Chung xuất phát điểm, tại sao kinh tế Hàn Quốc cất cánh, còn Malaysia mắc kẹt trong "bẫy" thu nhập trung bình?
Vì nhiều sai lầm trong điều hành chính sách kinh tế mà Malaysia sẽ vẫn bị mắc kẹt trong ngưỡng thu nhập trung bình.
Trong những thập niên gần đây, kinh tế Malaysia liên tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. GDP tăng trưởng bình quân 2,8%/năm trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 2010. Malaysia thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuy nhiên giới chuyên gia kinh tế chỉ trích rằng vì nhiều sai lầm trong điều hành chính sách kinh tế mà Malaysia sẽ vẫn bị mắc kẹt trong ngưỡng thu nhập trung bình này. Có thể kể đến một câu chuyện của Malaysia trong ngành ô tô.
Để tăng năng suất, mối liên kết và hiệu quả hoạt động của ngành, chính phủ Malaysia mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực ô tô.
Chính phủ Malaysia thành lập ra công ty ô tô quốc gia Proton vào năm 1985. Chính phủ Malaysia đồng thời cũng lên một kế hoạch tham vọng là thiết lập hệ thống nhà cung cấp linh kiện địa phương cho công ty ô tô đó.
Trên một phương diện nào đó, có thể nói Proton đã thành công khi thực sự tăng được năng suất, ở thời điểm cao điểm, Proton đã sản xuất ra 500 nghìn xe ô tô/năm. Một số sản phẩm linh kiện ô tô được xuất khẩu.
Tuy nhiên chính phủ Malaysia lại không đưa ra được chính sách quảng bá sản phẩm đủ tốt, đủ hiệu quả để sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn trong chính nước Malaysia, chứ chưa nói đến ở thị trường nước ngoài. Kết quả thị trường ô tô nội địa Malaysia vẫn là sân chơi độc chiếm của các hãng xe nước ngoài. Và rồi tên tuổi của Proton cứ thể nhạt nhòa dần và đến giờ chẳng còn mấy ai biết đến.
Ngược lại với Proton, Hàn Quốc đã cực kỳ thành công với Hyundai.
Huyndai đã tạo được một thương hiệu toàn cầu, ngành ô tô Hàn Quốc là một trong những ngành mũi nhọn mang lại thành công cho kinh tế Hàn Quốc.
Dù vào thập niên 1990, ngành ô tô Hàn Quốc lâm vào tình cảnh khó khăn, một số công ty phải phá sản hoặc tái cấu trúc nhưng nhìn chung trên phạm vi toàn cầu, Hàn Quốc đã có một ngành ô tô có tên tuổi, cạnh tranh không kém cạnh so với ngành ô tô Nhật hay Mỹ.
Năm 1985, Hàn Quốc và Malaysia cùng một trình độ phát triển và từ đó đến nay chắc chắn hai nước này cũng gặp khá nhiều thách thức từ bối cảnh kinh tế vĩ mô giống nhau, nhưng Hàn Quốc lại vượt xa so với Malaysia. GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1985 là 2.015 USD, con số đó của Hàn Quốc cùng thời điểm là 2.542 USD, không chênh lệch nhau quá nhiều.
Thế nhưng đến năm 2014, tức là gần 30 năm sau đó, GDP bình quân đầu người của Malaysia là 11.307 USD thì con số này của Hàn Quốc là 24.565 USD, cao hơn 2 lần so với Malaysia. Hàn Quốc nổi danh thế giới với hàng chục thương hiệu toàn cầu còn Malaysia không có gì quá nổi bật.
Vậy yếu tố nào đã làm nên thành công của Hàn Quốc?
Đó là ngay từ ban đầu khi phát triển ngành ô tô, Hàn Quốc đã đặt trọng tâm vào xuất khẩu. Tuyên ngôn của Hyundai khi mới bắt đầu sản xuất ô tô là “Vươn ra thị trường nước ngoài trước, học hỏi và thích nghi dần”.
Trên thực tế, Proton cũng từng xuất khẩu khá nhiều sản phẩm. Từ giữa năm 1980 đến nay, Proton xuất khẩu khoảng 400 nghìn/3,5 triệu xe ô tô sản xuất ra. Ở thời điểm đỉnh cao nhất, Proton xuất 30 nghìn ô tô/năm sang thị trường Anh và thậm chí còn thâu tóm công ty ô tô Lotus của Anh. Thế nhưng rồi các kế hoạch vươn ra thị trường nước ngoài không được thực hiện thống nhất và liền mạch khiến cái tên Proton dần biến mất khỏi thị trường.
Cùng khoảng thời gian trên, các hãng xe Hàn Quốc, đặc biệt là Hyundai, đã thực hiện chiến lược xuất khẩu bài bản ngay từ đầu. Khi quyết tâm làm việc đó, các hãng xe Hàn Quốc nghiên cứu rất kỹ về việc thị trường các nước khác cần gì và họ điều chỉnh các tiêu chuẩn sản xuất linh kiện cho hợp chuẩn quốc tế ngay từ đầu.
Giữa thập niên 1980 khi mà doanh số bán ô tô của hãng tại toàn Hàn Quốc mới chỉ đạt 250 nghìn xe/năm, Hyundai đã mạnh dạn đầu tư hẳn một nhà máy công suất 300 nghìn xe/năm chỉ riêng tập trung bán hàng cho thị trường Mỹ, thị trường mà Hyundai đánh giá là cực kỳ tiềm năng. Ở giai đoạn đó, ban lãnh đạo của Hyundai chấp nhận việc những lô hàng xuất khẩu đầu tiên sẽ thất bại nhưng họ quyết tâm sẽ điều chỉnh để thích nghi với thị trường.
Cùng từ chính những ngày đầu tiên này, Hyundai đã đầu tư mạnh tay để phát triển hệ thống phân phối xe tại Hàn Quốc và tung rất nhiều tiền cho chiến lược quảng cáo tiếp thị sản phẩm.
So với với Proton và nhiều hãng xe châu Á khác khi đó mới chỉ chăm chăm sử dụng hệ thống phân phối sẵn có của các công ty phân phối nước ngoài thì Hyundai đã tiến trước nhiều bước.
Ngoài ra, cũng phải nói đến vai trò của chính phủ Hàn Quốc trong việc hỗ trợ đưa Hyundai ra thị trường quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ không chỉ Hyundai mà là gần như tất cả các công ty ô tô Hàn Quốc với chính sách lãi suất tín dụng siêu thấp hoặc lãi suất thực âm.
Tuy nhiên các khoản vay này luôn đi kèm với các chỉ tiêu về mở rộng thị trường xuất khẩu, nếu các hãng không thực hiện được, áp lực chính trị từ phía các đảng đối lập đối với đảng cầm quyền sẽ rất lớn.
Trong nội bộ Hyundai, áp lực đẩy mạnh xuất khẩu cũng tạo ra nhiều sức ép lên hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) trong doanh nghiệp. Đến năm 1991, Hyundai đã sản xuất được xe ô tô điện.
Chính sách của chính phủ Hàn Quốc khi đó cũng tập trung khuyến khích cho một số tập đoàn lớn sản xuất ô tô xuất khẩu ra nước ngoài, và cuối cùng cũng đã có được một số tập đoàn/công ty thành công bao gồm Daewoo, Hyundai, KIA, Asia Motors. Samsung cũng đã từng có thời sản xuất ô tô.
Ngoài ra chính phủ Hàn Quốc phát triển một số công ty sản xuất các thiết bị điện tử, chất hóa học và đóng tàu khác. Khi chính phủ Hàn Quốc bắt đầu khởi động chương trình phát triển ngành ô tô, chính phủ Hàn Quốc còn chấp nhận cả những công ty không có kinh nghiệm trong ngành ô tô tham gia để thử nghiệm. Chính Hyundai ban đầu cũng là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhưng sau đó đã chuyển sang sản xuất ô tô.
Trí thức trẻ/CafeBiz