Chung cư rao bán 3,9 tỷ, môi giới giục khách chốt nhanh vì ngày mai có thể tăng lên 4,1 tỷ đồng
Trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin về giá bất động sản như hiện nay, người mua nhà nên tỉnh táo và tìm hiểu kỹ thông tin về lịch sử tăng giá, tránh rơi vào chiêu trò thổi giá.
Giá nhà liên tục tăng cao bất thường
Anh Dũng (42 tuổi) đang sinh sống tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cảm thấy chưa bao giờ giá nhà ở Hà Nội tăng bất chấp như hiện tại.
Đi tìm mua nhà từ cuối năm 2023 với tài chính trong tay tầm 5 tỷ đồng, lúc đầu anh Dũng tự tin có thể tìm được một căn nhà đất trong trung tâm Hà Nội. Thế nhưng khi tìm được được căn ưng ý muốn vào đặt cọc thì chủ nhà liền thay đổi ý định, không bán nữa. Những căn nhà hỏi sau giá lại càng leo thang hơn giá trước.
Sang năm 2024, giá nhà đất càng tăng cao. Nhiều căn nhà trong ngõ có diện tích 30-40m2 (bán kính cách trung tâm Hà Nội 5-6km) mức giá từ 4,5 - 5,1 tỷ đồng vào năm ngoái, thì đến nay đã lên tới 7-8 tỷ đồng. Vượt ngoài nguồn tài chính, anh Dũng quyết định chuyển hướng sang tìm mua căn hộ chung cư. Tuy nhiên, ngay sau đó anh cũng không khỏi giật mình khi chứng kiến mức tăng đột biến của loại hình này.
Anh có hỏi thăm một căn chung cư 62 m2 trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, ban đầu được chủ nhà rao bán với giá 3,7 tỷ đồng. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, anh hỏi lại thì giá đã lên 3,9 tỷ đồng. Thậm chí, môi giới còn "giục" anh chốt mua nhanh, vì ngày mai có thể giá tăng lên 4,1 tỷ đồng với lý do đường chuẩn bị mở rộng.
"Có những trường hợp, cùng một căn hộ, tôi hỏi thăm môi giới này báo với giá A, nhưng hỏi sang môi giới khác lại là giá A cộng với vài chục đến vài trăm triệu đồng. Rõ ràng họ đang tự thiết lập giá mới rất nhanh, không theo bất cứ một quy luật tăng trưởng nào", anh Dũng kể lại.
Không ít người rơi vào tình cảnh như anh Dũng, đã và đang “ngồi trên đống lửa”, lo lắng trước đà tăng giá “phi mã” này. Vì vậy, xuất hiện tâm lý sợ giá tăng, sợ bỏ lỡ càng khiến họ đẩy nhanh quyết định xuống tiền hơn.
Như trường hợp của chị Hiền, cách đây không lâu vừa mạnh dạn vay thêm 1 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư tại quận Nam Từ Liêm với giá 2,5 tỷ đồng. Dù biết giá đã cao nhưng cứ cách ngày hỏi, giá lại tăng lên cả hàng chục triệu đồng.
"Nếu không quyết định mua nhanh, có lẽ bây giờ tôi phải bỏ ra gần 2,6 tỷ đồng mới mua được căn hộ đang ở", chị Hiền chia sẻ.
Cần tỉnh táo trước những chiêu trò thổi giá
Theo giới chuyên gia, giá nhà tăng cao được cho rằng do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng lớn.
Như ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng thẳng thắn nhận xét rằng, giai đoạn vừa qua giá chung cư đã tăng bất thường, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.
"Hiện tượng này chắc chắn có sự tác động từ nhóm lợi ích trong khi bối cảnh kinh tế, thị trường cũng như thu nhập của người dân chưa hồi phục. Giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng", ông Đính cho biết.
Ông Đính diễn giải thêm, những nhóm lợi ích này lợi dụng tình trạng nguồn cung căn hộ chung cư khan hiếm để thực hiện được các chiêu trò thổi giá. Trên thực tế, trong vài năm gần đây không có hoặc rất ít dự án mới được phê duyệt cấp phép đầu tư tại Hà Nội. Các dự án trên thị trường chủ yếu là dự án cũ và được mua đi bán lại. Nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng, cấu trúc sản phẩm không phù hợp.
Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo người mua nhà cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh mất thêm tiền.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, để mua nhà không bị hớ thì nên chủ động khảo sát và so sánh giá nhà với các căn hộ tương tự ở cùng dự án, cùng khu vực, cùng phân khúc. Nếu thấy mức giá chênh quá cao so với giá môi giới đưa ra thì cần cân nhắc trả giá hoặc tìm đến chủ nhà.
Dù vậy, liên quan tới thực trạng môi giới ăn “chênh lệch” quá nhiều, vị chuyên gia này nhận định, không hiếm môi giới hiện nay dùng chiêu trò “lướt sóng” để ăn lợi nhuận bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà sau đó rao bán lại, khi có khách mua thì họ sang tay ngay để ăn chênh lệch.
Nhưng mức chênh lệch ấy cần phù hợp, không nên quá cao so với thị trường, khiến người mua mất dần lòng tin. Do đó, người mua nhà cần tỉnh táo trước các chiêu trò làm nhiễu giá của môi giới, ông Điệp khuyến cáo.
Nhịp Sống Thị Trường