MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán cuối năm: Trầm buồn chờ kết quả kinh doanh quý 3

Chứng khoán cuối năm: Trầm buồn chờ kết quả kinh doanh quý 3

Lãi suất tiết kiệm chạm đáy nhưng dòng tiền trên thị trường chứng khoán lại chuyển trạng thái thận trọng. Thanh khoản duy trì mức thấp trong bối cảnh nhà đầu tư “ngóng” kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3. Trong khi VN Index được dự báo trở lại kiểm định ở vùng 1050 điểm.

Dòng tiền thận trọng

Bước vào mùa báo cáo tài chính quý 3, các doanh nghiệp niêm yết dần hé lộ lợi nhuận, tiếp tục ghi nhận sự phân hoá. Công ty chứng khoán đầu tiên công bố lợi nhuận, ghi nhận tăng trưởng 25%; Chứng khoán MBS đạt doanh thu 539 tỷ đồng, trong đó mảng môi giới đóng góp nhiều nhất (214 tỷ đồng). Hai doanh nghiệp cao su là Công ty Cổ phần (CTCP) Cao su Bà Rịa (BRR) và CTCP Cao su Tân Biên (RTB) báo lãi tăng trưởng trên 200%. Ba doanh nghiệp này có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong số những cái tên đã công bố lợi nhuận. Còn lại, KQKD tương đối phân hoá, chưa khả quan. CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) lỗ trước thuế hơn 57 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB) báo lợi nhuận trước thuế 77 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm 2022.

Chứng khoán cuối năm: Trầm buồn chờ kết quả kinh doanh quý 3 - Ảnh 1.

Thanh khoản duy trì mức thấp trong bối cảnh nhà đầu tư “ngóng” KQKD quý 3. Ảnh: Như Ý

Thị trường chứng khoán vẫn đang chờ KQKD quý 3. Dòng tiền thận trọng, thanh khoản bắt đầu sụt giảm đáng kể, đặc biệt sau phiên điều chỉnh mạnh ngày 18/8 và đầu tháng 9. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta cho rằng, một trong những yếu tố tác động đến thanh khoản là việc doanh nghiệp bắt đầu bước vào mùa công bố KQKD. Trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư kỳ vọng chi phí vốn của doanh nghiệp có thể giảm, nhờ vào việc hạ nhiệt của đồng USD, các ngân hàng trung ương sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại và lãi suất cho vay thực tế của các ngân hàng thương mại sẽ giảm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, rõ ràng những kỳ vọng này đã không còn nữa.

“Trong ngắn hạn, khả năng cao chi phí vốn khó có thể hạ. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào một câu chuyện khác để bù đắp cho chi phí vốn cao, là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp quay trở lại. Theo đó, chúng ta vẫn phải chờ KQKD quý 3 này để quyết định nhóm ngành nào có thể phân bổ trong thời gian tới”, ông Minh chỉ ra.

Ít ngành tăng trưởng lợi nhuận

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích, Chứng khoán SSI nhận định, nửa cuối năm nay, số ngành có tăng trưởng lợi nhuận không nhiều. Nền kinh tế trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến KQKD của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành được kỳ vọng tăng trưởng dương, như thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ.

"Triển vọng thị trường vào cuối năm nay và năm 2024 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng về lãi suất (chi phí vốn) và sự phục hồi của doanh nghiệp. Xu hướng giảm lãi suất đã đi đến giai đoạn cuối và gần như không thể giảm hơn. Do đó, thị trường chứng khoán có thể phải phụ thuộc vào câu chuyện lợi nhuận" Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup


“Về nhóm chứng khoán, thanh khoản thị trường quý 3 tăng 50% so với trung bình năm ngoái, giúp tăng lợi nhuận từ các mảng như môi giới, cho vay. Nhóm thép có nền so sánh thấp, khi doanh nghiệp hầu như ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong năm 2022. Với nhóm dầu khí, giá dầu đã phục hồi tốt trong nửa cuối năm nay. Thời gian tới, các tổ chức lớn dự báo giá dầu có thể về quanh vùng 90 USD/thùng do nhu cầu phục hồi và chính sách cắt giảm của Nga và OPEC+ vẫn còn. Ngoài ra, những xung đột gần đây sẽ là yếu tố có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn”, ông Châu phân tích.

SSI vừa ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2023 của 33 công ty trong phạm vi nghiên cứu, trong đó 19 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 14 công ty sụt giảm. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) được dự báo có sự bứt phá mạnh, với ước tính lợi nhuận ròng đạt 2.100 tỷ đồng, tăng khoảng 60% so với quý trước và phục hồi đáng kể so với mức lỗ 1.800 tỷ đồng trong quý 3/2022. Tăng trưởng mạnh còn có hai doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí là Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX). Các doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ là Viglacera (83%), Viettel Post (70%), Sacombank (57-63%)...

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect cho rằng, yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới là mùa báo cáo KQKD quý 3 với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn. Ông Hinh khuyến nghị nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm, nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng KQKD chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng).

Theo Việt Linh

Tiền Phong

Từ Khóa:
Trở lên trên