Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp, Dow Jones mất hơn 600 điểm
Dow Jones, S&P 500, Nasdaq giảm lần lượt 1,94%, 2,38% và 2,75%.
- 09-06-2022Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do
- 09-06-2022Những chú gà "cớm nắng" trở thành cứu cánh cho cả nhân loại khi người dân không đủ tiền mua thịt lợn, thịt bò
- 09-06-2022Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ "nhà hộp diêm"
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch 9/6 trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trước khi dữ liệu lạm phát tháng 5 được công bố.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 638,11 điểm, tương đương 1,94%, xuống 32.272,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 97,95 điểm, tương đương 2,38%, xuống 4.017,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 332,04 điểm, tương đương 2,75%, còn 11.754,23 điểm.
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong hai phiên giao dịch gần nhất. Ảnh: CNBC.
Các cổ phiếu công nghệ lớn có một phiên giao dịch đầy “sóng gió”. Giá cổ phiếu của Meta Platforms giảm 6,4% trong khi giá cổ phiếu của Amazon giảm hơn 4%. "Ông lớn" Apple giảm 3,6%.
Boeing là mã cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất trong nhóm Dow Jones với mức giảm hơn 4%.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng, dự kiến được công bố trong ngày 10/6, qua đó có cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng lạm phát và triển vọng chính sách trong thời gian tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
“Nhìn vào cái cách mà mọi người nói về lạm phát trong vài ngày gần đây, chúng ta có thể thấy được giá cả đã trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu trong vòng nửa năm qua, kể từ khi Chủ tịch Jerome Powell bắt đầu chuyển sang quan điểm thắt chặt chính sách để kéo giảm lạm phát”, theo Bespoke Investment Group.
Thị trường ít có sự biến động trong phần lớn phiên giao dịch ngày hôm qua, tuy nhiên, đà bán tháo diễn ra mạnh trong cuối phiên. Tại thời điểm 15h giờ New York, chỉ số Dow Jones dao động quanh ngưỡng 32.700 điểm nhưng sau đó giảm hơn 400 điểm. Cboe Volatility Index, chỉ số sợ hãi của phố Wall, tăng hơn 2 điểm lên trên 26 điểm lần đầu tiên trong tháng 6.
Nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm lớn tới “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ trong vài tuần gần đây trong bối cảnh Fed đã có 2 lần tăng lãi suất liên tiếp nhằm hạ nhiệt lạm phát với hy vọng sẽ không kéo nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái.
Giá năng lượng tăng cao và nhiều nút thắt chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết khiến lạm phát tăng cao trong thời gian qua và chỉ có dấu hiệu chững lại trong một vài tuần gần đây.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch 9/6 nhưng giá dầu WTI vẫn cao hơn ngưỡng 120 USD/thùng. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp sơ bộ tăng lên 229.000 đơn vị trong tuần trước, cao hơn dự báo.
Hiện tại, S&P 500 thấp hơn 16% so với đỉnh, nhưng phần lớn đi ngang trong một vài tuần gần đây sau khi có thời điểm rơi vào thị trường giá xuống trong tháng 5.
Andrew Slimmon, Giám đốc đầu tư tại Morgan Stanley Investment Management, nhận định chứng khoán Mỹ sẽ tăng cao hơn vào cuối năm nhưng mùa hè phía trước sẽ tương đối “gập ghềnh”.
“Có thể, thị trường sẽ kiểm chứng lại mức đáy ghi nhận trong tháng 5, nhưng không rơi xuống vùng giá thấp hơn dù giá thực phẩm tăng cao. Nền kinh tế sẽ vượt qua được những cú sốc hiện tại”, Slimmon nhận định.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán trái ngược với diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ sau thông báo mới nhất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Cơ quan này xác nhận kế hoạch tăng lãi suất trong tháng 7 và rất có thể tiếp tục trong tháng 9. ECB cũng nâng dự báo lạm phát của năm 2022 lên 6,8% từ ngưỡng 5,1% trước đó, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Theo CNBC
NĐH