Chứng chỉ tiền gửi: Lãi cao trên 9% nhưng có phải kênh đầu tư hấp dẫn?
Chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao lên tới trên 9%/năm mà các ngân hàng quảng cáo đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, sự thật lãi suất có hấp dẫn như lời quảng cáo hay người gửi tiền cần biết điều gì trước khi đặt bút kí hợp đồng mua chứng chỉ tiền gửi?
- 08-05-2019Giải mã cơn sốt lãi suất chứng chỉ tiền gửi “ngất ngưởng” 9%/năm
- 06-05-2019Đã có ngân hàng đẩy lãi suất chứng chỉ tiền gửi vượt mốc 9%/năm
- 03-05-2019SHB Finance phát hành thành công chứng chỉ tiền gửi đợt 3 và công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/ 2019
Trước hết cần xác định có ba loại chứng chỉ tiền gửi. Đó là Chứng chỉ tiền gửi ghi danh (có ghi tên người sở hữu), Chứng chỉ tiền gửi vô danh (không ghi tên người sở hữu và thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi) và Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ (Là loại chứng chỉ tiền gửi không thể chuyển nhượng, được bán theo mệnh giá và trả lãi vào ngày đáo hạn).
Tính thanh khoản yếu hơn so với gửi tiết kiệm
Trao đổi với PV báo Lao Động, TS. LS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight cho biết: “Khi có nhu cầu vốn đột xuất, khách hàng không dễ gì huỷ ngang hợp đồng đã kí khi mua chứng chỉ tiền gửi ghi danh. Khách hàng sẽ phải chiết khấu hợp đồng hoặc thế chấp vay vốn lại và chấp nhận sẽ mất tiền chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất ghi trên hợp đồng.
Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight
Đối với trường hợp chứng chỉ tiền gửi vô danh thì việc bán lại cũng không dễ dàng. Nếu trong trường hợp không có người mua thì chỉ còn cách bán lại cho ngân hàng và mất phí chiết khấu. Tương tự với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi ghi sổ”.
Nếu so sánh thì hình thức gửi tiết kiệm vẫn là kênh có tính thanh khoản cao. Khách hàng có thể rút tiền khi đến hạn và cũng có thể rút trước hạn nhưng phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp.
Cẩn trọng với quảng cáo về lãi suất cao
"Mặc dù mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi rất hấp dẫn, tuy nhiên, khách hàng cần tính toán thận trọng bởi lãi suất cao mà một số ngân hàng đưa ra chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên như một hình thức khuyến mãi.
Các năm sau áp dụng lãi suất linh hoạt, thông thường tính theo lãi suất huy động bình quân của 4 NHTM nhà nước, cộng biên độ. Như vậy cũng chỉ ở mức bình quân trên thị trường huy động vốn, vì hiện nay lãi suất huy động của các NHTM nhà nước thường thấp hơn 1,5-2% so với các NHTM nhỏ", TS.LS Bùi Quang Tín nói.
Theo TS.LS Bùi Quang Tín, đối với các chứng chỉ tiền gửi kì ngắn hạn, ngân hàng thường xác định trước được đối tượng sẽ mua chứng chỉ tiền gửi này.
Ví dụ: doanh nghiệp A gửi 500 tỉ đồng ở kì hạn 6 tháng. Tuy nhiên, theo quy định của NHNN, trần lãi suất huy động vốn không được phép quá 5,5% đối với các kì hạn dưới 6 tháng. Vì vậy sản phẩm chứng chỉ tiền gửi là một cách “lách luật” hợp pháp để đưa ra mức lãi suất ưu đãi hấp dẫn hơn cho khách hàng tiềm năng.
Đối với các kì hạn gửi tiền dài, chứng chỉ tiền gửi giúp một số các ngân hàng có nhu cầu tái cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định NHNN”.
Mỗi kênh đầu tư đều có ưu nhược điểm khác nhau, vậy nên chọn kênh nào thì khách hàng cũng phải cân nhắc thật kỹ dựa trên lãi suất, kì hạn, tính thanh khoản để chọn kênh đầu tư và ngân hàng nào cho tốt nhất.
VietABank niêm yết mức lãi suất cuối kì lên tới 9,1% cho kỳ hạn 24 tháng.
SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất đến 8,9%/năm. Cá nhân mua chứng chỉ từ 2 tỉ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng được hưởng lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm.
MSB phát hành chứng chỉ tiền gửi liên kết lợi suất đầu tư trái phiếu chính phủ. Theo đó, lãi suất của chứng chỉ này có thể cao hơn tới 30% so với lãi suất sản phẩm tiết kiệm thông thường.
Từ ngày 19.2.2019 đến 31.3.2019, BIDV triển khai chương trình Chứng chỉ tiền gửi ghi danh trung dài hạn 2019 với lãi suất 7,6%/năm với 2 hình thức lãi suất cố định và lãi suất thả nổi ở kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Lao động