Chứng khoán Mỹ hồi phục, Dow Jones tăng hơn 750 điểm
Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 2,43%, 2,76% và 3,11%.
- 19-07-2022Triệu phú nghỉ hưu ở tuổi 35: Sống bằng các khoản đầu tư, dù có suy thoái thì cũng không cần giảm chi tiêu
- 19-07-2022Một loại virus chết người mới giống Ebola vừa bùng phát: Không có phương pháp điều trị cũng không có vắc-xin
- 19-07-2022Đồng USD siêu mạnh và 'cơn khát' mua sắm đang là nguyên nhân khiến Mỹ xuất khẩu một 'loại hàng hóa nguy hiểm' ra thế giới
Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch 19/7 trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả khả quan của mùa báo cáo lợi nhuận quý vừa qua, đồng thời nhận định thị trường đã chạm đáy.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 754,44 điểm, tương đương 2,43%, lên 31.827,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,76% lên 3.936,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,11% lên 11.713,15 điểm.
Cả ba chỉ số đều tăng lên trên ngưỡng trung bình động 50 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 4. Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 7,4% so với ngưỡng giá thấp ghi nhận vào ngày 16/6.
Chỉ số Dow Jones hồi phục mạnh mẽ trong ngày 19/7. Ảnh: CNBC.
Nhà đầu tư cho rằng thị trường đã chạm đáy sau khi giảm điểm mạnh từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa được công bố cho thấy họ có khả năng chống chọi lại những "cơn gió chướng" tốt hơn so với những gì nhà đầu tư lo ngại trước đó.
“Lạm phát cao là điều đã được dự báo từ trước, do đó, nó không mang lại quá nhiều bất ngờ. Điều bất ngờ ở đây là các doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt trước lạm phát”, Kim Forrest, Giám đốc đầu tư kiêm đồng sáng lập Bokeh Capital Partners, chia sẻ.
Sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong suốt thời gian qua đã tạo ra một cơ hội đầu tư không thể tốt hơn, theo khảo sát của Bank of America (BoA) đối với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Khảo sát của BoA cũng cho thấy đầu tư vào cổ phiếu đang ở ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 10/2008, một tháng trước khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, trong khi đó, tỷ lệ nắm giữ tiền mặt tăng cao nhất hơn 20 năm.
“Các yếu tố thị trường cơ bản vẫn yếu, nhưng tâm lý thị trường phản ánh triển vọng tăng điểm trong một vài tuần tới”, theo Michael Hartnett, Giám đốc chiến lược đầu tư của BoA.
Đồng USD suy yếu là yếu tố hỗ trợ thị trường, đặc biệt là cổ phiếu các công ty công nghệ với nguồn thu phần lớn tới từ thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn giữ quan điểm thận trọng, khuyên nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho những giai đoạn khó khăn sắp tới.
“Tôi thừa nhận rằng thị trường đã sụt giảm suốt thời gian qua và các đợt tăng điểm mạnh là hoàn toàn có thể. Nhưng nhìn chung, tôi vẫn quan ngại về khả năng đi xuống của thị trường”, Kevin Merritt, Chuyên gia phân tích tới từ Wedbush, viết trong một báo cáo.
Tất cả các lĩnh vực trong chỉ số S&P 500 đều tăng điểm trong ngành hôm qua. Tăng mạnh nhất là các lĩnh vực dịch vụ viễn thông và công nghiệp, với mức tăng hơn 3%.
Kết quả kinh doanh tích cực kéo tăng giá cổ phiếu của nhiều công ty, dù đồng USD mạnh cũng có ít nhiều ảnh hưởng tới lợi nhuận của một số doanh nghiệp khác.
Giá cổ phiếu nhóm ngân hàng diễn biến tích cực với Goldman Sachs tăng 5,6%, Wells Fargo tăng gần 4,2%, BoA tăng 3,4%.
Giá cổ phiếu của IBM giảm 5,3% sau khi công ty hạ dự báo dòng tiền trong bối cảnh đồng USD mạnh và hoạt động kinh doanh bị gián đoạn tại Nga dù doanh thu và lợi nhuận quý II của công ty này vẫn cao hơn so với dự báo của phố Wall.
Tính đến sáng ngày 19/7, có khoảng 9% doanh nghiệp trong nhóm S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II, trong đó, có tới ⅔ doanh nghiệp sở hữu kết quả tốt hơn dự báo, theo dữ liệu từ FactSet.
Trong tuần này, một số doanh nghiệp lớn sẽ báo cáo lợi nhuận quý vừa qua, trong đó có Tesla, United Airlines, American Airlines, Snap, Twitter and Verizon.
“Thị trường sẽ tiếp tục biến động, với nhiều hơn các phiên tăng điểm giải tỏa như ngày hôm qua, trong một vài tháng tới”, Chris Senyek, Chuyên gia tới từ Wolfe Research viết trong báo cáo công bố ngày 19/7.
NDH