MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán PSI báo lãi quý 1/2022 tăng gấp 3,7 lần

PSI lãi lớn quý 1/2022

PSI lãi lớn quý 1/2022

Trong kịch bản thận trọng, PSI cho rằng VN-Index sẽ quay trở lại trạng thái điều chỉnh trong vùng 1.150 – 1.350 điểm, thanh khoản giao dịch bình quân dự kiến giảm 17% so với năm 2021. Do đó, PSI đặt mục tiêu lợi nhuận 22,5 tỷ đồng năm 2022, giảm 17% so với năm trước.

CTCP Chứng khoán Dầu khí (mã PSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu hoạt động đạt 117,4 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các mảng môi giới, tự doanh và cho vay ký quỹ (margin) hiệu quả.

Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng hơn 10 lần lên mức 31,4 tỷ đồng trong khi lỗ từ FVTPL cũng tăng mạnh nhưng chỉ ở mức 13,5 tỷ đồng. Hoạt động môi giới mang về 24,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ. Lãi từ cho vay và phải thu tăng đến 89% lên mức 28,8 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất vào doanh thu hoạt động.

Chi phí hoạt động cũng tăng gấp đôi lên 63,4 tỷ đồng nhưng tốc độ chậm hơn tốc độ tăng doanh thu. Sau khi trừ chi phí, PSI lãi ròng 15,6 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, CTCK này đã thực hiện được hơn 69% mục tiêu lợi nhuận đề ra năm 2022.

Năm 2022, PSI dự báo kinh tế rủi ro lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong kịch bản thận trọng, CTCK này cho rằng VN-Index sẽ quay trở lại trạng thái điều chỉnh trong vùng 1.150 – 1.350 điểm, thanh khoản giao dịch bình quân dự kiến giảm 17% so với năm 2021. Do đó, PSI đặt mục tiêu lợi nhuận 22,5 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện năm trước.

Thời điểm 31/3, danh mục tự doanh của PSI đã thu hẹp đáng kể so với đầu năm do các khoản FVTPL giảm mạnh 263 tỷ đồng xuống còn 42,9 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc không còn các khoản chứng chỉ tiền gửi (111,6 tỷ đồng) và giảm mạnh trái phiếu niêm yết từ 178 tỷ đồng xuống còn gần 21 tỷ đồng.

Thời điểm cuối quý 1, danh mục cổ phiếu niêm yết của PSI chỉ có giá trị hợp lý gần 22 tỷ đồng trong khi danh mục cổ phiếu chưa niêm yết lên đến hơn 122 tỷ đồng chủ yếu dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Trong kỳ, CTCK này đã bán hết cổ phiếu PVI và gia tăng tỷ trọng PAN.

Dư nợ cho vay thời điểm 31/3 cũng tăng 227 tỷ đồng so với đầu năm lên 1.386 tỷ đồng chủ yếu đến từ hoạt động margin. Dư nợ margin cuối quý 1 của CTCK này ở mức 1.259 tỷ đồng, gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm.

https://cafef.vn/chung-khoan-psi-bao-lai-quy-1-2022-tang-gap-37-lan-20220420101339352.chn

Hà Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên