Chứng khoán Mỹ bị bán tháo, Dow Jones sụt giảm 836 điểm
Không chỉ tập trung vào hai nhóm công nghệ và công nghiệp, sự bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall diễn ra trên diện rộng...
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/10 có phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ tháng 2, khi những mối lo ngại mới về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến các cổ phiếu công nghệ và công nghiệp bị bán tháo ồ ạt.
Song song với việc tháo chạy khỏi cổ phiếu, các nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng và đồng Yên Nhật để tìm kiếm sự an toàn.
Theo tin từ Bloomberg, không chỉ tập trung vào hai nhóm công nghệ và công nghiệp, sự bán tháo cổ phiếu diễn ra trên diện rộng, đẩy chỉ số S&P 500 xuống mức thấp nhất 3 tháng, chỉ số Dow Jones mất tới 836 điểm, còn chỉ số Nasdaq "bốc hơi" hơn 4% - đánh dấu phiên giảm tệ nhất 7 năm.
Trong số 30 cổ phiếu blue-chip thuộc Dow Jones, không một cổ phiếu nào thoát khỏi sắc đỏ, trong đó cổ phiếu Boeing và Caterpillar cùng sụt ít nhất 3,8%.
Trong S&P, cổ phiếu công nghệ đầu sự giảm điểm bằng phiên giảm thứ 5 liên tiếp của nhóm, chuỗi phiên giảm dài nhất của nhóm này kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Cổ phiếu Microsoft sụt 5,4%, cổ phiếu Apple mất 4,6%, cổ phiếu Amazon sụt 6,2%, và cổ phiếu Google lao dốc 4,6%. Cổ phiếu hãng sản xuất con chip AMD giảm 8,2%, trong khi cổ phiếu các công ty chất bán dẫn khác như Intuit, Salesforce và Nvidia giảm trên 7% mỗi cổ phiếu.
Toàn nhóm công nghệ thuộc S&P sụt 4,8% phiên này, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 18/8/2011.
Giới đầu tư càng bất an khi công ty thiết bị công nghiệp Fastenal tuyên bố rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đẩy giá vật liệu đầu vào tăng và sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận của hãng suy giảm.
Cổ phiếu hãng mỹ phẩm Estee Lauder và nhà bán lẻ nữ trang cao cấp Tiffany trượt mạnh sau khi công ty đồ hiệu Pháp LVMH xác nhận Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát việc du khách nước này mang đồ hiệu từ nước ngoài về trong bối cảnh căng thẳng thương mại ở mức cao.
Chỉ số VIX đo lường sự biến động của thị trường lần đầu tiên vượt ngưỡng 20 điểm kể từ tháng 4. Giá dầu thô WTI sụt dưới ngưỡng 75 USD/thùng do lo ngại về sự suy giảm nhu cầu dù một trận bão lớn vẫn đang di chuyển trên Vịnh Mexico, chuẩn bị đổ bộ vào bang Florida.
Trước phiên sụt giảm của chứng khoán Mỹ, thị trường châu Âu cũng đã trải qua một phiên tồi tệ, với các chỉ số chính đồng loạt giảm trên 1%. Dẫn đầu sự giảm điểm của chứng khoán châu Âu phiên này là cổ phiếu các hãng sản xuất con chip, như cổ phiếu AMS mất 5,9% và cổ phiếu STMicroelectronics sụt 5,8%.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa dọa áp thuế quan bổ sung lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngày thứ Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang có thể châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và năm tới.
Vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 ở Phố Wall, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty có thể sẽ không đưa ra được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan như mấy quý trước - một nhân tố chính thúc đẩy thị trường đi lên từ đầu năm đến nay. Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng chiến tranh thương mại sẽ khiến lợi nhuận bị siết lại.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 2,2%, còn 25.598,74 điểm. S&P mất 3,29%, còn 2.785,68 điểm. Nasdaq tuột 4,08%, còn 7.422,05 điểm.
Được giới đầu tư tăng mua, đồng Yên Nhật tăng giá hơn 0,5% so với USD, đạt mức 112,36 Yên đổi 1 USD.
Giá trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng, đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm còn 3,1931%, sau khi đạt đỉnh của 7 năm vào tuần trước.
Giá vàng giao ngay tại New York tăng hơn 5 USD/oz, đóng cửa ở mức hơn 1.195 USD/oz.