MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán biến động, hầu hết các tổ chức lớn thua lỗ trong tháng 4, Passion Investment ngược dòng tăng trưởng nhờ nắm giữ tiền

Chứng khoán biến động, hầu hết các tổ chức lớn thua lỗ trong tháng 4, Passion Investment ngược dòng tăng trưởng nhờ nắm giữ tiền

Passion Investment do ông Lã Giang Trung sáng lập bất ngờ ghi nhận hiệu suất danh mục dương 0,3% trong tháng 4. Nhiều khả năng Passion Investment đánh giá rủi ro của nhịp điều chỉnh trong tháng 4 nên đã giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng nắm giữ tiền, điều này giúp hiệu suất vượt trội so với thị trường chung.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tháng 4 khá thuận lợi và chỉ số VN-Index thậm chí đã trở về vùng đỉnh lịch sử 1.530 điểm. Tuy vậy, những lo ngại về việc FED tăng lãi suất, xung đột Nga – Ukraine leo thang hay những vụ bắt giữ, khởi tố lãnh đạo một số doanh nghiệp sai phạm phần nào khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn và chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm mạnh, thậm chí có lúc "thủng" mốc 1.300 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 29/4, chỉ số VN-Index dừng tại mốc 1.366,8 điểm, tương ứng giảm 8,4% so với tháng trước và giảm 8,8% so với đầu năm. Mức sụt giảm có phần bất ngờ trong tháng 4 khiến cho phần lớn nhà đầu tư trên thị trường đánh mất thành quả từ đầu năm, thậm chí thua lỗ.

Ngay cả những tổ chức, quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng không ngoại lệ khi phần lớn các tên tuổi đều có hiệu suất đầu tư kém thuyết phục trong tháng 4 cũng như 4 tháng đầu năm 2022. Đây cũng là điều không quá bất ngờ khi các tổ chức lớn thường nắm giữ danh mục dài hạn nên khó tránh khỏi những biến động của thị trường.

Thống kê các tổ chức đầu tư lớn trên thị trường Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận hiệu suất âm từ 5-10% trong tháng 4. Trong đó, Pyn Elite Fund có hiệu suất "tệ" nhất trong các tổ chức được chúng tôi thống kê khi NAV/Shares âm hơn 10%.

Chứng khoán biến động, hầu hết các tổ chức lớn thua lỗ trong tháng 4, Passion Investment ngược dòng tăng trưởng nhờ nắm giữ tiền - Ảnh 1.

Passion Investment chiến tháng thị trường trong tháng 4 nhờ gia tăng nắm giữ tiền mặt

Quỹ ngoại có quy mô nhất thị trường Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý với danh mục 2,5 tỷ USD cũng không ngoại lệ khi hiệu suất đầu tư trong tháng 4 ghi nhận mức âm 7%. Tương tự, VOF VinaCapital cũng ghi nhận hiệu suất danh mục âm 6,6% trong tháng qua.

Ngay cả DCVFM VNDiamond ETF với danh mục gồm các cổ phiếu "kim cương" vốn có thành tích vượt trội thị trường trong nhiều năm qua cũng không ngoại lệ với hiệu suất danh mục âm 4,73% trong tháng 4.

Trong khi đó, Passion Investment do ông Lã Giang Trung sáng lập bất ngờ ghi nhận hiệu suất danh mục dương 0,3% trong tháng 4. Nhiều khả năng Passion Investment đánh giá rủi ro của nhịp điều chỉnh trong tháng 4 nên đã giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng nắm giữ tiền, điều này giúp hiệu suất vượt trội so với thị trường chung.

Dù vậy, xét trong 4 tháng đầu năm, hiệu suất đầu tư của Passion Investment vẫn ghi nhận mức âm 8,81% do thành tích không quá tích cực trong quý 1.

Bộ đôi quỹ ETF ngoại là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF tiếp tục có thành tích kém khả quan trong 4 tháng đầu năm với hiệu suất lần lượt lâm 19,48% và 15,32%, đây cũng là hai tổ chức có biến động "tệ" nhất từ đầu năm trong danh sách thống kê của chúng tôi.

Có thành tích tốt nhất trong 4 tháng đầu năm là DCVFM VNDiamond ETF khi ghi nhận hiệu suất dương 1,2%, đây cũng là quỹ hiếm hoi chiến thắng thị trường và có hiệu suất dương từ đầu năm. Việc nắm giữ nhiều Bluechips tăng trưởng tốt như FPT, MWG, PNJ, REE, MBB…đã mang lại thành tích tốt cho quỹ.

Chứng khoán biến động, hầu hết các tổ chức lớn thua lỗ trong tháng 4, Passion Investment ngược dòng tăng trưởng nhờ nắm giữ tiền - Ảnh 2.

DCVFM VNDiamond ETF vẫn là quỹ có hiệu suất tốt nhất từ đầu năm 2022

Năm 2020 và 2021, thị trường thuận lợi đã giúp phần lớn nhà đầu tư cũng như tổ chức hân hoan trong chiến thắng. Tuy vậy, những biến động mạnh trong năm 2022 có thể khiến các tổ chức khó khăn hơn trong việc ra quyết định đầu tư.

Mới đây, Công ty chứng khoán KB (KBSV) đã hạ dự báo triển vọng VN-Index cuối năm 2022 từ 1.760 điểm đưa ra trong báo cáo chiến lược 2022 xuống 1.680 điểm. CTCK này cũng hạ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX xuống 15,1% từ mức 15,7% đồng thời điều chỉnh giảm mức P/E mục tiêu 2022 của thị trường xuống 16,5 lần từ mức 17,5 lần đưa ra trong báo cáo chiến lược 2022.

KBSV cho rằng các yếu tố rủi ro bất định có phần chiếm ưu thế liên quan đến xu hướng lạm phát, lãi suất, xung đột Nga – Ukraine và động thái tăng lãi suất của FED tại kỳ họp tháng 5, tháng 6…, trong khi các yếu tố hỗ trợ về mặt cơ bản tác động chưa đủ mạnh. KBSV đánh giá thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét, dòng tiền quay vòng và tìm đến nhóm ngành được hưởng lợi từ các điều kiện vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận cao.

Tương tự, KIM Việt Nam cũng cho rằng thị trường chứng khoán trong 3 quý còn lại của năm 2022 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp. Dù vậy theo quỹ ngoại này, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng dài hạn bất chấp những biến động trong ngắn hạn.

Trong khi đó, CTCK VNDirect mới đây cho rằng việc thị trường sụt giảm mạnh đã đưa mặt bằng P/E 12 tháng về mức 14.x, đây là mức định giá rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao. VNDirect tin rằng những nỗ lực gần đây của các cơ quan quản lý trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán sẽ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và đóng góp cho sự phát triển bền vững của thị trường.

https://cafef.vn/chung-khoan-bien-dong-hau-het-cac-to-chuc-lon-thua-lo-trong-thang-4-passion-investment-nguoc-dong-tang-truong-nho-nam-giu-tien-20220503214027372.chn

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên