'Chứng khoán toàn cầu sẽ tăng chậm lại, có thể điều chỉnh vào giữa 2022'
Chứng khoán toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới nhưng với tốc độ chậm hơn năm nay và có khả năng điều chỉnh trong 6 tháng tới.
- 02-12-2021JPMorgan: 'Thị trường lao dốc là cơ hội bắt đáy, Omicron có thể là chất xúc tác để kết thúc đại dịch'
- 02-12-2021Vốn hoá mất hơn 500 tỷ đô, giá cổ phiếu Alibaba rẻ chưa từng thấy
Những yếu tố không chắc chắn liên quan tới biến chủng Omicron và khả năng bảo vệ của vaccine vừa dẫn đến một đợt bán tháo trên các thị trường tài chính cuối tuần trước. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, việc dòng vốn đổ về các tài sản trú ẩn và biến động tăng lên có nghĩa là thị trường sẽ trải qua một đoạn đường gập ghềnh hơn trong tương lai gần.
Khi được hỏi về khả năng thị trường chứng khoán địa phương rơi vào điều chỉnh, khoảng 3/4 chuyên gia phân tích trên khắp thế giới tham gia khảo sát của Reuters đều trả lời là có.
Kết quả khảo sát của Reuters. Ảnh: Reuters.
Dù Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 30/11 cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ thảo luận về việc đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chương trình mua tài sản, song cũng không thể giúp thị trường chứng khoán phục hồi.
“Trong thời gian tới, chúng ta cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm, dù tốc độ sẽ chậm hơn, nhờ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn kỳ vọng với các cú sốc về nguồn cung được xoa dịu. Rủi ro chính đối với dự báo của chúng tôi là sự thay đổi trong chính sách của Fed, đặc biệt là khi tình trạng hỗn loạn sau đại dịch vẫn tiếp diễn”, Dubravko Lakos-Bujas, giám đốc chiến lược về chứng khoán tại JPMorgan Securities, nói.
Reuters thăm dò ý kiến của hơn 150 chuyên gia phân tích chứng khoán trên khắp thế giới từ ngày 15/11 tới ngày 1/12. Kết quả cho thấy hầu hết chỉ số chứng khoán sẽ phục hồi từ xu hướng giảm hiện tại và lập đỉnh mới vào cuối 2022.
Trong 17 chỉ số chứng khoán cơ bản Reuters đưa ra, 10 chỉ số được dự báo vượt kỷ lục trong 12 tháng tới. Trong đó, có 5 chỉ số sẽ làm được điều này ngay giữa năm 2022.
Tại Mỹ, nhờ đà tăng trưởng lợi nhuận và kinh tế mạnh mẽ, S&P 500 sẽ kéo dài đà tăng của năm nay và tăng 7,5% từ nay đến cuối 2022, chốt ở 4.910 điểm.
Tại châu Âu, STOXX 600 được dự báo tăng 7% và đạt 500 điểm vào tháng 7/2022, cao hơn 10 điểm so với đỉnh được ghi nhận vào ngày 17/11.
Tại Ấn Độ, BSE Sensex có thể chững lại sau khi lấy lại được những gì đã mất trong thời gian gần đây và sẽ chạm kỷ lục 63.000 điểm vào cuối năm sau.
Nhờ triển vọng lợi nhuận của khối doanh nghiệp tích cực, Nikkei của Nhật Bản dự báo đạt 31.000 điểm vào tháng 6/2022, tăng khoảng 11% so với chốt phiên cuối tháng 11.
Nói chung, trong năm tới, phần lớn chỉ số toàn cầu mà Reuters khảo sát được dự báo không đạt được hoặc vượt mức tăng của năm nay.
Khi được hỏi về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tại địa phương trong 6 tháng tới, hơn 85% chiến lược gia tham gia khảo sát cho biết lợi nhuận sẽ được cải thiện.
“Chúng tôi dự báo lợi nhuận của khối doanh nghiệp sẽ là động lực chính cho đà phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2022. Ngoài ra, động lực còn đến từ đà phục hồi kinh tế trên khắp thế giới cũng như hiệu ứng ‘không có sự lựa chọn nào khác’ trong chứng khoán”, theo Philipp Lisibach, giám đốc chiến lược toàn cầu tại Credit Suisse.
NDH