Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh
Trong phiên giao dịch cách đây tròn 1 tháng (21/2/2019), cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh F1902, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh nhưng theo chiều hướng ngược lại. Khi đó, chỉ số VN-Index đã tăng 1,75% lên 987,57 điểm và cũng là phiên tăng điểm mạnh thứ 2 tính từ đầu năm 2019.
Sau khi "test" mốc 1.000 điểm thành công trong phiên 20/3, thị trường được kỳ vọng sẽ duy trì tâm lý tích cực trong phiên 21/3. Trên thực tế, diễn biến phiên giao dịch 21/3 diễn ra khá êm đềm cho tới sau 14h chiều, khi áp lực bán bất ngờ xuất hiện tại một vài Bluechips đã kéo theo đà giảm trên diện rộng.
Chỉ số VN-Index từ mức tăng hơn 3 điểm chỉ trong ít phút đã đột ngột đảo chiều giảm 20,52 điểm (2,05%) xuống 981,78 điểm và cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ phiên 28/2 khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.
Với những diễn biến tiêu cực cuối phiên, VN-Index không những trở thành chỉ số hiếm hoi giảm điểm tại châu Á, mà còn là chỉ số giảm mạnh nhất với -2,05%.
VN-Index giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày chốt hợp đồng phái sinh tháng 3
Việc thị trường Việt Nam giảm mạnh trong phiên 21/3 là điều khá bất ngờ với phần lớn nhà đầu tư trong bối cảnh FED vừa quyết định giữ nguyên lãi suất và đưa ra tín hiệu sẽ không thực hiện đợt nâng lãi suất nào nữa trong năm nay. Bên cạnh đó, tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đang có những diễn biến tích cực.
Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Dòng tiền khối ngoại vẫn không ngừng đổ vào thị trường thông qua các quỹ ETFs cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực. Do đó, việc VN-Index giảm sốc trong phiên 21/3 khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy thiếu thuyết phục.
Trước phiên giao dịch 21/2, chỉ số VN-Index đạt 1.002,3 điểm, tăng 12,3% so với đầu năm. Mặc dù mức tăng trên không nhỏ, nhưng so với các thị trường trong khu vực thì vẫn chưa quá nổi trội. Ngoài ra, định giá P/E VN-Index theo Bloomberg hiện chỉ khoảng 16,6, thấp hơn nhiều so với mức P/E trên 21 trong giai đoạn quý 1/2018 nên khó có thể coi thị trường đã tăng nóng.
Đi tìm lý do giải thích cho thị trường giảm sâu là điều không dễ dàng. Tuy vậy, một điểm cần lưu ý phiên 21/3 cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh F1903 và không ít nhà đầu tư cho rằng những biến động từ thị trường phái sinh đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường cơ sở.
Mặc dù thị trường phái sinh mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư như có thế kiếm lời khi thị trường giảm từ việc "short", cũng như phòng hộ cho danh mục (hedging). Tuy vậy, cũng có không ít tranh cãi về việc những nhà tạo lập có thể "thao túng" phái sinh để tác động tới thị trường cơ sở và ngược lại, đặc biệt với những thị trường có quy mô nhỏ, dễ "điều khiển" như Việt Nam.
Kể từ khi thị trường phái sinh ra mắt vào giữa năm 2017, đã không ít lần thị trường này bị đổ lỗi về những biến động mạnh của thị trường cơ sở và phiên giao dịch 21/3 là một ví dụ điển hình.
Trước đó, trong phiên giao dịch cách đây tròn 1 tháng (21/2/2019), cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh F1902, khá trùng hợp khi thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh nhưng theo chiều hướng ngược lại. Khi đó, chỉ số VN-Index đã tăng 1,75% lên 987,57 điểm và cũng là phiên tăng điểm mạnh thứ 2 tính từ đầu năm 2019.