Chưa tắc Kênh đào Suez thì nhập khẩu dịch vụ vận tải của Việt Nam đã tăng vọt
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong quý I năm nay, ước tính kim ngạch nhập khẩu dịch vụ vận tải của Việt Nam đạt 2,38 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ, tăng 25% so với cùng kỳ.
- 29-03-2021Những ngành xuất khẩu nào của Việt Nam có rủi ro bị ảnh hưởng bởi sự cố tắc Kênh đào Suez
- 28-03-2021Tắc Kênh đào Suez sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ra sao?
Trong quý I năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 869 triệu USD, giảm 77,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 34 triệu USD (chiếm 3,9% tổng kim ngạch), giảm 98,6%; dịch vụ vận tải đạt 70 triệu USD (chiếm 8,1%), giảm 86,9%.
Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I năm nay ước tính đạt 4,98 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2,38 tỷ USD (chiếm 47,7% tổng kim ngạch), tăng 25%; dịch vụ du lịch đạt 900 triệu USD (chiếm 18,1%), giảm 34,8%.
Nhập siêu dịch vụ quý I năm 2021 là 4,11 tỷ USD, gấp gần 5 lần kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và tăng 2,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, tình trạng thiếu hụt container vẫn làm xáo trộn hoạt động thương mại toàn cầu. Nhiều chuyên gia ngành vận tải cho hay, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang chờ đợi trong tuyệt vọng suốt nhiều tuần và phải trả giá cao hơn mới có được container chở hàng, chi phí vận tải hàng hóa vì vậy tăng vọt. Các nhà sản xuất container đã gia tăng sản lượng, nhưng vẫn không thể cải thiện tình hình khan hiếm container, khiến giá cước vận chuyển tăng vọt trong suốt 6 tháng qua.
Tình trạng thiếu container đã bắt đầu từ tháng 9/2020 và kéo dài đến hiện tại. Giá cước vận chuyện đã tăng gấp 6-7 lần so với thông thường. Hiện giá cước vận tải quốc tế niêm yết quanh mức 10.000 USD/container 40 feet đi Mỹ, đi các nước khu vực Địa Trung Hải khoảng 5.000 USD/ container 40 feet và khoảng gần 3.000 USD/ container 20 feet đi Australia…
Theo McKinsey, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và đường không trên thế giới có thể ở mức cao trong một năm tới hoặc lâu hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng vẫn cao trong khi năng lực cung ứng vận chuyển hàng hóa chưa mở rộng kịp thời.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang lo ngại, sự cố tắc Kênh đào Suez có thể khiến giá cước vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng cao hơn nữa.