MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán khó có đột biến trong ngắn hạn

Chứng khoán khó có đột biến trong ngắn hạn

Tháng 5 đã qua đi với không nhiều đột biến trên thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index "quanh quẩn" mức 1.050-1.080 điểm, còn dòng tiền giao dịch mỗi phiên trên sàn HoSE chỉ xung quanh 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng.

Sức mua thị trường yếu ớt, lạm phát cao, xuất khẩu khó khăn... đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của đa số doanh nghiệp.

Thực tế, đại hội cổ đông năm nay của nhiều doanh nghiệp lớn đa phần đặt ra các mục tiêu thận trọng. Điển hình như Thế giới Di động chỉ đặt mục tiêu doanh thu tăng 1% với 135.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế dự kiến vẫn ở mức 4.200 tỷ đồng với giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III.

Công ty Sữa Vinamilk đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngang với năm trước, còn Tập đoàn Thép Hòa Phát đặt kế hoạch "đi lùi" với doanh thu và lợi nhuận đều giảm 5%.

Thực trạng “đứng hình” của thị trường bất động sản - xây dựng cũng khiến nhiều tên tuổi trong ngành như Novaland, Hòa Bình chứng kiến kết quả đi xuống, thậm chí thua lỗ.

Dự báo trong trong thời gian tới, thị trường sẽ khó có đột biến khi kênh trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi như trước thời điểm năm 2022. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Về nhu cầu nước ngoài, chứng khoán Mỹ chưa thấy dấu hiệu đi lên do lo ngại về lạm phát vẫn còn cao. Rủi ro về xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục tác động đến kế hoạch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.

Khá nhiều lĩnh vực dự kiến tiếp tục chứng kiến mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn khi các công ty quyết liệt hạ giá bán sản phẩm để giải quyết hàng tồn kho. Ở đó, các doanh nghiệp vững mạnh hơn về tài chính, chủ động được nguồn nguyên liệu và có năng lực bán hành tốt sẽ có lợi thế tốt hơn.

Nhìn chung, bước qua tháng 6, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi ổn định, nhiều diễn biến khó lường, viễn cảnh của nền kinh tế trong nước và thị trường chứng khoán nói riêng được dự báo vẫn chưa có nhiều đột biến mà sẽ phục hồi tương đối chậm chạp.

Ở đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhu cầu tương đối ổn định như y tế, dược phẩm, sản xuất và kinh doanh điện, cung ứng vật liệu xây dựng cho các công trình đã khởi công, các ngân hàng có bộ đệm tài chính lành mạnh có thể là lựa chọn hợp lý cho đa số nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng hạn chế sử dụng margin, chiến thuật đầu cơ và lướt sóng sẽ đảm bảo danh mục đầu tư ít biến động.

Nhưng nhìn vào thời gian tới, cũng có một số tín hiệu tích cực dần xuất hiện. Đó là lãi suất bắt đầu có tín hiệu đảo chiều. Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hạ trần lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng, một số mức lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay đã ba lần điều chỉnh, mỗi lần giảm 0,5%. Nhờ đó, các ngân hàng thương mại có điều kiện đưa mặt bằng lãi suất huy động về mức hợp lý hơn. Xu thế giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ kênh tăng trưởng tín dụng, dù điều kiện cho vay không giảm.

Quốc hội và Chính phủ hiện đang nỗ lực làm việc cùng nhau để khơi thông dòng vốn ra nền kinh tế, kích thích chi tiêu, trong đó dự kiến một số chính sách hỗ trợ sẽ được ban hành. Tiêu biểu là chính sách giảm thuế VAT về 8% có thể sẽ được mở rộng thêm các lĩnh vực, hàng hoá được giảm thuế VAT trong nửa cuối năm 2023 sẽ hỗ trợ phần nào cho thị trường bán lẻ. Các chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội, đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Tại TP.HCM, chính quyền thành phố đang chủ động tháo gỡ các dự án đầu tư đang bị vướng mắt về pháp lý cho các chủ đầu tư bất động sản. Thành phố dự kiến sẽ có biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, vốn không đạt kế hoạch trong quý I vừa qua.

Ngoài ra, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) có dấu hiệu quay trở lại khi một số thương vụ đáng kể đã xuất hiện. Kido Group mua 25% cổ phần của hãng bánh bao Thọ Phát, dự kiến sẽ nâng lên 70%. Sở hữu một thương hiệu bánh lâu đời ở TP.HCM sẽ bổ sung một tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho Kido.

Một số nhà đầu tư ngoại cũng có tín hiệu săn tìm các tài sản tiềm năng, phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam. Mới đây, Keppel land chi gần 3.200 tỷ đồng để mua lại 49% cổ phần trong hai dự án của Khang Điền…

Theo Nam Minh

Thời Báo Ngân Hàng

Trở lên trên