Chuỗi lẩu Haidilao bị tố thu thập dữ liệu trái phép, khách hàng nghe xong mới tá hỏa: 'Chúng ta như bị lột trần'
Cũng có ý kiến bênh vực rằng Haidilao chỉ đơn thuần thu thập dữ liệu để cải thiện dịch vụ.
- 15-11-2021Cổ phiếu lao dốc, “vua lẩu” Haidilao phải đóng cửa 300 cửa hàng trước cuối năm nay
- 28-10-2021Dịch bùng ở Trung Quốc, "vua lẩu" Haidilao mất 4 tỷ USD vốn hóa chỉ trong 3 ngày
Tài khoản có tên Naliyouzhimiao vừa đăng tải một bài viết trên nền tảng thương mại điện tử Xiaohongshu, cáo buộc chuỗi lẩu đình đám Haidilao đã theo dõi hành vi, thói quen và đặc điểm ngoại hình của cô khi tới ăn tại nhà hàng. Bài viết sau đó đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng động mạng Weibo. Nhiều người cho biết họ cũng từng bị thu thập dữ liệu và có những trải nghiệm tương tự.
Theo chia sẻ của tài khoản Naliyouzhimiao, hệ thống dữ liệu của Haidilao được phân chia thành 4 mục, bao gồm tần suất tới nhà hàng, 5 món ăn yêu thích nhất, những yêu cầu thường xuyên và ngoại hình khách hàng. Bài viết còn liệt kê chi tiết từng yêu cầu của khách mà Haidilao đã thu thập, chẳng hạn như "thích ăn cam lột vỏ", "thích uống nước lọc"…
Đặc điểm về ngoại hình, ví dụ như "tóc dài ngang vai", "da nâu khỏe mạnh", "mảnh khảnh" cũng được Haidilao ghi lại trong bộ dữ liệu. Thậm chí, theo Affluence Video, một công ty truyền thông tại Thượng Hải, nhiều khách hàng còn được nhà hàng mô tả là "hay cằn nhằn". Quản lý Haidilao sau đó đã lên tiếng xin lỗi vị khách trên và gửi kèm hộp quà như một cách để "đền bù" cho hành vi thu thập dữ liệu.
Bài đăng của tài khoản có tên Naliyouzhimiao
Đa số đều không đồng tình với hành động của Haidilao. Họ cho rằng việc thu thập dữ liệu cá nhân chính là vi phạm quyền riêng tư. "Chúng ta như bị lột trần trong thời đại Big data vậy", một người dùng Weibo bình luận.
Tuy nhiên, số ít các khách hàng khác lại không nghĩ điều này là phạm pháp. Họ thậm chí còn muốn Haidilao thu thập dữ liệu để được phục vụ tốt hơn, miễn là nhà hàng không để lộ thông tin trên ra ngoài.
"Uớc gì nhà hàng thịt lợn mà tôi thường xuyên ghé qua cũng có thể ghi lại thông tin của tôi, rằng tôi không thích hạt tiêu đen", một người bình luận.
Theo luật sư Chen Chang tại công ty luật Zheng Ce Thượng Hải, hành vi của Haidilao không được tính là phạm pháp. Nhà hàng chỉ đang đơn thuần thu thập thông tin khách hàng thông qua quá trình phục vụ, mô tả họ một cách khách quan nhất và lưu hành chúng nội bộ để cải thiện chất lượng phục vụ.
Theo Caijing.com, đại diện phía Haidilao cũng khẳng định toàn bộ thông tin khách hàng đều được nhà hàng sử dụng cho mục đích chính đáng. Hiện chuỗi lẩu này vẫn đang cải thiện hệ thống từ năm 2020, đồng thời cấm mọi hành vi nhận xét, bàn tán về thông tin khách hàng.
Trước đó, theo National Post, Haidilao cũng từng vướng phải không ít tranh cãi khi lắp đặt camera ở chi nhánh Canada. "Những video thu lại bởi hệ thống camera này sẽ được gửi về Trung Quốc. Đây là một vấn đề lớn", Ivy Li, một cây viết của trang Canadian Friends of Hong Kong cho biết.
Tuy nhiên, đại diện Haidilao sau đó đã phủ nhận thông tin trên và khẳng định nhà hàng không hề gửi chuyển dữ liệu khách hàng.
Hồi năm 2017, Haidilao từng là tâm điểm của vụ bê bối lớn sau khi một khách hàng tiết lộ rằng nhà bếp tại 2 chi nhánh Haidilao Bắc Kinh có chuột, trong khi bát đĩa và dao kéo được rửa bằng giẻ bẩn. Đến năm 2018, một khách hàng họ Ni tại Trung Quốc cũng cho biết vấn đề vệ sinh của Haidilao không hề được đảm bảo. Vụ việc này sau đó đã lắng xuống.
Mới đây nhất, tạp chí Forbes cho biết Haidilao, chuỗi nhà hàng lẩu Trung Quốc trị giá 14 tỷ USD đang đứng trước nguy cơ thua lỗ hơn 710 triệu USD trong năm 2021. Con số âm khổng lồ phần lớn đến từ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả cũng như việc phải đóng cửa tạm thời hơn 300 chi nhánh.
Theo: SCMP, Forbes
Doanh nghiệp và tiếp thị