MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chung cư cao cấp giữa Thủ đô 10 năm nơm nớp lo ‘bà hỏa’

16-08-2016 - 09:14 AM | Bất động sản

Không chỉ ở những chung cư giá rẻ ngay ở chung cư cao cấp với vị thế đắc địa giữa Thủ đô người dân cũng đang phải “đánh cược” mạng sống của chính mình cho “bà hỏa”. Đó là thực tế đang diễn ra tại chung cư 15 - 17 Ngọc Khánh (Ba Đình).

Chưa nghiệm thu PCCC vẫn ngang nhiên đưa dân vào ở

Cảnh sát PCCC TP Hà Nội vừa công bố danh sách 38 công trình nhà ở cao tầng trên địa bàn không đảm bảo điều kiện PCCC. Trong đó, chung cư 15-17 Ngọc Khánh (Ba Đình) dù là chung cư cao cấp với vị thế đắc địa ngay giữa trung tâm Thủ đô, đã đi vào hoạt động được gần 10 năm cũng có tên trong danh sách “đen” này.

Chung cư 15-17 Ngọc Khánh gồm 4 tầng thương mại và gần 200 căn hộ do Công ty Thương mại và Du lịch tổng hợp Thăng Long GTC (Thăng Long GTC) làm chủ đầu tư. Năm 2007, Thăng Long GTC bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay dù đã đi vào hoạt độn gần 10 năm nhưng hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn phải “đánh cược” tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình cho “bà hỏa”.


Hộp cứu hỏa trống không có dụng cụ. (Ảnh chụp ngày 11/8)

Hộp cứu hỏa trống không có dụng cụ. (Ảnh chụp ngày 11/8)

Đại diện cư dân tại đây cho biết, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư về vấn đề này nhưng phía Thăng Long GTC không có ý kiến trả lời. “Thỉnh thoảng vẫn thấy công an PCCC xuống kiểm tra nhưng không thông báo gì với dân. Đáng ra những lần kiểm tra phải báo cho cư dân biết có an toàn hay không nhưng dân không được báo gì” – vị này nói.


Nhiều cửa vào thang bộ bị hỏng cơ cấu tự động đóng kín. (Ảnh chụp ngày 11/8).

Nhiều cửa vào thang bộ bị hỏng cơ cấu tự động đóng kín. (Ảnh chụp ngày 11/8).

Đã chuyển về đây sinh sống gần 5 năm một cư dân phản ánh việc tập huấn hướng dẫn PCCC trên phường thì có nhưng tại chung cư thì không có. Cửa thoát hiểm ở đây cũng hỏng nhiều. Có những hộp cứu hỏa không có dụng cụ hoặc có cũng chỉ để cho có. Hệ thống báo cháy tự động nhiều khi gần như không hoạt động. Đốt khói cũng không thấy tín hiệu gì. Ngoài hệ cửa thoát hiểm cũng không đảm bảo.


Khu vực hành lang thoát hiểm được “trưng dụng”.(Ảnh chụp ngày 11/8).

Khu vực hành lang thoát hiểm được “trưng dụng”.(Ảnh chụp ngày 11/8).

“Lo lắng thì đương nhiên rồi. Hệ thống PCCC ở đây có cảm giác không có tác dụng. Nếu xảy ra cháy cũng gần như không có tín hiệu. Cái này các đồng chí bên PCCC khu vực cũng biết rồi đang tìm cách khắc phục. Dân cũng chỉ biết thế thôi” – người dân bày tỏ lo lắng.


Đồ để chèn ngay cửa thoát hiểm. (Ảnh chụp ngày 11/8).

Đồ để chèn ngay cửa thoát hiểm. (Ảnh chụp ngày 11/8).

Sống ở chung cư cao cấp giữa trung tâm thủ đô, bỏ ra hàng tỷ đồng mua căn hộ nhưng lại không được đảm bảo về an toàn PCCC. Tại sao công trình chưa đủ điều kiện vẫn bàn giao cho người dân vào ở? Thậm chí đã hoạt động trong suốt gần 10 năm hệ thống PCCC vẫn chưa được hoàn thiện đảm bảo an toàn. Cũng theo phản ánh của đại diện cư dân đến nay tòa nhà 15 – 17 Ngọc Khánh chưa thành lập được ban quản trị.

Ai chịu trách nhiệm?

Liên quan đến vấn đề PCCC tại tòa nhà, theo tìm hiểu cơ quan cảnh sát PCCC đã nhiều lần tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về PCCC và đã xử phạt hành chính chủ đầu tư rất nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục lỗi vi phạm. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 qua các lần kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính về PCCC tổng cộng 6 lượt vi phạm với tổng số tiền 11.450.000 đồng. Trong đó, xử phạt hành vi vi phạm không nghiệm thu về PCCC đã đưa công trình vào sử dụng theo Nghị định 123/2005/NĐ-CP với số tiền 7.500.000 đồng.

Một công trình được gắn mác cao cấp đã đi vào hoạt động gần 10 năm nhưng hệ thống PCCC vẫn đang ở mức “báo động” khiến người dân lo lắng, bức xúc. Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề này với Chủ tịch UBND phường Giảng Võ ông Đỗ Viết Bình lại cho rằng chung cư 15-17 Ngọc Khánh là chung cư cao cấp được đi vào sử dụng từ lâu nên không thể có chuyện chưa nghiệm thu PCCC hay không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.

Trên thực tế, nhiều công trình dù đã bị lập biên bản hành chính xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn “nhờn luật”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, do mức độ đời sống của người dân Việt Nam quá thiếu thốn về nhà cửa nên khi có căn nhà mới được hoàn thiện là họ muốn vào ở ngay. Họ có thể biết hệ thống này, hệ thống kia chưa hoàn thiện nhưng có thể tặc lưỡi cứ vào ở trước.

Công trình xây dựng ngay trong thiết kế ban đầu khi thiết kế được duyệt trong đó có cả hệ thống PCCC. Đó là tính an toàn phải đảm bảo cho người dân. Và ngay cả trong tất cả chi phí bán nhà đã tính cả đến việc đảm bảo an toàn về các hệ thống rồi. Về việc PCCC đã có luật PCCC cũng có quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Người nào không thực hiện đúng thì phải chịu trách nhiệm. Không thể để người dân chịu thiệt thòi như vậy được” – ông Hùng nói.

Tiếp thu, giải trình tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều ngày 2/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh câu chuyện PCCC.

Chủ tịch nói: “Nhưng dư âm đâu đó người ta đang nói câu chuyện liệu Cảnh sát phòng cháy có sân sau không? Có người thân quen vào bán thiết bị cho nên đến lúc các chủ doanh nghiệp chây ỳ ra anh không nói được hay không?”.

Chủ tịch đề nghị Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, kiểm tra lại thông tin cử tri đã nêu với Ban cán sự Ủy ban và nêu với lãnh đạo thành phố có hay không.

Ông Chung cũng nhấn mạnh, TP sẽ quyết liệt trên tinh thần nếu các doanh nghiệp không thực hiện sẽ ra thông báo cho khắc phục, không khắc phục sẽ cưỡng chế bằng các hình thức giống như 8B Lê Trực, đó là TP bỏ tiền thuê công ty khắc phục, sau đó doanh nghiệp phải bỏ tiền.

"Nếu không áp dụng cưỡng chế, chắc chắn TP sẽ áp dụng 1 biện pháp trong tay mình là không phê duyệt các dự án tiếp theo", ông Chung nhấn mạnh.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Theo Hồng Khanh

Vietnamnet

Trở lên trên