Chưa từng có trong lịch sử: Bộ trưởng Mỹ cảnh báo xe điện, tấm pin điện mặt trời của Trung Quốc sắp ‘dìm ngập’ thế giới
Mỹ và Châu Âu đang nếm trải nỗi khổ của "kẻ đến sau" khi bị Trung Quốc vượt mặt quá xa trong công nghệ năng lượng xanh, qua đó dìm ngập thị trường với sản phẩm giá rẻ như bài học của ngành thép trước đây.
- 28-03-2024Xe điện bị lôi vào cuộc chiến mới giữa Mỹ và Trung Quốc
- 27-03-2024‘Tôi cảm thấy như bị lừa’: Tiếng than của các chủ xe điện tại Trung Quốc khi vừa mua xe đã mất giá, công ty cạn vốn hoạt động
- 19-03-2024Chỉ đạo nhân viên thổi phồng 1,9 triệu tỷ đồng, tỷ phú bất động sản nổi tiếng Trung Quốc tập tành làm xe điện giờ phải bán tháo tài sản trả nợ
Hãng tin CNBC cho biết Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ dìm ngập thị trường toàn cầu khi xuất khẩu sản lượng dư thừa các mặt hàng năng lượng xanh giá rẻ, như xe điện hay tấm pin điện mặt trời, qua đó phá giá thị trường và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất toàn ngành.
"Tôi lo ngại về tác động quy mô toàn cầu đến từ tình trạng dư thừa công suất mà chúng ta đang chứng kiến ở Trung Quốc. Chúng đã làm biến dạng giá cả và mô hình sản xuất toàn cầu, đồng thời gây tổn hại cho các công ty, người lao động Mỹ cũng như trên toàn thế giới", Bộ trưởng Yellen nói trong bài phát biểu tại Georgia.
Nhận định của Bộ trưởng Yellen là có cơ sở khi báo cáo của Liên đoàn giao thông và môi trường Châu Âu (T&E) cho thấy xe điện Trung Quốc sẽ chiếm hơn ¼ tổng doanh số sản phẩm này trong năm nay tại đây. Tính từ đầu năm 2024, thị phần của xe điện Trung Quốc đã tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo CNBC, việc Trung Quốc đi đầu ở mảng năng lượng mặt trời, xe điện hay ắc quy Lithium Ion khiến nước này dư thừa về sản lượng do nhu cầu nội địa không theo kịp. Hậu quả là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ đẩy sản lượng dư thừa này ra các thị trường nước ngoài với giá rẻ, điều tương tự từng xảy ra trong ngành thép, gây phá giá thị trường và ảnh hưởng nặng nề hoạt động kinh doanh ở những nước khác.
Bộ trưởng Yellen cho biết bà đang có ý định gây áp lực lên các quan chức Trung Quốc về những hoạt động thương mại này trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới.
"Tôi dự định sẽ đưa vấn đề này trở thành vấn đề chính tại các cuộc thảo luận trong chuyến đi sắp tới. Tôi sẽ cố gắng thúc ép những người đồng cấp Trung Quốc thực hiện các bước cần thiết để giải quyết vấn đề này", Bộ trưởng Yellen tuyên bố.
Nỗi khổ của kẻ đến sau
Hãng tin CNBC nhận định Mỹ đã cố gắng đầu tư cho công nghệ năng lượng xanh bằng hàng loạt các gói hỗ trợ nghìn tỷ USD. Tuy nhiên quốc gia này vẫn đi sau khi Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào mảng này trong suốt nhiều năm, qua đó vượt xa bất kỳ nước nào về công nghệ năng lượng xanh.
Khả năng tối đa hóa sản lượng với giá siêu rẻ khiến Trung Quốc dễ dàng đánh bại bất kỳ thị trường nào nếu không có sự bảo hộ của chính phủ, bất kể họ có gói hỗ trợ bao nhiêu tỷ USD đi chăng nữa.
Vào tháng 2/2024, chính quyền Washington đã mở một cuộc điều tra về xe điện thông minh của Trung Quốc với lý do đe dọa đến an ninh quốc phòng khi truy cập vào cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Tương tự tại Châu Âu, chính phủ các nước khu vực đang cực kỳ lo lắng vì xe điện, tấm năng lượng mặt trời giá rẻ của Trung Quốc có thể dìm ngập thị trường tương tự như với sản phẩm thép trước đây.
Hiện khoảng 19,5% số xe điện được bán tại thị trường này là đến từ Trung Quốc. Đặc biệt 1/3 số xe điện bán ở Pháp và Tây Ban Nha là xuất xưởng từ nền kinh tế Châu Á.
Báo cáo của T&E cho thấy đến năm 2024, thị phần xe điện Trung Quốc tại Châu Âu sẽ vượt 25% nếu không có các chính sách đối phó.
Mặc dù một phần xe điện xuất xưởng từ Trung Quốc có bao gồm Tesla nhưng nếu chỉ tính riêng các thương hiệu nước này như BYD thì tỷ lệ thị phần vẫn lên tới 11% vào năm 2024 và 20% vào năm 2027.
"Cả Mỹ và Châu Âu đều đang bị tụt hậu quá xa khi họ không có biểu tượng xe điện giá rẻ nhưng chất lượng đủ tốt để cạnh tranh. Các tập đoàn xe hơi nổi tiếng thì chỉ chăm chú đến thiết kế và động cơ", nhà sáng lập Tu Le của Sino Auto Insight nhận định.
Phía T&E dự đoán Châu Âu sẽ nâng thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc từ 10% lên ít nhất 25% để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các nhà sản xuất địa phương. Tuy nhiên, CNBC cho rằng đây chỉ là phương án tạm thời khi các hãng xe Châu Âu cần phải tự lực phát triển để đuổi kịp đối thủ đến từ Châu Á thì mới có thể cạnh tranh trong dài hạn.
"Vấn đề cốt lõi hiện nay là các hãng xe điện Châu Âu không thể sản xuất sản phẩm mà thiếu ắc quy từ Trung Quốc vì họ có công nghệ và chuỗi cung ứng sản xuất vượt quá xa Phương Tây. Từ vấn đề nguồn cung nguyên liệu cho đến chi phí tinh luyện của Trung Quốc đều vượt trội hơn các nước khác", ông Tu Le đánh giá.
*Nguồn: CNBC
An ninh tiền tệ