Chuẩn bị xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, đây là dự án quan trọng quốc gia, vì vậy cần thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Mục tiêu chính và yêu cầu đối với Dự án là hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, qua 20 tỉnh, thành phố; kết nối các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, cảng biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội những khu vực có đường cao tốc chạy qua nói riêng và cả đất nước nói chung; giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến Quốc lộ 1; phù hợp với nguồn lực của đất nước, định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.
Về phương án đầu tư, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tư vấn hoàn thiện 2 phương án (nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết định trước khi trình Quốc hội. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước dành chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và một phần cho đầu tư, phần còn lại (khoảng 70% tổng mức đầu tư) huy động từ nguồn xã hội hóa.
Để bảo đảm tiến độ triển khai Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Dự án theo quy định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành theo quy định, mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm về kinh tế, kỹ thuật.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tư vấn chủ động lập các dự án đầu tư thành phần để triển khai xây dựng ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế huy động vốn đầu tư xã hội hóa, trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt theo thẩm quyền.
Tiền phong