MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán toàn cầu liên tiếp xác nhận kỷ lục, đây là lý do tại sao cổ phiếu vẫn có sức hút lớn bất chấp rủi ro sụt giảm sau đỉnh

05-07-2021 - 16:35 PM | Tài chính quốc tế

Chứng khoán toàn cầu liên tiếp xác nhận kỷ lục, đây là lý do tại sao cổ phiếu vẫn có sức hút lớn bất chấp rủi ro sụt giảm sau đỉnh

Khi thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục xác lập kỷ lục, một số nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới có một lời khuyên đơn giản: Hãy quen với việc đó!

Những công ty như BlackRock, State Street Global Market, UBS Asset Management và JP Morgan Asset Management kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm nay, trong bối cảnh nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm lợi nhuận ở những thị trường bên ngoài nước Mỹ.

Trên toàn cầu, thị trường chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục đang tỏa ra sức hút khó cưỡng lại, dù MSCI All-Country World Index đã tăng 12% trong năm nay lên mức cao nhất mọi thời đại. Trong khi một số chuyên gia thị trường thận trọng về rủi ro lao dốc do định giá sụt giảm, thì lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ và các biện pháp hỗ trợ của NHTW được kỳ vọng sẽ giữ vững đà hồi phục.

Chứng khoán toàn cầu liên tiếp xác nhận kỷ lục, đây là lý do tại sao cổ phiếu vẫn có sức hút lớn bất chấp rủi ro sụt giảm sau đỉnh - Ảnh 1.

MSCI All-Country World Index và S&P 500 liên tiếp lập đỉnh.

Esty Dwek, trưởng nhóm chiến lược toàn cầu tại Natixis Investment Managers, cho hay: "Tốc độ tiêm vaccine đang tăng tốc trên toàn cầu, các NHTW vẫn đang hỗ trợ, những biện pháp can thiệp thị trường vẫn đang hiện diện và lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục hồi phục. Trong một môi trường như vậy, khó có thể hình dung về một kịch bản tiêu cực cho thị trường chứng khoán."

Đương nhiên, những biến động vẫn còn. Dưới đây là một số yếu tố giúp nhà đầu tư chi tiền mạnh cho thị trường chứng khoán bất chấp rủi ro:

Không có nơi nào như TTCK

Một lý do đứng sau đà tăng của thị trường chính là suy nghĩ không có gì hấp dẫn bằng đầu tư chứng khoán, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ ở các quốc gia phát triển vẫn thấp và chênh lệch tín dụng đã ở mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ.

Trong bối cảnh nhu cầu bị dồn nén, giờ đây, các nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa. Các chiến lược gia của Goldman Sachs gần đây cho biết các quỹ MMF đã quản lý số tiền kỷ lục 5,5 nghìn tỷ USD trong thời kỳ đại dịch. Điều này cho thấy rằng rất nhiều khoản tiền vẫn chưa "vào cuộc".

Chứng khoán toàn cầu liên tiếp xác nhận kỷ lục, đây là lý do tại sao cổ phiếu vẫn có sức hút lớn bất chấp rủi ro sụt giảm sau đỉnh - Ảnh 2.

Khi chứng khoán Mỹ lập đỉnh, nhà đầu tư "tràn" đến các thị trường khác.

Carsten Roemheld – chiến lượng gia thị trường vốn tại Fidelity International, cho biết: "Nhiều chỉ số cho thấy lượng thanh khoản lớn vẫn đang tìm điểm đến."

Cùng sự hỗ trợ của các NHTW toàn cầu, dòng vốn sẽ tiếp tục đổ vào TTCK dù lợi nhuận kỳ vọng sẽ thấp hơn nhiều kể từ thời gian này, Roemheld nói thêm.

Trong tương lai, nhà đầu tư có xu hướng ưa thích cổ phiếu chu kỳ và giá trị nói chung, đây là nhóm cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ nền kinh tế đang hồi phục. Về khu vực, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp cho biết họ đánh giá tích cực về triển vọng của thị trường châu Âu và Nhật Bản.

Chính sách tiền tệ được nới lỏng

Trong khi nhiều ý kiến lo ngại rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách sớm hơn so với các thị trường khác vào tháng trước, nhà đầu tư vẫn không cho rằng việc nâng lãi suất sẽ chưa diễn ra hoặc diễn ra không quá nhanh. Nhìn chung, các chuyên gia thị trường kỳ vọng chính sách của NHTW sẽ tiếp tục được duy trì để hỗ trợ nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch.

Ben Lofthouse – trưởng nhóm thu nhập từ đầu tư chứng khoán toàn cầu tại Janus Henderson Investors, nhận định: "Hiện tại, chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn đang được nới lỏng trên toàn thế giới. Thực tế, sẽ phải mất một thời gian trước khi lãi suất bắt đầu tăng."

Chú ý đến lợi nhuận

Nhiều nhà đầu tư coi sự hồi phục trong tăng trưởng lợi nhuận là chìa khóa để thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu. Trên toàn cầu, kỳ vọng về lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng trưởng lại mức trước đại dịch. Gần 50% công ty trong S&P 500 đã nâng triển vọng cả năm trong 3 tháng qua – một trong những mức cao nhất kể từ năm 2010.

Chứng khoán toàn cầu liên tiếp xác nhận kỷ lục, đây là lý do tại sao cổ phiếu vẫn có sức hút lớn bất chấp rủi ro sụt giảm sau đỉnh - Ảnh 3.

Lợi nhuận ước tính tăng cao hơn mức trước đại dịch.

Max Anderl – quản lý danh mục đầu tư tại UBS Asset Management ở London, cho biết: "Dấu hiệu về sự tích cực phía trước không còn là một ‘thủ thuật’ của các doanh nghiệp nữa. Nhà đầu tư sẽ mong đợi bằng chứng thực tế về tăng trưởng hoặc dòng tiền tự do."

Tiến trình tiêm vaccine

Dù các biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn là một rủi ro lớn, nhưng những tiến triển mà các quốc gia phát triển đạt được trong chương trình tiêm vaccine đang giúp nhà đầu tư bình tĩnh.

Marija Veitmane – chiến lược gia đa tài sản cấp cao tại State Street Global Markets, cho biết: "Chúng tôi vẫn coi thành công trong việc tiêm chủng và nền kinh tế mở cửa trở lại là động lực chính thúc đẩy triển vọng kinh tế, lợi nhuận và đà tăng của thị trường chứng khoán."

Những biến động phía trước

Hiện tại, nhiều chỉ báo kinh tế ở eurozone và Mỹ đều đang tăng nóng, nhưng đây cũng không hoàn toàn là rủi ro.

Claudia Panseri – chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu tại UBS Global Wealth Management, cho biết: "Khi nhìn lại quá khứ, thời kỳ đỉnh cao của các chỉ số hàng đầu không cho thấy rằng thị trường sẽ đi xuống. Thị trường thường rớt giá khá nhiều khi bạn lo ngại về tăng trưởng và tin rằng những đợt thắt chặt và thay đổi chính sách tiền tệ sẽ diễn ra. Tôi cho rằng cả 2 yếu tố này vẫn chưa có sự điều chỉnh lớn."

Dù định giá quá cao có thể được coi là rào cản đối với đà tăng của thị trường, nhưng nhà đầu tư vẫn không quá lo ngại. Patrik Schowitz – chiến lược gia đa tài sản toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, dự kiến giá cổ phiếu sẽ giảm nhiều hơn, nhưng sẽ được thúc đẩy bởi lợi nhuận tăng nhanh hơn giá cổ phiếu, thay vì thị trường suy yếu.

Song, một số chuyên gia cảnh báo rằng sự biến động sẽ diễn ra. Chỉ số Biến động CBOE (VIX) đã ở mức thấp nhất kể từ trước đợt bán tháo do đại dịch vào năm ngoái. Trong khi đó, Nasdaq 100 đã đạt đến mức "quá mua". Trong vài năm qua, diễn biến tương tự sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đối với các nhà quan sát thị trường như đồng CIO về cổ phiếu cơ bản của BlackRock – Nigel Bolton, bất kỳ sự sụt giảm nào cũng là cơ hội mua vào.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên