Chuỗi cung ứng bế tắc và tình hình chỉ tệ hơn chứ không khá lên: Doanh nghiệp kêu trời, kinh tế thế giới chuẩn bị cho cú sốc lạm phát
"Chúng tôi không thể có đủ linh kiện, không thuê được container, chi phí bị đội lên quá nhiều", Christopher Tsse, CEO của Musical Electronics, công ty có trụ sở tại Hong Kong chuyên sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng than thở.
- 16-08-2021Mạng lưới vận tải biển tắc nghẽn: Gần 400 tàu container không thể lưu thông, giá cước tăng vọt
- 06-07-2021Các công ty đổ xô tích trữ hàng hoá, giá cước container tiếp tục tăng vọt
- 28-05-2021Cước phí vận chuyển container từ Á sang Âu tăng gần 500% sau 1 năm
Cuộc khủng hoảng đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu tưởng chừng như chỉ là tạm thời giờ lại được dự báo là sẽ kéo dài sang tận năm 2022, trong bối cảnh biến chủng Delta làm đảo lộn hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở châu Á và làm gián đoạn các tuyến vận tải. Kinh tế thế giới đang đứng trước những cú sốc mới.
Các nhà sản xuất đối mặt tình trạng thiếu hụt linh kiện, trong khi giá nguyên vật liệu và chi phí năng lượng tăng cao. Không chỉ vậy, họ còn phải cạnh tranh khốc liệt để có được chỗ trên các con tàu vận tải biển. Giá cước vận chuyển không ngừng tăng và đã liên tục xô đổ các kỷ lục, khiến một số nhà xuất khẩu tăng giá bán hoặc đơn giản là hủy giao hàng.
"Chúng tôi không thể có đủ linh kiện, không thuê được container, chi phí bị đội lên quá nhiều", Christopher Tsse, CEO của Musical Electronics, công ty có trụ sở tại Hong Kong chuyên sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng than thở.
Tse cho biết kể từ tháng 3 chi phí cho những cục nam châm sử dụng trong các đồ chơi xếp hình mà hãng sản xuất đã tăng khoảng 50%, khiến tổng chi phí tăng khoảng 7%. "Tôi không biết liệu chúng tôi còn có thể lời lãi chút nào từ Rubik’s Cubes nữa không bởi vì giá cả liên tục tăng".
Giá cước vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ, châu Âu liên tục phá kỷ lục.
Quyết tâm theo đuổi chiến lược "không Covid" của Trung Quốc đồng nghĩa kể cả một vài vụ gián đoạn nhỏ cũng khiến hoạt động thương mại toàn cầu bị gián đoạn nặng. Tháng 8, cảng lớn thứ 3 thế giới là Ninh Ba Chu Sơn đã bị đóng cửa trong 2 tuần và chỉ vừa mới khôi phục hoạt động sau khi 1 nhân viên làm việc tại cảng dương tính với virus, ảnh hưởng rất nhiều đến chuỗi cung ứng. Đầu năm nay vài cảng ở Thâm Quyến tạm dừng hoạt động sau khi có ca nhiễm.
"Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng và thiếu hụt container có thể kéo dài sang quý IV hoặc thậm chí là giữa năm 2022", Hssieh Huey-chuan, Chủ tịch hãng tàu container lớn thứ 7 thế giới Evergreen Marine Corp nhận định. "Nếu đại dịch không được kiểm soát hiệu quả, tắc nghẽn tại cảng có thể trở thành điều bình thường mới".
Chi phí để chuyển 1 container từ châu Á sang châu Âu đã tăng khoảng 10 lần so với tháng 5 năm ngoái, trong khi chi phí vận chuyển container từ Thượng Hải tới Los Angeles tăng hơn 6 lần theo chỉ số Drewy World Container Index. Ngân hàng HSBC nhận định chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên mong manh đến nỗi chỉ 1 tai nạn nhỏ và đơn lẻ "cũng dễ dàng tạo ra nhiều lớp tác động".
Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Maybank Kim Eng Research (Singapore) cho rằng giá cước và giá chip tăng cao cuối cùng sẽ đẩy tăng lạm phát. Mới đây nhiều nhà sản xuất, trong đó có ông lớn xe đạp Giant (Đài Loan, Trung Quốc) đã thông báo sẽ tăng giá bán để bù đắp chi phí.
Tại Mỹ, các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát mới nhất của Bloomberg hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay nhưng lại nâng dự báo về mức lạm phát. Chỉ số CPI được dự báo tăng 4% trong quý III và 4,1% trong quý IV (so với cùng kỳ 1 năm trước), tức cao gấp đôi mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Eric Chan, CEO của công ty sản xuất máy pha café Town Ray, nhận định tình trạng căng thẳng sẽ chưa thể giảm bớt trong những tháng tới. "Chúng tôi đang tăng cường tích trữ những linh kiện quan trọng để đủ dùng trong 1 năm nữa bởi vì nếu thiếu dù chỉ 1 linh kiện thì cũng không thể hoàn thành sản phẩm". Những sản phẩm của Chan sử dụng hàng trăm linh kiện và có 90% doanh số là bán cho các thương hiệu đồ gia dụng châu Âu. Giống như các đồ dùng nhà bếp khác, nhu cầu về máy pha café bùng nổ rất mạnh trong thời dịch bệnh như hiện nay.
Biến chủng Delta lây lan, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đang cản trở hoạt động của các nhà máy. Việt Nam, nước xuất khẩu các mặt hàng may mặc và da giày lớn thứ 2 thế giới, đã áp dụng mô hình cho phép công nhân ăn ngủ ngay tại nhà máy trong nỗ lực giữ vững cỗ máy xuất khẩu.
Kể cả những ông lớn như Toyota Motor cũng bị ảnh hưởng. Hãng cảnh báo có thể phải tạm dừng hoạt động tại 14 nhà máy trên khắp Nhật Bản và giảm tới 40% sản lượng vì nguồn cung bị gián đoạn, đặc biệt là nguyên nhân thiếu chip.
Tại châu Âu, các công ty ở Anh đang đối mặt với tình trạng lượng hàng trong kho thấp kỷ lục trong khi giá bán lẻ tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/2017. Đà hồi phục của kinh tế Mỹ cũng bị đe dọa. Chỉ số đo lường niềm tin của các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm mạnh hơn dự báo do lo ngại về tình trạng thiếu hụt linh kiện, nguyên liệu đầu vào.
Số tàu neo đậu chờ bốc dỡ hàng tại cảng L.A - Long Beach tăng vọt.
Vấn đề lớn nhất khiến áp lực giá cả tăng vọt là những nút thắt cổ chai trên mạng lưới vận tải.
Các nhà bán lẻ lớn thường ký hợp đồng dài hạn với các hãng tàu, nhưng toàn bộ ngành sản xuất của châu Á lại phụ thuộc vào mạng lưới gồm hàng chục nghìn nhà sản xuất quy mô nhỏ và vừa. Các nhà sản xuất này thường thu xếp vận chuyển qua các công ty logistic giờ đang chật vật tìm phương án vận chuyển cho khách trong khi các chủ tàu tất nhiên sẽ lựa chọn những bên trả phí cao nhất.
Michael Wang, chuyên gia phân tích tại President Capital Management, cho biết khoảng 60 – 70% hợp đồng vận chuyển từ châu Á đến Mỹ là hợp đồng giao ngay hoặc ngắn hạn. Tình trạng khó khăn có thể kéo dài sang tháng 2/2022, dịp Lễ nguyên đán.
Hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp Đức cũng đồng tình rằng các vấn đề của chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục kéo dài đến tận năm sau.
"Không có lựa chọn nào khác"
Jason Lo, CEO của Johnson Health Tech, 1 công ty sản xuất thiết bị tập gym, phàn nàn ở thời điểm hiện tại không thể ước tính được chi phí vận chuyển và lên kế hoạch tài chính. Tuy nhiên "chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
Colin Sung, giám đốc 1 công ty logistic đặt trụ sở ở Đông Quản (Trung Quốc), chia sẻ trường hợp 1 khách hàng hiện đang có 70 container hàng hóa mắc kẹt tại nhà kho ở Thâm Quyến bởi vì người mua ở Mỹ không muốn chịu cước vận chuyển.
Đối với các nhà máy châu Á ở bên ngoài Trung Quốc, tình hình còn tồi tệ hơn. Nhiều công ty Trung Quốc sẵn sàng trả mức giá cao hơn mặt bằng chung để có tàu. Vì thế khi tàu đến các cảng bên ngoài Trung Quốc thì gần như đã đầy.
Các công ty Trung Quốc đã giành nhiều thập kỷ vừa qua để chuyển hoạt động sản xuất các linh kiện có giá trị thấp sang những nơi có chi phí nhân công rẻ hơn tại Nam và Đông Nam Á. Giờ thì họ đang đau đầu tìm cách vận chuyển linh kiện trở lại nhà máy ở Trung Quốc để có thể hoàn thiện sản phẩm.
Với các nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất vì phong tỏa, các nhà sản xuất giống như đang chơi trò đập chuột, chuyển nguyên liệu thô từ nước này sang nước khác. Một số dựa vào những nguyên liệu có trọng lượng nhẹ như da thuộc để giữ cho dây chuyền sản xuất hoạt động.
Tan, người cũng là Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Hong Kong, đang cố gắng tìm cách kiếm những đồ trang trí để trang hoàng cho dịp Giáng sinh. "Tôi ước rằng người mua sắm sẽ hết sức trân trọng những sản phẩm của chúng tôi khi họ nhận ra rằng chúng tôi đã khó khăn và vất vả như thế nào để có được chúng trên kệ hàng".
Tham khảo Bloomberg