Chứng kiến bố mẹ cãi nhau, mẹ tức đến ngất xỉu ra đất, đứa trẻ lẳng lặng làm 1 điều khiến ai nhìn thấy cũng xót xa
Kiểu 'bạo lực lạnh' trong gia đình như thế này không khác gì áp dụng hình phạt cực đoan đối với trẻ.
- 29-01-2023Bà nội trêu: 'Nộp hết tiền lì xì chưa', con tôi trả lời 1 câu mà cả họ đều khen bố mẹ khéo dạy
- 28-01-2023Bố và mẹ, ai là người quyết định chỉ số IQ của con? Câu trả lời bất ngờ từ một nghiên cứu khoa học
- 26-01-2023Năm mới, bố mẹ nhất định phải thay đổi 3 điều này nếu muốn con cái lớn lên triển vọng
- 26-01-2023Trẻ thích nghe câu nào từ bố mẹ nhất?
Vài ngày trước, một video được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc gây ra nhiều tranh cãi dữ dội. Theo đó, một người phụ nữ được cho là ở Trịnh Châu, Hà Nam (Trung Quốc) xảy ra mâu thuẫn với chồng. Khi đang cãi nhau, có lẽ quá kích động, bà vợ ngất xỉu tại chỗ, nhưng tại thời điểm này, người đàn ông vẫn ung dung gác chân lên bàn, thờ ơ không chút quan tâm.
Đứa trẻ đứng bên cạnh, thấy mẹ nằm trên mặt đất, cũng nằm xuống theo, dựa vào người mẹ.
Vợ ngất xỉu, người đàn ông vẫn ung dung gác chân lên bàn, thờ ơ không chút quan tâm. (Ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh đau lòng kéo dài rất lâu, hiện trường yên tĩnh đến đáng sợ. Người bố chỉ liếc mắt nhìn một chút, cũng không đi qua xem thử vợ con thế nào.
Ngay sau khi đoạn video được đăng tải, đa phần cư dân mạng đều vô cùng tức giận, cho rằng người chồng đã quá vô tâm.
Không chỉ riêng chuyện đối xử với vợ, mà xót xa nhất là sự có mặt của đứa trẻ. Kiểu "bạo lực lạnh" trong gia đình như thế này không khác gì áp dụng hình phạt cực đoan đối với trẻ. Không ít người bày tỏ, khi còn nhỏ mình chính là đứa trẻ nằm trên mặt đất ấy.
"Bố mẹ không đánh tôi, nhưng tôi còn đau hơn bị đánh"
Báo cáo điều tra toàn cầu về bạo lực trẻ em do Liên Hợp Quốc công bố cho thấy: Có khoảng 133 triệu - 275 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã chứng kiến các hình thức bạo lực khác nhau xảy ra giữa cha mẹ. Dù không trực tiếp đánh con, nhưng khi người cha "bạo lực lạnh" đối với người mẹ cũng giống như một con dao vô hình, đâm vào tim đứa trẻ.
Giáo sư tâm lý học Mark Cummings đã nghiên cứu: So với những tác động rõ ràng của trận cãi vã nảy lửa, "chiến tranh lạnh" mang lại cảm xúc tiêu cực, tiềm ẩn sự bất an, gây hại nhiều hơn cho trẻ.
Có một câu hỏi: Kinh nghiệm khi sống trong gia đình có cha mẹ thường xuyên chiến tranh lạnh là gì? Câu trả lời là thấy thế giới dường như "sụp đổ": "Mỗi ngày, thời điểm hạnh phúc nhất của tôi là cha mẹ đi làm để gia đình không có sự im lặng đáng sợ, không dám lên tiếng, không dám thở quá mạnh. Càng lớn lên, tôi càng sợ chuyện xây dựng gia đình, tôi không muốn con cái mình khi sinh ra cũng tổn thương như vậy".
Một đứa trẻ lớn lên dưới sự "bạo lực lạnh" thật khó để "ấm lên" một lần nữa.
Lâm Chí Dĩnh, một diễn viên nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) từng thẳng thắn nói trong chương trình truyền hình: "Trước khi tôi 11 tuổi cũng không có ký ức gì đặc biệt, nhưng cảm giác khi còn bé đều là những chuyện không vui...". Nghe con trai nói như vậy, mẹ anh đặc biệt lo lắng, bà liên tục đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ mẹ không dành cho con sự ấm áp hay sao?".
Thực ra, nguyên nhân khiến Lâm Chí Dĩnh nhớ lại thời thơ ấu tồi tệ, là khi đó, cha mẹ anh một năm nói chuyện với nhau chưa tới hai tháng, hầu như đều trong tình trạng chiến tranh lạnh. Một mặt phải đối mặt với sự thờ ơ của cha, một bên là sự chịu đựng, thiệt thòi của mẹ, cuộc sống như vậy quả là đầy hoảng sợ và áp lực.
Sự thờ ơ, phớt lờ giữa cha mẹ cũng làm cho con cái nghĩ rằng đó là lỗi của mình, không ngừng nghi ngờ bản thân, phủ nhận chính mình, ngày càng "vâng lời". Hiển nhiên, chúng trở thành một đứa trẻ suốt ngày chỉ suy nghĩ và hành động để "phục vụ người khác", im lặng, vâng lời, lấy lòng.
Bạo lực lạnh giữa các bậc cha mẹ, không ai giành chiến thắng cuối cùng, chỉ có đứa trẻ là người thua tồi tệ nhất.
Làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại cho trẻ?
Nghiên cứu mới được công bố trên một tạp chí học thuật Hoa Kỳ cho thấy: Mặc dù xung đột giữa cha mẹ có thể có tác động tiêu cực vĩnh viễn đến trẻ, nhưng nếu có một thái độ xây dựng, có thể giúp củng cố cảm giác an toàn và cho phép trẻ học cách đối mặt với xung đột một cách thích hợp. Khi con cái thấy bố mẹ cùng thiện chí giải quyết các khúc mắc thì những ảnh hưởng tiêu cực trước đó có thể bị xóa bớt đi.
Tôn trọng lẫn nhau là điều kiện tiên quyết
Như câu chuyện kể trên: Mẹ ngất xỉu, cha thờ ơ, là một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng vợ. Trong tình cảnh này, ngay cả người lạ cũng sẽ chạy qua xem, huống hồ là vợ chồng?
Một người mẹ hoặc người cha không được tôn trọng, "vết thương lòng" của người đó sẽ vô thức truyền tải thành một khoảng trống nhất định trong cuộc sống của đứa trẻ. Chúng sẽ vô thức trở thành phiên bản của cha/mẹ mình trong tương lai.
Hãy cho đứa trẻ biết rằng đó không phải là lỗi của mình
Nếu không kiểm soát tốt cảm xúc của mình, vô tình để cho trẻ nhận ra mâu thuẫn giữa người lớn, cha mẹ nên cho con biết rằng đó không phải là lỗi của con. Và dù bất cứ điều gì xảy ra, tình yêu của cha mẹ dành cho con sẽ không thay đổi.
Cố gắng cải thiện tình hình
Trẻ em không biết cảm xúc của người lớn, có lẽ cha mẹ chỉ la hét để trút giận, nhưng con sẽ cảm thấy "bầu trời sụp đổ", và lo lắng về việc "cha mẹ sẽ ly dị, sẽ không muốn mình nữa". Khi tiếp xúc với xung đột kéo dài mà không được giải quyết, trẻ dễ đánh nhau với bạn ở trường và thể hiện các dấu hiệu buồn chán, tức giận và thù địch. Trẻ cũng khó ngủ về đêm, ảnh hưởng tới việc học hành. Có những bé còn tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, ngại giao tiếp và dễ cáu giận.
Đừng để trẻ sống trong các mối quan hệ gia đình tiêu cực trong một thời gian dài. Hãy cố gắng tìm ra cách để giải quyết vấn đề. Trong cuốn sách The Seven Principles for Making Marriage Work, tác giả John F. Gottman và Nan Silver nhấn mạnh rằng những đôi biết rèn trí thông minh cảm xúc và trân trọng các nhu cầu của mỗi người hơn việc thường xuyên bất đồng và chống lại nhau sẽ dễ truyền các kỹ năng này tới con cái của mình.
Sau tất cả, nên nhớ, đối với trẻ em, một tình yêu đầy đủ quan trọng hơn một ngôi nhà có thành viên đầy đủ.
Phụ nữ Việt Nam