Chuẩn bị lên sàn Upcom, mảng kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn nhất của “đại gia” nông nghiệp Lộc Trời đang lao dốc
Trong năm vừa qua, biên lãi gộp mảng giống cây trồng của Lộc Trời bất ngờ giảm mạnh xuống còn 14%, con số thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành và cũng thấp hơn so với chính Lộc Trời trong những năm trước.
- 17-02-20174 “bom tấn” có thể lên sàn chứng khoán trong năm 2017
- 17-06-2016Không phải phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, đây mới thực sự là mảng kinh doanh lãi nhất trong chuỗi nông nghiệp
- 06-06-2016VinaCapital đã “chốt lời” đúng đỉnh trong thương vụ Lộc Trời?
- 06-06-2016Công ty lãi to nhất nhì ngành nông nghiệp mất đi đáng kể "sức mạnh" vì lao theo cơn sốt này
Giống cây trồng là đầu vào quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành này được đánh giá có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tại Việt Nam hiện có khoảng 260 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng tuy nhiên phần lớn đều có quy mô khá bé và chủ yếu là các công ty thương mại, nhập khẩu giống.
Các doanh nghiệp trong nước thực hiện hoạt động nghiên cứu giống chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi rào cản về trình độ khoa học công nghệ và vốn. Một vài tên tuổi lớn trong ngành như Vinaseed (NSC), Giống cây trồng miền Nam (SSC), TCT Giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình seed) hay tập đoàn Lộc Trời hiện đang thực hiện đồng thời cả nghiên cứu và phân phối giống.
Trong đó, Vinaseed, Thái Bình seed là các doanh nghiệp có thị phần lớn ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ; SSC (công ty con của Vinaseed) và Lộc Trời là các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn phía Nam. Loại giống mà các doanh nghiệp cung cấp là khá đa dạng nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là lúa và ngô.
Elnino và xâm nhập mặn ảnh hưởng tiêu cực tới ngành giống phía nam
Những năm qua, việc bà con nông dân ngày càng tăng tỷ trọng sử dụng hạt giống thay vì dùng giống của mùa vụ cũ đã giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành giống cây trồng tăng trưởng ổn định.
Tuy vậy, ảnh hưởng của Elnino trong giai đoạn 2015 – 2016 đã khiến hạn hán kéo dài và sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong năm 2016, tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam bộ được đánh giá nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua càng khiến ngành nông nghiệp (phía nam) ảnh hưởng trầm trọng, kéo theo sự sụt giảm KQKD của các doanh nghiệp giống cây trồng.
Trong năm 2015, doanh thu thuần mảng kinh doanh giống cây trồng của tập đoàn Lộc Trời chỉ còn 685 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước đó. Đến năm 2016, doanh thu mảng này tiếp tục sụt giảm 17% chỉ còn 568 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu SSC trong năm 2015 cũng giảm 15% xuống 522 tỷ đồng. Đến năm 2016, doanh thu của “đại gia” ngành giống cây trồng phía nam này tiếp tục tụt xuống 444 tỷ đồng.
Ngược lại, Vinaseed vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực và năm 2016 vừa qua, doanh nghiệp này đã đạt doanh thu kỷ lục 1.331 tỷ đồng.
Quy mô của Vinaseed tăng đột biến từ năm 2015 do tiến hành hợp nhất với SSC
Sự khác biệt về doanh thu giữa Vinaseed với 2 doanh nghiệp phía nam là Lộc Trời và NSC đã cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dù rằng “miếng bánh” thị phần ngành giống cây trồng còn rất rộng lớn.
Doanh thu sụt giảm đã kéo theo lãi gộp của Lộc Trời và SSC cũng giảm đáng kể. Theo đó, lãi gộp mảng giống cây trồng của Lộc Trời trong năm 2016 chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 60%; SSC đạt 131 tỷ đồng, giảm 17%. Còn với Vinaseed, doanh thu tăng mạnh đã giúp doanh nghiệp này ghi nhận con số lãi gộp kỷ lục 499 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.
Tỷ suất sinh lợi mảng giống cây trồng Lộc Trời đột ngột lao dốc
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động kinh doanh giống cây trồng được đánh giá đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các mảng kinh doanh lúa gạo, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…Theo thống kê, biên lãi gộp các doanh nghiệp top đầu như Vinaseed, SSC, Lộc Trời, Thái Bình Seed thường duy trì ổn định từ 30% - 40%, điều này có nghĩa bán giống được 10 đồng thì doanh nghiệp có lãi tới 3 – 4 đồng.
Tuy nhiên, trong năm vừa qua, biên lãi gộp mảng giống cây trồng của Lộc Trời bất ngờ giảm mạnh xuống còn 14%, con số thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành và cũng thấp hơn so với chính Lộc Trời trong những năm trước. Đây là điều khá khó hiểu khi SSC vẫn duy trì ổn định tỷ suất lãi gộp 30% dù cũng ở trong hoàn cảnh tương tự Lộc Trời.
Lại trông chờ vào lĩnh vực truyền thống: Thuốc bảo vệ thực vật
Lâu nay, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Lộc Trời vẫn đến từ lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật - lĩnh vực mà công ty từ lâu đã dẫn đầu với thị phần bỏ khá xa so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tên gọi Lộc Trời mới chỉ được đổi cách đây vài năm - thay cho tên gọi cũ là Bảo vệ thực vật An Giang - khi công ty đẩy mạnh đầu tư vào kinh doanh hạt giống và lương thực.
Những lĩnh vực này từng đóng góp đáng kể vào doanh thu cũng như lợi nhuận của giai đoạn 2014-2015. Tuy nhiên, 2 lĩnh vực mới này ngày một "teo tóp" khiến cho Lộc Trời vẫn phải trông chờ vào lĩnh vực truyền thống của mình để tìm kiếm tăng trưởng.
Trí Thức Trẻ