MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tương lai Mỹ giảm "tới hạn" là gì và điều đó có ý nghĩa như thế nào?

16-03-2020 - 11:18 AM | Tài chính quốc tế

Ngay khi FED tuyên bố giảm lãi suất, chứng khoán tương lai của Mỹ liên tiếp giảm hơn 5%, đạt tới mức giới hạn của thị trường.

Trong phiên giao dịch đêm Chủ nhật (15/3), chứng khoán tương lai của Mỹ đã giảm xuống mức giới hạn. Cùng với đó, quy định kiểm soát thị trường được kích hoạt để ngăn sự sụt giảm. Cụ thể, các giao dịch sẽ không được tiến hành với mức giá thấp hơn mức sụt giảm 5%. Chỉ những giao dịch cao hơn mức này mới được CME Group (Cơ quan Quản lý rủi ro của các giao dịch tương lai) cho phép.

Đêm qua, S&P 500 futures đạt tới hạn khi giảm 5%. Dow Jones futures cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi mất hơn 1.000 điểm. Sự bán tháo tàn khốc trên thị trường tương lai của Mỹ xảy ra ngay cả khi FED tuyên bố cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0, một nỗ lực to lớn để cứu nền kinh tế Mỹ khỏi sụp đổ bởi sụ tàn phá của virus corona.

Trong vài tuần qua, virus corona từng nhiều lần khiến các công cụ bảo vệ thị trường được kích hoạt ở Mỹ. Khởi phát từ Trung Quốc và lan ra khắp thế giới, virus corona làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu. Rất nhiều thị trường chứng khoán đã bị rơi vào lãnh thổ của thị trường gấu sau khi giảm hơn 20% so với mức đỉnh gần đây.

Nếu việc bán tháo tiếp tục diễn ra khi chứng khoán Mỹ mở cửa trở lại, công cụ ngắt mạch thị trường có lẽ sẽ tiếp tục được kích hoạt.

Theo Sở giao dịch chứng khoán New York, việc ngắt mạch thị trường có thể xảy ra dựa vào độ biến động lớn của S&P 500. Nó có 3 cấp độ. Ở cấp độ 1, nếu S&P 500 giảm 7%, giao dịch sẽ ngừng trong 15 phút. Nếu S&P 500 tiếp tục giảm tới 13%, lần ngắt mạch thứ 2 trong phiên sẽ được kích hoạt và thị trường lại dừng giao dịch 15 phút. Nếu S&P 500 giảm 20%, giao dịch sẽ ngừng lại trong toàn bộ thời gian còn lại của ngày.

Tính đến thời điển hiện tại, bộ ngắt mạch cấp 2 và cấp 3 của chứng khoán Mỹ chưa bao giờ được kích hoạt. Quy định về ngắt mạch thị trường hiện hành được nâng cấp và có hiệu lực vào tháng 2/2013. Tuần trước cũng là lần đầu tiên nó được kích hoạt kể từ khi có hiệu lực.

Sự bùng phát mạnh mẽ của virus corona bên ngoài Trung Quốc gây ra những tác động nặng nề với thị trường tài chính Mỹ. Tính đến ngày 16/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng thêm 12.701, llên tới 169.354 người, với hơn 6.499 người tử vong và lây lan đến 157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ở châu Âu, Italy ghi nhận thêm 360 ca tử vong trong 1 ngày, nâng tổng số người thiệt mạng lên 1.809. Số ca nhiễm Covid-19 ở Italy là 24.747 người, tăng 3.590 so với một ngày trước đó. Tây Ban Nha và Đức lần lượt ghi nhận 1.454 và 1.214 ca nhiễm chỉ trong 1 ngày, biến hai quốc gia này trở thành ổ dịch mới ở châu Âu. Tổng số người nhiễm virus corona ở Tây Ban Nha hiện là 7.845 và Đức là 5.813.

Ở Mỹ, có 3.365 trường hợp nhiễm bệnh với 64 người tử vong.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên