MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa kịp "hoàn hồn" vì Covid-19, quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục thấp thỏm lo sợ bởi biểu tình

28-09-2020 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Là một trong những nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất Đông Nam Á vì Covid-19, khả năng phục hồi của Thái Lan tiếp tục bị đe dọa khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp cả nước.

Trong bối cảnh biểu tình diễn ra khắp Thái Lan, một nhà kinh tế học tại Nomura cảnh báo bất ổn dân sự có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế khi nó vừa mới thoát khỏi đại dịch Covid-19.

"Các cuộc biểu tình có thể làm chậm, thậm chí làm trật bánh, những nỗ lực phục hồi kinh tế ngay cả khi Thái Lan đang tương đối thành công trong việc làm phẳng đường cong Covid-19", Euben Paracuelles, chuyên gia kinh tế trưởng về Asean tại Nomura, cho biết.

Thái Lan không xa lạ với tình trạng hỗn loạn chính trị. Thậm chí, quốc gia Đông Nam Á này còn có những cuộc đảo chính quân sự nhiều nhất trong lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, bất ổn ở thời điểm hiện tại có thể gây thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều cho nền kinh tế.

Những người biểu tình yêu cầu sử đổi hiến pháp và kêu gọi cải cách chế độ quân chủ. Đây là điều chưa từng có bởi theo truyền thống bởi quyền lực của nhà vua là điều cấm kỵ, có thể khiến người biểu tình bị bỏ tù. Luật pháp Thái Lan bảo vệ chế độ quân chủ, cấm xúc phạm nhà Vua và Hoàng gia. Tuy nhiên, việc người biểu tình bất chấp luật pháp cho thấy nguy cơ của một bế tắc chính trị kéo dài.

"Xét theo lịch sử, bất ổn chính trị gia tăng thường có xu hướng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là tác động đến tâm lý đầu tư kinh doanh hoặc chi tiêu. Thậm chí, nó còn có tác động tới tất cả các chính sách tài khóa quan trọng", ông Paracuelles cho biết.

Theo Paracuelles, Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ phải phụ thuộc chủ yếu vào số tiền mà chính phủ thực sự có thể chi tiêu. Tuy nhiên, với sự không chắc chắn về chính trị, điều này cũng có thể gặp rủi ro. Hiện nay, Ngân hàng Trung ương Thái Lan quyết định giữ nguyên mức lãi suất là 0,5%.

Hiện tại, Nomura cũng "tương đối thận trọng" về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Thái Lan và dự kiến mức giảm sẽ là 7,6% trong năm nay. Theo Paracuelles, điều này khiến Thái Lan trở thành điểm yếu nhất ở Đông Nam Á ngay cả khi quốc gia này xử lý đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Bản thân Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng ước tính GDP nước này có thể giảm 7,8% trong năm 2020.

Tuy nhiên, Paracuelles nhận định nền kinh tế Thái Lan đã bị cản trở bởi "rất nhiều vấn đề cấu trúc" ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Một trong những ví dụ được đưa ra chính là sự phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực du lịch, điều mà các chuyên gia tin rằng chưa thể sớm có sự phục hồi trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành khắp thế giới.

"Điều đó có rất nhiều tác động đến phần còn lại của nền kinh tế trong nước, vốn cũng đang phải vật lộn với hàng loạt những vấn đề như già hóa và thiếu khả năng cạnh tranh", Paracuelles cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng Đông Nam Á ở Nomura cũng nhận định Chính phủ Thái Lan còn "khá nhiều" dư địa tài chính để điều đông. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở việc thực thi.

Trong bối cảnh bất ổn chính trị, Chính phủ Thái Lan có thể sự dụng các biện pháp dân túy để cố gắng xoa dịu người biểu tình. Tuy nhiên, chưa thể xác định được tác động của những nỗ lực này. Paracuelles cũng cảnh báo những bất ổn có thể sẽ kéo dài vì sự khác biệt giữa mong muốn của người biểu tình và thực tế.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên