MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa đầy 5 tháng, giải ngân đầu tư công của một thành phố đạt 8.200 tỷ đồng

Tính đến 12/5, thành phố này đã giải ngân đầu tư công đạt 8.200 tỷ đồng.

Tại họp báo về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM chiều 18/5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, tính đến 12/5, giải ngân đầu tư công của thành phố đã đạt 8.200 tỷ đồng.

Theo ông Mãi, kết quả này ghi nhận những nỗ lực của địa phương từ đầu năm tới nay. Trước đó, tính đến hết quý 1/2023, con số trên mới đạt 1.608 tỷ đồng.

“Đầu tư công có điểm rơi là các dự án vào quý 3, 4 hàng năm. Quý 1, 2 là công tác làm thủ tục cho dự án, giải phóng mặt bằng nên kết quả đầu năm thấp”, Chủ tịch TP HCM giải thích thêm.

Tại sự kiện, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho rằng, các dự án đầu tư công không như mua rau, cá ngoài chợ; có thể thời điểm đầu năm là các tháng 1, 2, tỷ lệ giải ngân thấp nhưng không phải vì vậy mà tình hình giải ngân cả năm không hiệu quả.

Các dự án cần có tiến độ thực hiện, kế hoạch thực hiện. Từ con số giải ngân đầu tư công thấp đầu năm, không thể kết luận các dự án của thành phố sẽ giải ngân thấp trong cả năm.

Cũng theo bà Mai, vốn đầu tư công trung hạn của TP HCM giai đoạn 2021-2025 là 142.000 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2023, thành phố được giao kế hoạch đầu tư công là hơn 70.000 tỷ đồng.

Như vậy, số vốn được giao năm 2023 cao hơn gấp đôi kế hoạch vốn thực giao năm 2022 (hơn 32.000 tỷ đồng) và gấp 2,6 lần số vốn giải ngân năm ngoái (hơn 26.600 tỷ đồng) - bà Mai nêu.

Trước đó, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP HCM, đến hết tháng 3/2023, tổng số vốn giải ngân đầu tư công của thành phố là 1.608 tỷ đồng.

Năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt 71,3%. Nhưng 3 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân mới đạt 4%. Trong khi 2022 và 2023, TP HCM đều đặt mục tiêu giải ngân 95% trở lên mỗi năm.

Chưa đầy 5 tháng, giải ngân đầu tư công của một thành phố đạt 8.200 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tính đến 12/5, giải ngân đầu tư công của TP HCM đã đạt 8.200 tỷ đồng.

Theo Sài Gòn Giải Phóng , năm 2022, bên cạnh các nguyên nhân khách quan khiến giá cả vật liệu leo thang, ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu, TP HCM xác định có tình trạng cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án đầu tư công đăng ký bố trí vốn rất hạn chế để không bị giải ngân thấp.

Từ đó, nhiều dự án kéo dài nhưng không được các chủ đầu tư đề xuất bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án trong năm. Việc lập kế hoạch giải ngân của các đơn vị này cũng chưa sát.

Tại hội nghị giao ban, các đơn vị thường xuyên báo cáo và khẳng định sẽ đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% nhưng đến hết năm tỷ lệ giải ngân thấp hơn nhiều so với đăng ký.

Ngoài ra, còn có tình trạng “vốn chờ dự án”, tức là vốn đã bố trí nhưng hồ sơ thủ tục còn chưa hoàn tất, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần làm mất thời gian. Việc tham mưu quản lý, điều hành, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt hiệu quả.

Những tháng đầu năm 2023, TP HCM liên tục có chỉ đạo, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến hết quý 1/2023, vẫn có 25/61 đơn vị giải ngân 0 đồng và đã bị phê bình.

Cụ thể, 25/61 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0% trong quý 1 có: Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao; Ban quản lý dự án quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sở Tài nguyên -Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quận ủy quận 1; UBND các quận 4, 7, 8, Tân Phú... Ngoài ra, có 5/61 đơn vị giải ngân đạt 1%; 14/61 đơn vị giải ngân đạt từ 2-6%.

Bước sang quý 2/2023, nhiều địa phương, đơn vị đang nỗ lực rất lớn để đạt được tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên