"Sự ấm lên toàn cầu thực sự thay đổi các đặc tính của lượng mưa như tần suất, cường độ và thời gian", Jung-Eun Chu, nhà khoa học về khí hậu và khí quyển tại Đại học Hong Kong nói, đồng thời cho rằng sự tàn phá của thời tiết trong mùa hè này là do kết hợp các yếu tố khác nhau, trong đó có những dao động khí hậu tự nhiên.

Chưa đầy 2 tuần, thế giới chứng kiến loạt thiên tai chưa từng thấy - Ảnh 1.

Một khu vực bị ngập lụt ở Megala Kalyvia, Hy Lạp ngày 9/9. Ảnh: Reuters

Tác động to lớn của các trận lụt đã nhấn mạnh việc các chính phủ đang đứng trước nhu cầu cấp bách nhằm chuẩn bị cho thực tế mới này và những cách thức mà các quốc gia nghèo hoặc trong tình trạng xung đột cần thực hiện khi họ đang đứng trên tiền tuyến của những thảm họa khí hậu.

"Các chính phủ phải sẵn sàng. Họ phải bắt đầu suy nghĩ về điều đó bởi họ chưa từng trải qua những hiện tượng cực đoan này trước đó", bà Chu cho hay.

Một trong những trận bão tồi tệ nhất châu Âu

Tháng này, các khu vực ở vùng Địa Trung Hải bị cơn bão Daniel tàn phá. Cơn bão này được hình thành ngày 5/9 ảnh hưởng đến Hy Lạp đầu tiên với lượng mưa trung bình lớn hơn lượng mưa của cả năm. Đường biến thành sông, những ngôi làng chìm trong nước, trận lụt đã buộc lực lượng khẩn cấp phải sử dụng thuyền phao để giải cứu các gia đình khỏi những ngôi nhà bị lụt.

Ít nhất 15 người thiệt mạng và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã gọi đây là "một trong những cơn bão mạnh nhất từng tấn công châu Âu".

Trận lụt trên diễn ra sau khi cháy rừng hoành hành ở quốc gia này, cho thấy “những tác động của biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Môi trường Hy Lạp Theodoros Skylakakis nhận định với CNN.

"Chúng tôi đã chứng kiến một mùa hè nóng kỷ lục. Nước biển rất ấm và điều đó đã dẫn đến hiện tượng thời tiết đặc biệt này", Bộ trưởng Theodoros Skylakakis cho hay.

Nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu tác động tương tự và ghi nhận ít nhất 7 người thiệt mạng. Người dân vùng lũ phải lội nước ngập đến đầu gối, xung quanh là cây đổ trong khi một số khu vực của Istanbul - thành phố lớn nhất đất nước, chứng kiến những trận lụt chớp nhoáng làm ít nhất 2 người thiệt mạng.

Những trận lũ lụt nghiêm trọng cũng xảy ra ở Bulgaria, phía Bắc Hy Lạp với ít nhất 4 người được xác nhận thiệt mạng.

Tại các khu vực khác ở châu Âu, một cơn bão khác có tên là Dana đã gây ra mưa lớn khắp Tây Ban Nha, phá hủy nhiều ngôi nhà và khiến ít nhất 3 người thiệt mạng.

Thảm họa lũ lụt ở Libya

Cho đến nay, tác động khủng khiếp nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể được cảm nhận ở Libya khi cơn bão Daniel di chuyển qua Địa Trung Hải, mạnh lên từ những vùng nước biển ấm bất thường trước khi gây ra mưa xối xả ở Đông Bắc nước này.

Trận mưa kinh hoàng đã khiến 2 đập nước bị vỡ, tạo ra một cơn sóng cao tới 7 mét. Lượng nước khổng lồ này càn quét qua thành phố Derna bên bờ biển, xóa sổ toàn bộ các khu dân cư và cuốn phăng những ngôi nhà ra biển.

Chưa đầy 2 tuần, thế giới chứng kiến loạt thiên tai chưa từng thấy - Ảnh 2.

Cảnh tượng từ trên cao cho thấy lũ lụt tàn phá phía Đông Libya. Ảnh: Getty

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 11.000 người thiệt mạng và ít nhất 10.000 người đang mất tích với nhiều người trong số đó được cho là đã bị cuốn ra biển hoặc bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Các chuyên gia nhận định, quy mô của thảm họa này trở nên nghiêm trọng hơn bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, cảnh báo không phù hợp và tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng.

