Chứng khoán thế giới lập “đỉnh” cao mới; giá dầu, vàng tiếp tục leo thang; USD mất giá
Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu – theo dõi chứng khoán của 49 quốc gia – phiên vừa qua đã kéo dài chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp sau số liệu cho thấy lạm phát Mỹ trong tháng 1 vẫn ở mức ổn định. Giá vàng cũng tăng mạnh, trong khi dầu có 9 phiên tăng không nghỉ.
Thị trường chứng khoán thế giới những giờ qua đồng loạt tăng điểm lên mức cao kỷ lục của mọi thời đại khi tâm lý nhà đầu tư lạc quan với triển vọng gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ, việc Mỹ triển khai mạnh mẽ việc tiêm vắc –xin ngừa Covid-19.
Theo đó, chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu tiếp tục tăng 0,2% lên mức cao kỷ lục mới mặc dù một vài chỉ số giảm nhẹ vào lúc đóng cửa sau khi đạt mức cao kỷ lục trong phiên.
Kết thúc ngày 10/2, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 61,97 điểm (0,2%) lên 31.437,8 điểm; S&P 500 giảm 1,35 điểm, tương đương 0,03%, xuống 3.909,88 điểm, sau khi có lúc đạt kỷ lục cao trong ngày; Nasdaq Composite tương tự cũng giảm 35,16 điểm, tương đương 0,25%, xuống 13.972,53 điểm, sau khi có thời điểm cao kỷ lục; các chỉ số chứng khoán toàn Châu Âu - STOXX 600- tăng mạnh trong nhiều thời điểm của phiên giao dịch dù có sự thiếu ổn định, kết thúc phiên chỉ số này giảm 0,23%.
Đáng chú ý, chỉ số MSCI Châu Á cũng vượt kỷ lục của chính mình trước đó (đạt được vào tháng 1). Chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã tăng vượt qua ngưỡng rào cản tâm lý 30.000 điểm lần đầu tiên trong vòng 3 thập kỷ gần đây, bất chấp việc ngân hàng trung ương nước này gần đây không thông qua gói cứu trợ khổng lồ nào. Chỉ số Nikkei 255 của Nhật đã tăng gần 30% kể từ tháng 11 đến nay, vượt xa mức tăng của chứng khoán Bắc Mỹ và Châu Âu, khi đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài với hy vọng kinh tế hồi phục.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản bấy lâu nay dường như "bị bỏ quên" thì nay đột ngột trở nên "lấp lánh" với lượng cổ phiếu dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là khi lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đang rất hấp dẫn.
Chỉ số chứng khoán thế giới cao kỷ lục
Đồng USD giảm 0,2% so với phiên trước, xuống mức thấp nhất 2 tuần là 90,377 điểm, là phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Bitcoin giảm nhẹ 3,7% cuối phiên vừa qua, xuống 44.780 USD, sau khi đạt kỷ lục cao 48.216 USD ở phiên liền trước do hãng Tesla tiết lộ kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào tiền ảo.
Sebastien Galy, chiến lược gia vĩ mô cấp cao của Nordea Asset Management, trong một email gửi khách hàng có viết: "Thị trường tiếp tục hồi phục giữa lúc đồng USD suy yếu, cho thấy dòng vốn đang quay trở lại Châu Á.
Các chỉ số của những thị trường mới nổi đồng loạt tăng
Giá dầu Bent đã tăng 9 phiên liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 1/2019, trong khi dầu Mỹ tăng 8 phiên liên tiếp, dài nhất kể từ tháng 2/2019, do nỗ lực kiềm chế sản lượng của OPEC+ và kỳ vọng Mỹ triển khai mạnh mẽ việc tiêm chủng vắc-xin sẽ giúp nhu cầu dầu hồi phục.
Theo đó, dầu Brent tăng 38 US cent lên 61,47 USD/thùng; dầu WTI tăng 32 US cent lên 58,68 USD/thùng.
Giá vàng giao ngay cũng tăng 0,3% lên 1.842,11 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tháng 1 giảm nhiều hơn dự kiến, nhưng số liệu sản xuất của các nhà máy cho thấy lĩnh vực công nghiệp đang hồi phục.
Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng điểm lên mức cao nhất nhiều năm, trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý.
Chuyên gia Marcin Adamczyk của NN Investment, cho biết: "Trung Quốc đang phục hồi tốt vì đã kiểm soát được đại dịch nhanh chóng, giúp họ lấp đầy khoảng trống do tắc nghẽn sản xuất ở những nước vẫn còn áp dụng những hạn chế chống COVID-19".
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/2 đã đồng ý với đề xuất của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ về việc sẽ giảm khoản hỗ trợ chống COVID-19 cho những người có thu nhập thấp để tăng cho những người có thu nhập cao (trong gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD sắp thông qua).
Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu vận chuyển trực tiếp vắc-xin COVID-19 đến các trung tâm y tế cộng đồng vào tuần tới. Hoạt động này nằm trong mục tiêu của ông Biden là tiêm được 100 triệu liều vắc-xin trong vòng 100 ngày đầu cầm quyền.
Hoạt động khởi sắc của các doanh nghiệp lớn cũng góp phần giúp thị trường chứng khoán tăng điểm. Theo đó, hãng Toyota của Nhật Bản thong báo thu nhập năm 2020 đã tăng 54% lên kỷ lục 19 tỷ USD; Societe Generale và ngân hàng Hà Lan ABN Amro cũng thông báo có lợi nhuận trong quý 4.
Chủ tịch Fed Jerome Powel hôm qua có bài phát biểu tại CLB Kinh tế New York về thị trường lao động Mỹ. Theo đó, ông kêu gọi các bên trong hệ thống lãnh đạo của Mỹ có cách tiếp cận toàn diện hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng việc làm, đồng thời trấn an nhà đầu tư khi khẳng định lãi suất của Mỹ sẽ duy trì thấp để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.
Trên thực tế, nếu các thông tin về thị trường lao động Mỹ công bố lúc này cho thấy sự khả quan thì thị trường sẽ có lý do để tin tưởng vào sự hồi phục kinh tế. Song dù thị trường lao động Mỹ vẫn ì ạch, việc nhà đầu tư lạc quan tin vào gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD cũng sẽ thúc đẩy xu hướng tăng giá của các tài sản tiếp diễn.
Tham khảo: Refinitiv