Chứng khoán giảm miệt mài khiến nhà đầu tư "nguội lạnh", các chuyên gia nói gì?
Thị trường chứng khoán đang bước vào xu hướng giảm mạnh và chưa có dấu hiệu khả quan khiến các nhà đầu tư hoang mang, "nguội lạnh". Câu hỏi lớn đặt ra: tại sao chỉ số lại giảm sâu quá mức và phải chăng có yếu tố xấu tiềm ẩn nào đó?
Trên góc nhìn chuyên gia, tại Talkshow "Chọn danh mục" do Báo đầu tư tổ chức mới đây, ông Đào Phúc Tường, Guru Đầu bạc, Chuyên gia chứng khoán, cho biết: "Thị trường giảm trong 3 tuần qua là bất ngờ với nhiều nhà đầu tư, bắt nguồn từ 2 câu chuyện là sự kiện FLC và sự kiện Tân Hoàng Minh.
Nhưng, trong giới anh em chứng khoán thì không có gì mới, bản thân các cơ quan quản lý cũng đã đề cập phải lành mạnh hoá thị trường trước đó".
Thị trường với lượng lớn F0 sẽ tạo thế hành động bầy đàn, kéo chỉ số giảm sâu
Thực tế, trước khi có vụ hủy lô trái phiếu liên quan Tân Hoàng Minh, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cũng đã xử lý huỷ phát hành trái phiếu của một công ty khác, dù quy mô nhỏ hơn. Với nhà đầu tư tinh ý, họ sẽ thấy được quyết tâm của cơ quan quản lý và có hành động nhất định với danh mục của mình.
"Tuy nhiên, tương tự nhiều thị trường mới nổi khác, thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, nhất là 2021 có nhiều nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm (nhà đầu tư F0) nên hành xử với danh mục của họ có những cái non kinh nghiệm nhất định, tạo hiệu ứng bầy đàn, chỉ cần một người bán thì có nhiều người bán theo", ông nhấn mạnh.
Khi xảy ra sự kiện FLC, nhiều người chỉ tính đến trong nhóm này, đến khi câu chuyện Tân Hoàng Minh xảy ra thì tuần đó TTCK chỉ giảm điểm đâu đó 1%. Sau đó, chắc cần nhiều thời gian hơn về tác động lan toả của các sự kiện này, đến tuần này thì giảm điểm đã mạnh hơn. Theo ông Tường, việc giảm điểm nhanh và mạnh trên nền margin khá cao.
Quy mô TTCK đúng là rất mở nhưng bản chất dòng tiền đã khác xưa
Ông Trần Hải Hà, CEO MBS.
Bổ sung, ông Trần Hải Hà, CEO MBS, cho biết đồng quan điểm nhưng có một chút khác.
"Cách đây 5 tháng, tôi có dự báo quý 1/2022 là đỉnh của 22 năm TTCK, thì thực tế diễn ra đúng thế, VN-Index đã trên 1.530 điểm.
Thứ hai là nhìn vào bản chất dòng tiền và hoạt động của các DNNY, và sự tham gia của nhà đầu tư có thể thấy quy mô thị trường hiện nay rất mở: 5 triệu tài khoản nhà đầu tư, trên 3 sàn có 1.500 doanh nghiệp (DN), nhưng thực tế thì chất lượng dòng tiền tham gia thị trường lúc này khác hẳn 2 năm trước".
Cái khác có thể quan sát ngay, đó là với quyết tâm chống dịch của Chính Phủ, thì Việt Nam dùng từ là đã chiến thắng Covid; đi cùng với đó dòng tiền quay lại sản xuất kinh doanh. Như vậy theo vị này, đâu đó dòng tiền chờ đợi cơ hội trên thị trường đang dần rút.
"Đây là vùng trũng, có thể tạo đáy, để nhà đầu tư được trấn an và đi tiếp"
Chưa kể, trong 2 năm qua, vai trò của nhà đầu tư cá nhân là chủ yếu khi ngoại liên tục bán ròng, và thanh khoản cao hiện nay (gấp 4 lần năm 2019). Do vậy sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân là chính yếu, và từ đó tâm lý đám đông cũng từ đối tượng này.
Với sự tham gia đông như vậy, mà tâm lý không chắc, trong sự hỗn loạn thông tin thì đâu đó có khủng hoảng, đã có 9/10 phiên giảm điểm. Tính tới hôm nay, VN-Index giảm hơn 200 điểm so với đỉnh (cũng gần tiến tới mức giảm hồi mới xuất hiện Covid).
"Có vẻ nhà đầu tư đã được trấn an, tôi quan sát trạng thái nhà đầu tư thể hiện qua trạng thái vay margin. MBS có lúc full margin, tới nay thì họ khôn ngoan, thông minh nên dư nợ đã giảm 500 tỷ so với đỉnh, họ cắt lỗ rất nhanh.
Nhưng may mắn ở thị trường chứng khoán Việt Nam và là yếu tố nền tảng mà chúng ta cần nhớ, đó là:
(i) các phiên trở lại đây khối ngoại mua ròng nhưng giao dịch ít đi;
(ii) với động thái xử lý của cơ quan quản lý thì những việc liên quan đến market maker, tạo thanh khoản của nhóm nào đó trên thị trường (mà ta chưa biết) thì có vẻ hiện nay là thanh khoản thật của thị trường.
Đây là vùng trũng, có thể tạo đáy, để nhà đầu tư được trấn an và đi tiếp", ông nói.
Vì sao cho rằng đỉnh thị trường vào quý 1/2022?
Còn trả lời "Vì sao cho rằng đỉnh thị trường vào quý 1/2022", ông Hà cho biết, cơ sở cho dự báo tạo đỉnh trong quý 1/2022 đến từ 3 yếu tố chính, gồm:
+ Nội tại vĩ mô và quyết tâm phòng chống dịch của Chính Phủ.
+ Đầu tháng 1 là giai đoạn chờ đợi KQKD năm 2021, trong đó chất lượng của nhóm VN30, đặc biệt các ngân hàng có lợi nhuận rất tốt, nhiều ngân hàng báo lãi cao lịch sử.
+ Và một chút cảm tính rằng thanh khoản quý 1 sẽ cao hơn quý 4, vì nhà đầu tư cần 1 giai đoạn chuyển tiếp sang trạng thái mới – đó là quay về sản xuất kinh doanh bình thường.
Dư nợ margin hiện khoảng 230.000 tỷ đồng, còn dư nợ ở các "kho" không chiếm tỷ lệ quá lớn trong giao dịch toàn thị trường
Mặt khác, nhận định quan điểm thị trường giảm có yếu tố giảm theo margin, trên góc độ là người điều hành CTCK cho rằng, ông Hà cho biết chất lượng và tầm vóc CTCK hiện nay khác xa nhiều so với khủng hoảng trước đây. Với sự hỗ trợ công nghệ, ý thức tuân thủ cao các quy định của cơ quan quản lý giúp các CTCK quản trị rủi ro tốt hơn xưa.
"Tại MBS và CTCK hàng đầu, trước những biến động của thị trường cũng luôn có các dự báo, kịch bản hành động và đi kèm đó là điều hành kinh doanh, nguồn vốn, margin để bảo quản tài sản công ty, cổ đông và nhà đầu tư", ông nói.
Còn trên góc độ thị trường, nhìn vào con số chính thống, dư nợ margin hiện nay khoảng 230.000 tỷ đồng, còn dư nợ ở các "kho" ở ngoài đâu đó có thể nhưng không chiếm tỷ lệ quá lớn trong giao dịch toàn thị trường. Nếu điều này có xảy ra, ông Hà cho rằng, bản chất họ cũng là nhà đầu tư rất thông minh, quản trị rủi ro tốt và rút rất nhanh.
"Đến thời điểm này, quan điểm của tôi cho rằng, chất lượng cho vay CTCK hàng đầu là tốt, trong Top 10 thị phần thì hệ số K của họ thường trên 50%", đại diện MBS bày tỏ.
Dưới góc nhìn của mình, ông Tường cho rằng dùng đòn bẩy tài chính là nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư, nên trên thị trường cũng có những đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính. Nhưng 1 năm trở lại đây, ý thức quản trị rủi ro và áp dụng công nghệ của các CTCK và các đơn vị đầu tư bên ngoài đều tăng lên tốt. Chính vì vậy, mới phát sinh việc chứng khoán giảm mạnh và nhanh, bởi chỉ cần có biến động xảy ra họ cắt rất nhanh.
Tỷ lệ cấp đòn bẩy rất cao so với CTCK, đặc biệt nguồn vốn không chính thống sẽ rút rất nhanh
Đặc biệt các nguồn không chính thống, tỷ lệ cấp đòn bẩy rất cao so với CTCK, thì họ cắt rất nhanh.
"Đó cũng là đặc thù tốt, nhưng cần lưu ý về đặc điểm margin, năm 2021 thị trường tăng tốt, thu hút tiền của nhà đầu tư rất mạnh, nên dư nợ vay margin tăng cao so với giai đoạn trước, cả tuyệt đối và tương đối. Tỷ lệ vay margin/freefloat (tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch) đều tăng, cộng thêm nguồn margin không chính thống cũng tăng", ông nói.
Một yếu tố nữa, theo ông Tường tính toán, quý 3-4/2021 có lượng tiền rất lớn vay margin khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng nhưng không tham gia vào các giao dịch. Dựa trên con số thống kê 230.000 tỷ đồng margin quý 1 thì con số này không còn lớn nữa.
Vậy, nguồn tiền không giao dịch trên thị trường thì đi đâu? Thông thường tiền sẽ đi vào kênh thanh khoản thấp hơn, nên khi thị trường có vấn đề và cần thu hồi nguồn cho vay đó thì tạo hiệu ứng bán trên thị trường.
Chưa kể, việc xử lý margin cũng làm theo từng lớp, khi nào đến mức tài khoản an toàn thì dừng.
Còn nếu giá vẫn giảm vẫn phải kéo margin về mà nhà đầu tư không nộp tiền kịp chẳng hạn, thì có thể kích hoạt cuộc call margin mới. Đây là đặc điểm rất khác biệt của năm 2021 và đầu năm 2022 so với giai đoạn trước.
Theo ông Tường, nếu giá chứng khoán tạo đáy và đi lên thì không có chuyện gì xảy ra, mà nếu có yếu tố nào đó kích hoạt việc thu hồi margin mà đang chảy ra bên ngoài thị trường chứng khoán thì lúc đó tác động rất lớn, là rủi ro thị trường sắp tới.