Libya bị tàn phá bởi nội chiến và trải qua bất ổn chính trị trong gần 1 thập kỷ. Tình trạng chia rẽ đã khiến quốc gia Bắc Phi này không được chuẩn bị trước thảm họa lũ lụt và cản trở việc cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cần thiết.

"Trên toàn cầu, biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn, khiến cho các cộng đồng khó có thể đối phó, đặc biệt tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột", Ciaran Donnelly, Phó Chủ tịch phụ trách phản ứng khủng hoảng, phục hồi và phát triển tại Ủy ban Cứu hộ Quốc tế đánh giá.

Bão kép ở châu Á

Trong khi quy mô tàn phá và tổn thất ở châu Á nhỏ hơn thì khu vực này cũng chứng kiến những cơn bão chưa từng có. Hai cơn bão Saola và Haiku đi qua khu vực trong những ngày đầu tháng 9 đã gây ra thiệt hại cho Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và một số khu vực khác ở phía Nam Trung Quốc, trong đó có Thâm Quyến.

Mặc dù cơn bão Saola khiến các trường học và cửa hàng ở Hong Kong phải đóng cửa 2 ngày nhưng thiệt hại thực sự diễn ra một tuần sau đó khi thành phố bị tàn phá bởi một cơn bão bất ngờ gây ngập lụt nhanh chóng các ga tàu điện ngầm và biến nhiều con đường thành sông.

Theo các nhà chức trách Hong Kong, cơn bão mang đến lượng mưa trong một giờ cao nhất kể từ năm 1884.

Tại Đài Loan, cơn bão Haiku khiến hàng chục nghìn hộ gia đình mất điện và hơn 7.000 người phải sơ tán.

Theo bà Chu, cơn bão kép này là một "trường hợp hiếm thấy" tạo nên các điều kiện cho một cơn bão nghiêm trọng bất thường trong tuần sau đó.

"Nếu chỉ có một cơn bão thì nó không gây ra lượng mưa lớn như vậy", chuyên gia này cho hay. Theo bà: "Nếu khí hậu ấm lên và bề mặt các đại dương ấm hơn thì khí quyển sẽ giữ nhiều hơi ẩm hơn. Nếu nhiệt độ tăng 1 độ C thì bầu khí quyển có thể giữ thêm 7% hơi ẩm".

Bà chỉ ra lịch sử các kỷ lục lượng mưa theo giờ ở Hong Kong. Trước đây, hàng thập kỷ mới có các đợt mưa kỷ lục được ghi nhận nhưng khoảng cách giữa các kỷ lục này đang thu hẹp nhanh chóng.

Khi Trái Đất ấm lên, các hiện tượng thời tiết cực đoan từng chỉ xảy ra một lần trong đời sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Mưa lớn ở châu Mỹ

Một số khu vực ở châu Mỹ cũng không ngoại lệ. Brazil ghi nhận hơn 30 người thiệt mạng tuần trước sau các trận mưa lớn và lũ lụt ở bang Rio Grande do Sul - thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất tấn công bang này trong 40 năm qua.

Nhà khí tượng học Brazil Maria Clara Sassaki cho biết trong 1 tuần, bang này ghi nhận lượng mưa trung bình dự kiến cho cả tháng 9.

Trong khi đó, tại Mỹ, lễ hội Burning Man đã thu hút sự chú ý sau khi mưa bão nghiêm trọng khiến hàng nghìn người tham dự được yêu cầu dự trữ nước uống và thực phẩm trong khi mắc kẹt ở sa mạc Nevada.

Ở bên kia đất nước, ngập lụt ở Massachusetts đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà, cửa hàng và cơ sở hạ tầng như cầu đường, các con đập và đường sắt. Lượng mưa tại một số khu vực của Massachusetts và New Hampshire nhiều hơn 300% lượng mưa trung bình trong 2 tuần qua.

Chưa đầy 2 tuần, thế giới chứng kiến loạt thiên tai chưa từng thấy - Ảnh 3.

Ngập lụt ở Leominster, Massachusetts ngày 11/9. Ảnh: AP

Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, hơn 90% sự ấm lên toàn cầu trong 50 năm qua diễn ra ở các đại dương. Điều đó tức là nhiều cơn bão có thể hình thành trong một năm nổi bật với hiện tượng El Niño, Phil Klotzbach, chuyên gia nghiên cứu tại Khoa Khoa học Khí quyển - Đại học bang Colorado cho hay. Thậm chí các cơn bão yếu đi do sự thay đổi hướng gió vẫn có thể tiếp tục tồn tại và mạnh lên nếu gặp điều kiện phù hợp.

Theo Kiều Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên