Chứng khoán Mỹ lao dốc sau bài phát biểu của ông Powell, Dow Jones mất hơn 1.000 điểm
Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 3,03%, 3,37% và 3,94%, 11/11 nhóm ngành thuộc S&P 500 giảm điểm.
- 24-08-2022Số lượng các công ty lần đầu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ ít nhất 2 thập kỷ
- 11-08-2022Lạm phát bớt 'nóng', chứng khoán Mỹ bùng nổ
- 10-08-2022Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước thềm báo cáo lạm phát tháng 7
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong khuôn khổ hội nghị Jackson Hole.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 1.008,38 điểm, tương đương 3,03%, xuống 32.283,4 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,37% xuống 4.957,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,94% xuống 12.141,71 điểm.
Cả ba chỉ số giao động trong biên độ hẹp trước bài phát biểu. Tuy nhiên, đà bán tháo ngày càng mạnh về phía cuối phiên.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong hai tuần liên tiếp. Chốt tuần vừa qua, chỉ số Dow Jones giảm 4,2%, S&P 500 giảm 4% và Nasdaq giảm 4,4%.
Chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm trong phiên giao dịch 26/8. Ảnh: CNBC.
“Lãi suất cao, tăng trưởng chậm và thị trường lao động bớt nóng là những gì chúng ta cần để kéo giảm lạm phát. Điều đó đồng nghĩa với việc các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải hứng chịu nhiều hơn những tác động tiêu cực”, ông chia sẻ. “Đó là cái giá không hề mong muốn nhưng buộc chúng ta phải trả để có thể kiểm soát đà tăng giá cả. Tuy nhiên, sự thất bại trong nhiệm vụ ổn định giá cả thậm chí sẽ mang lại những nỗi đau đớn lớn hơn”.
Quan điểm của ông gây thất vọng lớn đối với nhà đầu tư, những người nuôi hy vọng rằng lạm phát đã chạm đỉnh và Fed sẽ thay đổi quan điểm từ tăng mạnh sang tăng chậm hoặc dừng tăng lãi suất trong năm tới.
“Bất ngờ lớn nhất chính là việc nhà đầu tư, dù đã chuẩn bị tâm lý cho những phát biểu ‘cứng rắn’ của ông Powell về lạm phát, lại phản ứng quá mạnh mẽ sau khi ông ấy làm đúng như vậy”, Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors, chia sẻ. “Có vẻ như nhà đầu tư ngây thơ tin rằng Fed sẽ thay đổi chính sách lãi suất trong khi ông Powell lại nhấn mạnh vào sự quyết tâm kéo giảm lạm phát của Ngân hàng trung ương Mỹ”, ông nhận định.
Tất cả 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều giảm điểm trong ngày hôm qua với chỉ 5 cổ phiếu chốt phiên trong sắc xanh. Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu tác động lớn nhất vì có độ nhạy cảm cao đối với lãi suất. Dù giảm khoảng 4% trong tuần này, chỉ số S&P 500 vẫn tăng khoảng 11% so với đáy hồi giữa tháng 6.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên 3,391% sau bài phát biểu của ông Powell. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên ngưỡng 3,034% trong ngày hôm qua. Đường cong lợi suất tiếp tục đảo chiều, phát đi tín hiệu mạnh mẽ về rủi ro suy thoái.
Điểm tích cực duy nhất trong ngày hôm qua tới từ dữ liệu chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), một chỉ dấu lạm phát ưa thích của Fed. Theo đó, PCE tháng 7 tại Mỹ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 6,8% ghi nhận trong tháng 7. Tính vắt tháng, chỉ số này giảm 0,1%.
Người đồng hành