MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn bị gì trong cuộc chơi với các 'đại gia' FDI công nghệ cao?

Đầu năm nay, một loạt ông lớn trong lĩnh công nghệ cao tiến hành các bước đầu tư vào Việt Nam là tín hiệu đáng mừng. Nhưng làm thế nào để có một cuộc chơi sòng phẳng, tối đa hóa hiệu quả từ các dự án là điều cần bàn.

Những tín hiệu đáng mừng

Liên tiếp trong tuần qua, Đà Nẵng công bố thông tin các doanh nghiệp Mỹ "rót" vốn vào Khu Công nghệ cao của thành phố lên tới 330 triệu USD.

Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte. LTD (UAC) đầu tư dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Đà Nẵng Sunshine với tổng mức đầu tư 170 triệu USD; Tập đoàn Key Tronic EMS (Hoa Kỳ) đầu tư nhà máy Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử với mức đầu tư 70 triệu USD. Hiện tại, công ty Alton Industry (Mỹ) đăng ký dự án đầu tư trên 87 triệu USDsản xuất máy nén khí và robot hút bụi.

TP Đà Nẵng cho biết đến nay có 56 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ với tổng vốn đầu tư đạt gần 850 triệu USD.

Chuẩn bị gì trong cuộc chơi với các đại gia FDI công nghệ cao? - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy sản xuất linh kiện máy bay. Ảnh: Reuters.

Không riêng các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, một loạt "đại gia" FDI khác cũng "đánh tiếng" vào Việt Nam.

Tập đoàn Lenovo vừa có cuộc gặp với tỉnh Bắc Ninh bày tỏ mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy tính có diện tích khoảng 30 ha tại tỉnh này. Hay theo tiết lộ của Hà Nội, trong năm 2019, hãng bán lẻ nội thất của Thụy Điển, IKEA sẽ đầu tư một kho hàng trị giá 450 triệu EUR. Cùng với đó, theo nhiều đồn đoán, Apple cũng có thể dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

"Một loạt các dự án FDI lớn trong 2 tháng đầu năm phần nào phản ánh Việt Nam là môi trường hàng đầu về đầu tư", TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định.

Sự hấp dẫn của Việt Nam thể hiện ở 3 điểm. Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong thu hút đầu tư. Việt Nam là địa điểm kết nối tốt với nhiều thị trường trên khu vực và thế giới, có sự hội nhập sâu rộng với hàng loạt các FTA. Cùng với đó, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh cũng đang được khẳng định.

Theo ông Thành, trong trường hợp cụ thể, một loạt các dự án lớn của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam thể hiện quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước có những bước tiến triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng việc một loạt các dự án về công nghệ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng. Sau hơn 30 năm thu hút FDI, mục tiêu của Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng hiệu quả, chất lượng, chú trọng vào phân khúc về công nghệ, đặc biệt là thu hút các công nghệ nguồn.

Nhiều điều cần bàn

Sự tham gia của các nhà đầu tư lớn từ Mỹ, đặc biệt với các dự án công nghệ cao phù hợp với định hướng thu hút FDI trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong cuộc chơi sòng phẳng, công bằng, cùng chiến thắng với các đại gia này, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Thực tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho biết Việt Nam đã có những bước chuẩn bị để đón làn sóng đầu đâu công nghệ lớn. Chuẩn bị lớn nhất là chuẩn bị về mặt chính sách.

Dù thế, chúng ta vẫn còn một số vướng mắc cần khắc phục. Trong đó, đầu tiên phải nhắc tới, theo ông Nguyễn Văn Toàn, là tính minh bạch và bảo hộ đầu tư. Đây là vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là phía Mỹ, rất coi trọng. Nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, nếu Việt Nam không làm tốt, họ có thể sẽ e ngại khi triển khai dự án.

Khác với các "đại gia" FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc mang tâm lý thận trọng, chỉn chu trong từng bước đầu tư, ông Toàn cho hay, nhà đầu tư Mỹ có xu hướng triển khai các dự án đầu tư nhanh gọn, hiệu quả. Nếu có được niềm tin của họ, việc làm ăn và các quan hệ kinh tế khác sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, khi các doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ, vốn và sử dụng nguồn nhân lực Việt Nam để phát triển, cần phải đưa được các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị này. Hiện nay tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước trong ngành công nghiệp phụ trợ còn thấp.

"Chính sách phải tháo gỡ vấn đề đó", ông Toàn bày tỏ. Doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm 70-80% của cả nước như hiện cũng tốt nếu trong trường hợp Việt Nam đóng góp 40% trong giá trị xuất khẩu của họ. Nhưng nếu doanh nghiệp Việt chỉ đóng góp 10% sẽ là một sự thất bại, theo ông Toàn. Cùng với đó, đào tạo nhân lực hoạt động được trong các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài sẽ triển khai là một trong những trọng tâm khác Việt Nam cần chú trọng.

TS Võ Trí Thành cũng cho rằng khi có sự tham gia của các doanh nghiệp FDI lớn, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng là một yếu tố quan trọng.

Không chỉ đầu tư các dự án công nghệ cao, một loạt "đại gia" khác trong ngành bán lẻ, sản xuất cũng mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mới đây, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Masaki Suzuki, Chủ tịch Công ty Dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản), cho biết đang tìm kiếm các cơ hội để mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam thông qua mua lại các công ty tài chính của nước ngoài, hoặc các công ty tài chính có cổ phần Nhà nước.

Phía Aeon cũng tiết lộ kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Trước đây, Aeon dự định mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Tập đoàn khí công nghiệp và y tế Air Liquide (Pháp) cho biết kế hoạch mở rộng tổng đâu tư gấp đôi hiện nay trong thời gian tới.


Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên