MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán toàn cầu bị rút vốn mạnh chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu

29-06-2018 - 15:40 PM | Tài chính quốc tế

Nguyên nhân gây ra tình trạng "chảy máu vốn" lần này là những lo ngại cho rằng đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đang bị hụt hơi và sự đảo chiều trên các thị trường mới nổi.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường TrimTabs, tổng cộng các quỹ chứng khoán toàn cầu (gồm các quỹ ETF và quỹ tương hỗ) đã bị rút ra 12,4 tỷ USD trong tháng 6, cao nhất kể từ tháng 10/2008. Tháng 9 năm đó, ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ và kích hoạt lên cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái. TTCK toàn cầu rơi vào thị trường con gấu với các chỉ số chính mất hơn 60% giá trị.

Nguyên nhân gây ra tình trạng "chảy máu vốn" lần này là những lo ngại cho rằng đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đang bị hụt hơi và sự đảo chiều trên các thị trường mới nổi.

iShares MSCI Emerging Markets ETF – quỹ ETF theo dõi các thị trường mới nổi – đã tăng trưởng hơn 18% trong 5 tháng từ tháng 7/2017 đến tháng 1/2018, nhưng thành quả này đã bị xóa sạch và tính từ đầu năm đến nay con số đã trở thành -10,3%. Đặt trong tương quan so sánh thì kể từ đầu năm đến nay chỉ số S&P 500 đã tăng gần 1% và quỹ Vanguard FTSE All-World ex-US Index Fund theo dõi thị trường chứng khoán toàn cầu trừ Mỹ đã sụt giảm hơn 6,5%.

Trong bối cảnh thị trường mới nổi và các thị trường bên ngoài Mỹ phải chịu nhiều tổn thương và nỗi lo ngại chiến tranh thương mại dâng cao, các nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi thị trường toàn cầu để quay trở lại thị trường Mỹ. Kết quả là các quỹ trên TTCK Mỹ đã đón nhận dòng vốn 6,3 tỷ USD trong tháng 6.

"Đồng USD mạnh và những diễn biến èo uột kéo dài khiến các nhà đầu tư không hào hứng với các thị trường chứng khoán bên ngoài nước Mỹ", TrimTabs nhận định trong báo cáo.

Tuy nhiên có 1 điều thú vị là một trong những khu vực nhà đầu tư ít sợ hãi nhất lại là Trung Quốc. Các quỹ ở đây đã hút ròng 150 triệu USD trong tháng 6 bất chấp chỉ số chính đã rơi 20% so với mức đỉnh gần nhất.

Do đó, giờ đây câu hỏi lớn nhất đối với các nhà đầu tư là liệu dòng vốn bị rút ra là dấu hiệu báo trước 1 bi kịch hay đây lại là thời kỳ đem đến cơ hội mua vào vì giá đang xuống thấp.

Dẫu vậy nếu như xu hướng này tiếp tục kéo dài qua tháng 7, đây sẽ là lần đầu tiên chứng khoán toàn cầu bị rút ròng kể từ tháng 11/2016.

Lâm Phong

CNBC

Trở lên trên