MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chúng ta đang ‘chặt tay, chặt chân’ hộ gia đình

Lần sửa đổi này không ép buộc hộ kinh doanh lên doanh nghiệp một cách hành chính máy móc mà giúp thừa nhận họ là một hình thức kinh doanh, được pháp luật bảo hộ.

LTS: Kinh tế hộ gia đình, hiện chiếm tới hơn 30% GDP, lần đầu tiên được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Điều này đã gây ra tranh luận nhiều chiều. TVN xin giới thiệu các góc nhìn, các ý kiến góp ý với mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất cho khu vực kinh tế này phát triển.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp nói:

Đối với hộ kinh doanh, điều quan trọng là Nhà nước ứng xử như thế nào với họ, còn việc đưa vào hay đưa ra khỏi Luật Doanh nghiệp là không quan trọng và không phải là mục tiêu của việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này.

Nhà nước ứng xử với họ theo nghĩa họ là hình thức kinh doanh, họ tồn tại một cách chính danh, và được gỡ bỏ khỏi nhiều những hạn chế trong kinh doanh.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp khẳng định mô hình hộ kinh doanh và không tạo thêm chi phí hành chính cho họ. Giấy chứng nhận kinh doanh tiếp tục tồn tại nhưng giấy ghi thêm một số quyền mới, tạo cơ hội kinh doanh cho họ.

Chúng ta đang ‘chặt tay, chặt chân’ hộ gia đình - Ảnh 1.

Hộ gia đình được đưa vào Luật Doanh nghiệp, nhưng họ không bị bắt lên doanh nghiệp


Những rào cản hiện nay

Quy định pháp lý hiện nay (ở cấp Nghị định) đang hạn chế quyền kinh doanh của hộ kinh doanh: họ chỉ được đăng ký tại một địa điểm; hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện; không mở chi  nhánh, văn  phòng đại diện; khi muốn hoạt động trong một số ngành nghề thì phải lên mô hình doanh nghiệp.Những rào cản hiện nay 

Bên cạnh đó, họ bị hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên; hạn chế huy động vốn, chủ yếu là vay hoặc từ chính thành viên tham gia hộ.

Tuy nhiên, với các hộ kinh doanh, thủ tục thành lập, giải thể, quản trị doanh nghiệp dễ dàng, đơn giản hơn. Ngay cả chế độ sổ sách kế toán cũng đơn giản hơn: họ chỉ cần tuân thủ 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ thực hiện nghĩa vụ thuế gồm môn bài, VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp; nộp kê khai hoặc thuế khoán. Việc thuê, tuyển lao động đơn giản hơn.

Tất nhiên, khu vực kinh tế hộ gia đình có vị trị, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế; có lợi thế nhất định trong một số hoạt động kinh doanh.

Tinh thần sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp

Với quy định như hiện nay của Luật kinh doanh có một số điều cần sửa:

1. Địa vị pháp lý không rõ.

Điều này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, gây rủi ro cho hộ kinh doanh khi giao dịch với bên thứ ba. Ví dụ, về trách nhiệm dân sự, chủ hộ và những người có liên quan trong gia đình được chia sẻ, phân định như thế nào? Bên thứ ba khi gặp rủi ro trong kinh doanh với hộ gia đình thì sẽ kiện ai, các thành phần trong gia đình có liên quan của các bên ra sao?

2. Bị hạn chế nhiều về thương quyền, quyền kinh doanh.

Chúng ta, có cách tiếp cận theo hướng ‘chặt tay chặt chân’ kinh tế hộ gia đình. Ví dụ, hạn chế họ chỉ được sử dụng dưới 10 lao động. Vì sao hộ gia đình không được  thuê 100 công nhân, thậm chí hơn? Đó là do ta hạn chế chứ không phải do họ không muốn thuê, thậm chí có những hộ gia đình có nhu cầu phải sử dụng nhiều người lao động hơn.

Bên cạnh đó, các quy định hiện hành cũng hạn chế phạm vi kinh doanh, họ chỉ được kinh doanh trong địa bàn quận, huyện; họ không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện;…

Chúng ta gọi họ là hình thức kinh doanh nhưng đã hạn chế đi tất cả các quyền khiến nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ không có cơ hội để phát huy đầy đủ.

Vì thế, nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ không được phát huy. Nếu phát huy đầy đủ thì khu vực kinh tế này còn đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế. Khi quy mô kinh doanh lớn lên đến mức nhất định thì nhu cầu quản trị chuyên nghiệp, minh bạch để thu hút vốn cũng xuất hiện. Đó là quyền lựa chọn cho họ chuyển lên doanh nghiệp.

Khẳng định pháp lý mô hình hộ kinh doanh

Vì thế, các quy định trong Luật Doanh nghiệp về hộ kinh doanh (Gồm tất cả các chương 7A) chỉ sửa những hạn chế hiện nay đang làm cho nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ bị hạn chế, không có cơ hội được phát huy. Các quy định này có nguyên tắc:

-  Tiếp tục thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp; thừa nhận vai trò, vị trí quan trọng của hộ đối với nền kinh tế

-  Tiếp tục thúc đẩy phát triển hộ.

-  Phát huy tối đa mọi nguồn lực đầu tư, không phân biệt hình thức kinh doanh.

-  Đơn giản, thuận lợi cho gia nhập và rút lui khỏi thị trường.

Lâu nay, các hộ kinh doanh luôn lo nơm nớp một ngày nào đó có thể bị xoá sổ và ép lên thành doanh nghiệp. Tôi xin phải khẳng định, đây là một hình thức kinh doanh tồn tại bên cạnh các hình thức kinh doanh khác và được pháp luật bảo hộ đầu tư, vậy họ mới yên tâm đầu tư dài hạn.

Tiếp nữa, Luật Doanh nghiệp xoá bỏ những hạn chế với họ; làm rõ hơn địa vị pháp lý để họ có thể yên tâm kinh doanh để được bảo hộ. Các đối tác sẽ tin tưởng hơn để kí hợp đồng.

Các hộ kinh doanh khác nhau nhắm đến các hình thức kinh doanh khác nhau; mỗi loại hình có đặc điểm khác nhau. Hộ kinh doanh được nới lỏng nhất về quản trị, nhanh nhạy nhất trong việc gia nhập thị trường nên các quy định về hộ kinh doanh trao cho nó thứ tạm gọi ‘sáng kinh doanh, chiều giải thể’. Nếu là công ty không thể làm được chuyện đó. Nhưng hộ kinh doanh phải có cơ hội như thế và phù hợp với tính chất như vậy.

Vì thế, lần sửa đổi này không có mục tiêu gì khác, không ép hành chính buộc họ lên doanh nghiệp, không phải chuyển đổi hộ lên doanh nghiệp mà thừa nhận nó là một hình thức kinh doanh được bảo hộ dài hạn bởi luật pháp, tạo sự yên tâm cho hộ kinh doanh. Hiện nay vẫn gọi nó là hộ, hình thức kinh doanh vẫn là hộ.

Luật Doanh nghiệp chỉ xoá bỏ những hạn chế về thương quyền kinh doanh, quản trị, thành lập, trách nhiệm dân sự. Toàn bộ các quy định hiện hành ngoài địa vị pháp lý, quyền kinh doanh về chế độ trách nhiệm của luật được hoàn thiện. Còn lại hệ thống khung pháp luật áp dụng cho các luật kinh doanh vẫn áp dụng. Toàn bộ hệ thống của họ vẫn giữ nguyên, nên chúng tôi đánh giá, là không có tác động tiêu cực đối với hộ kinh doanh.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận:

- Một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp.

- Có ý kiến đề nghị nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoặc công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp như nhiều nước trên thế giới.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và doanh nghiệp khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.


Theo Tư Giang (lược ghi)

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên